Báo Công An Đà Nẵng

Trung Quốc lo các ca nhiễm "ngoại nhập"

Thứ hai, 30/03/2020 13:57

Số ca nhiễm mới và tử vong do đại dịch Covid-19 toàn cầu đang tăng nhanh, đặt ra mối lo ngại lớn cho Trung Quốc nơi bùng phát dịch bệnh này từ tháng 12-2019 nhưng hiện đã khống chế thành công, về những ca nhiễm đến và trở về từ nước ngoài.

Xe tải quân sự chở thi thể đến nhà hỏa táng ở Venice và Udine khi số người chết ngày càng tăng ở Italia.

Châu Âu và Mỹ chao đảo

Châu Âu và Mỹ đang chao đảo vì dịch bệnh khi số ca nhiễm mới và tử vong tăng chóng mặt.

Cho đến nay, đã có gần 31.000 người tử vong trên toàn cầu do Covid-19 trong tổng số gần 664.000 ca nhiễm, trong đó Châu Âu chiếm 2/3. Tâm dịch Italia chiếm 1/3 tổng số ca tử vong toàn cầu với 10.023 người. Trong khi đó, Mỹ tiếp tục là nơi có số ca nhiễm lớn nhất với 123.313,  trong đó có 2.211 ca tử vong. Điều đáng lo ngại là số ca tử vong ở Mỹ đã tăng gấp đôi chỉ trong 3 ngày, bao gồm trường hợp một trẻ sơ sinh ở thành phố Chicago, bang Illinois. Sở y tế công cộng bang Illinois đã xác nhận trường hợp trẻ sơ sinh này. Trong một thông báo, Giám đốc Sở y tế công cộng bang Illinois, Tiến sĩ Ngozi Ezike cho biết: “Trước đây chưa bao giờ có ca tử vong là trẻ sơ sinh do dịch Covid-19. Một cuộc điều tra đang được tiến hành nhằm xác định nguyên nhân tử vong”, đồng thời ông khẳng định sẽ làm mọi thứ nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus chết người này.

Dịch bệnh hiện lan sang các thành phố lớn của Mỹ bao gồm Detroit, New Orleans và Chicago và vào vùng nông thôn. Tại tâm dịch New York, các giới chức y tế kêu gọi hàng triệu người không đi du lịch trong khi Tổng thống Donald Trump cho biết đang xem xét cách ly New York, New Jersey và Connecticut. Tuy nhiên, động thái này vấp phải sự phản đối của Thống đốc New York Andrew Cuomo, và sau đó chính ông Trump cho biết sẽ không cách ly các bang này vì "việc đó không cần thiết". Trong một tuyên bố, Thống đốc Cuomo cho biết, việc đánh bại virus sẽ mất rất nhiều tuần sau khi quyết định hoãn cuộc bầu cử sơ bộ của bang từ ngày 28-4 đến ngày 23-6. LHQ, có trụ sở chính tại thành phố New York, đã quyên tặng 250.000 chiếc khẩu trang cho thành phố này trong khi chính quyền bang đang lên kế hoạch xây dựng 4 bệnh viện dã chiến để ứng phó với dịch bệnh.

Tuy nhiên, Italia vẫn là nước ghi nhận nhiều ca tử vong nhất với 889 trường hợp mới, nâng số ca tử vong lên 10.023, gấp 3 lần ở Trung Quốc. Tình hình dịch tại Tây Ban Nha cũng đang diễn biến rất nghiêm trọng khi nước này đã có thêm 688 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 5.826. Số ca nhiễm virus tăng thêm 6.750, nâng tổng số ca nhiễm lên 72.469, chỉ sau Mỹ, Italia, Trung Quốc. Nước Anh cũng đang khốn đốn sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson và Bộ trưởng Y tế Matt Hancock bị nhiễm khi tổng số ca tử vong do mắc Covid-19 đã lên đến hơn 1.200 người. Nga lần đầu tiên ghi nhận có hơn 200 ca nhiễm trong một ngày, động thái khiến chính phủ nước này ngày 28-3 công bố sắc lệnh sẽ đóng cửa các cửa khẩu biên giới từ ngày 30-3.

Khi hạn chế đi lại được nới lỏng, các nhà ga ở Vũ Hán chính thức nối lại các dịch vụ trong nước vào ngày 28-3.

Trung Quốc an toàn hơn

Trong khi cả thế giới đang chao đảo vì dịch bệnh, Trung Quốc tuyên bố thành công trong việc ngăn chặn virus khi trong nhiều ngày qua thông báo không có ca lây nhiễm SARS-CoV-2 nội địa nào. Thành phố Vũ Hán đang thận trọng mở cửa trở lại sau khi cách ly 2 tháng, nhưng nơi sinh ra đại dịch coronavirus toàn cầu hiện đang cảnh giác trước một mối đe dọa mới tiềm tàng: các trường hợp đến và trở về từ nước ngoài.

Ủy ban Y tế Quốc gia nước này ngày 29-3 cho biết, trong ngày 28-3, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 45 ca mới nhiễm, giảm so với 54 ca ghi nhận hôm 27-3, tất cả trường hợp này đều là du khách từ nước ngoài vào Trung Quốc. Tính đến nay, tổng cộng đã có 694 ca mắc Covid-19 từ nước ngoài tại Trung Quốc đại lục. "Ban đầu chúng tôi sợ hãi hơn và có thể nghĩ rằng ở nước ngoài an toàn hơn. Nhưng bây giờ nó không giống như vậy. Có vẻ như nó an toàn hơn ở Trung Quốc", một người dân tên Han Li nói với AFP. Bắc Kinh đã có một bước tiến mạnh mẽ khi tuyên bố cắt giảm số lượng chuyến bay quốc tế xuống chỉ 1 tuyến mỗi tuần đến và đi từ mỗi quốc gia, và áp dụng lệnh cấm đối với hầu hết người nước ngoài vào Trung Quốc, ngay cả những người nước ngoài có thị thực cư trú hợp lệ.

Hiện nay, trong thời điểm Vũ Hán nới lỏng lệnh phong tỏa, một số lượng lớn hành khách chen chúc trên các chuyến tàu và xe buýt để trở về nhà. Trước khi rời ga Vũ Hán, tất cả hành khách được yêu cầu đăng ký thông tin cá nhân và lịch sử đi lại trước khi được kiểm tra nhiệt độ. Họ cũng phải xuất trình chứng nhận sức khỏe tốt hoặc xếp hạng "xanh" - "an toàn" - trên hệ thống ứng dụng điện thoại di động đã được áp dụng trên toàn quốc. Tuy nhiên, số lượng người đến và đi khỏi Vũ Hán quá đông đang làm dấy lên mối lo lây nhiễm mới. Tại thành phố Hoàng Cương gần đó, một số khách sạn vẫn đóng cửa, thực khách vẫn bị cấm ăn bên trong các nhà hàng, trong khi các biển hiệu treo trên đường phố vẫn cảnh báo về mối đe dọa lây nhiễm với khẩu hiệu: "Tụ tập đông đúc là tự sát".

Một nghiên cứu trong tuần này cho thấy, việc phong tỏa ở Vũ Hán để kiểm soát lây lan dịch bệnh đã thành công, nhưng cảnh báo chính quyền không nên mở cửa thành phố quá sớm.

KHẢ ANH