Trung Quốc - “Ngày kinh hoàng nhất” vì virus corona
Sự lây lan của virus corona ở Vũ Hán không cho thấy dấu hiệu chậm lại khi Trung Quốc báo cáo số ca nhiễm bệnh không ngừng gia tăng trong khi số người tử vong cũng ở mức cao nhất trong một ngày kể từ khi bùng phát dịch.
Theo CNN, tính đến sáng 4-2, tổng số ca nhiễm bệnh được xác nhận tại Trung Quốc là 20.438, tăng 3.235 trường hợp so với ngày hôm trước - tăng hơn 18%. Số người chết hiện ở mức 425 tại Trung Quốc, tăng 65 ca so với ngày trước đó. Ở bên ngoài Trung Quốc, tỷ lệ nhiễm bệnh vẫn thấp hơn nhiều, với hơn 185 trường hợp đã được báo cáo ở hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hai nạn nhân đã tử vong do nhiễm virus corona bên ngoài Trung Quốc đại lục kể từ khi dịch bệnh bắt đầu. Một người ở Philippines và một người khác ở Đặc khu Hồng Kông. Nạn nhân ở Hồng Kông là một người đàn ông 39 tuổi đi du lịch đến Vũ Hán hồi tháng 1.
Một gia đình Trung Quốc tự trang bị thiết bị bảo hộ khi đến sân bay ở Bắc Kinh. Ảnh: CNN |
Giới lãnh đạo Trung Quốc thừa nhận thiếu sót
Trong cuộc họp với các quan chức hàng đầu hôm 3-2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi sự bùng phát virus là “bài kiểm tra lớn đối với năng lực và thể chế quản lý quốc gia, và ban lãnh đạo Trung Quốc cần tổng kết kinh nghiệm, rút ra bài học”, khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài và mối lo ngại ngày càng tăng đối với nền kinh tế nước này.
Theo truyền thông nhà nước, ông Tập yêu cầu “kiên quyết chống lại quan liêu trong công tác phòng chống dịch” và nhấn mạnh, những người chống đối sẽ bị trừng phạt mạnh mẽ. Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, công tác phòng dịch có liên quan trực tiếp đến sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân, cũng như đại cục nền kinh tế xã hội Trung Quốc và sự mở cửa của nước này đối với thế giới. Chủ tịch Trung Quốc yêu cầu các quan chức đặt vấn đề chống dịch lên hàng đầu và chạy đua cùng thời gian để ngăn chặn dịch lây lan hơn nữa. Ông Tập cảnh báo các quan chức làm việc thiếu trách nhiệm, không thực chất, tác phong hình thức,... có thể bị truy cứu trách nhiệm, đồng thời cấp lãnh đạo của họ cũng có thể bị truy cứu nếu có tình tiết nghiêm trọng. Những quan chức không làm tròn chức trách bị cảnh báo sẽ “bị trừng trị theo kỷ luật và pháp luật”.
Giới chức Trung Quốc được cho là đã lộ ra nhiều sai sót khi thực thi chiến dịch phòng chống dịch corona. Tại cuộc họp, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan quyền lực cao nhất của Trung Quốc đã thừa nhận “những thiếu sót và khó khăn” trong công tác ứng phó với tình trạng bùng phát của dịch bệnh mới này. Cho đến nay, hơn 400 quan chức địa phương Trung Quốc bị kỷ luật vì phản ứng yếu kém khi dịch bệnh bùng phát. Riêng thành phố Hoàng Cương (ngay cận kề Vũ Hán), tỉnh Hồ Bắc, 337 quan chức bị kỷ luật. Hoàng Cương là thành phố đứng thứ 2 sau Vũ Hán về số người nhiễm virus corona với hơn 1.200 ca. Các trường hợp bị kỷ luật khác được ghi nhận ở Thiên Tân, Hà Bắc và Phúc Kiến...
Khủng hoảng toàn cầu
Ngay cả khi các trường hợp nhiễm bệnh được báo cáo trên toàn thế giới, hầu hết các bệnh nhân có liên hệ đến Trung Quốc, hoặc là du khách hoặc người trở về nhà sau chuyến thăm nước này. Tuy nhiên, việc lây truyền virus từ người sang người đã được xác nhận, bao gồm cả một số bệnh nhân ở nước ngoài và các quốc gia đang nỗ lực để đảm bảo dịch bệnh không lan rộng hơn nữa.
Hôm 4-2 , nhà chức trách ở Nhật Bản cách ly hơn 3.700 người trên tàu du lịch Diamond Princess, sau khi một hành khách từng đi trên tàu hồi tháng trước đã bị nhiễm virus corona. Cơ quan y tế Nhật Bản cho biết, khoảng 2.500 hành khách và 1.000 thành viên thủy thủ đoàn ở trên tàu Diamond Princess, hiện đang neo tại cảng Yokohama ở gần thủ đô Tokyo. Theo nhà chức trách, một người đàn ông Hồng Kông từng đi du lịch trên tàu này hồi tháng trước vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới. Người đàn ông 80 tuổi này đã lên tàu Diamond Princess từ Yokohama hôm 20-1 và xuống tàu tại Hồng Kông hôm 25-1. Theo nguồn tin, ít nhất 7 người trên tàu cho biết họ cảm thấy bị bệnh, mặc dù không ai được xác nhận là có nhiễm virus. Tất cả hành khách sẽ được kiểm tra, và sẽ có kết quả sớm nhất.
Nhật Bản là một trong nhiều quốc gia đã sơ tán công dân khỏi Vũ Hán, nơi vẫn bị khóa chặt cùng với phần lớn tỉnh Hồ Bắc. Italia hôm 3-2 đã hồi hương 56 công dân, trong khi Mỹ cho biết họ sẽ điều thêm các chuyến bay để sơ tán hàng trăm người Mỹ vẫn còn mắc kẹt tại Hồ Bắc. Tại Macao (Trung Quốc), chính quyền tuyên bố sẽ đình chỉ hoạt động đánh bạc và các ngành công nghiệp liên quan trong nửa tháng trong nỗ lực ngăn chặn virus lan rộng. Dịch bệnh này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch và các song bạc tại Macao, nơi phụ thuộc rất nhiều vào du khách Trung Quốc đại lục. Đánh bạc là bất hợp pháp tại Trung Quốc đại lục và Tết Nguyên đán thường là thời gian đặc biệt bận rộn cho các sòng bạc ở Macao. Tuy nhiên, trong năm nay - du lịch đến thành phố này đã giảm 73,6% so với năm trước.
Trong khi đó, chính quyền đảo Đài Loan (Trung Quốc), cho biết sẽ từ chối nhập cảnh tất cả công dân nước ngoài từng tới Trung Quốc đại lục trong vòng 14 ngày, bắt đầu từ ngày 7-2 tới. Các hạn chế có nghĩa là bất kỳ công dân nước ngoài nào đã đến thăm hoặc sống ở Trung Quốc đại lục trong 14 ngày qua sẽ bị từ chối đến Đài Loan, không có ngoại lệ cho những người cần nhập cảnh vì “lý do đặc biệt”.
Trong ngày 4-2, giới chức y tế Malaysia ngày 4-2 cũng xác nhận công dân đầu tiên của quốc gia này bị nhiễm virus corona, nâng tổng số ca xác nhận nhiễm virus này lên 10 người. Người đàn ông Malaysia, 41 tuổi, từng đến Singapore tham dự một cuộc họp hồi tháng trước với các đồng nghiệp đến từ Trung Quốc, trong đó có một người đến từ tâm dịch Vũ Hán. Tuy nhiên, đến hôm 29-1, gần 1 tuần sau khi trở về Malaysia, bệnh nhân mới bắt đầu có các triệu chứng. Ngoài trường hợp mới phát hiện, tất cả các bệnh nhân được xác định nhiễm virus corona tại Malaysia đều là du khách Trung Quốc.
Dịch bệnh virus corona đang gây ra tâm lý lo ngại trên toàn cầu. Ảnh: CNN |
Những tín hiệu lạc quan
Giữa tất cả những mối lo này, có một số dấu hiệu của hy vọng.
Các quan chức ở Thái Lan cho biết, bệnh nhân thứ hai đã được điều trị bằng một loại thuốc kết hợp mới giữa HIV và cúm, sau khi các bác sĩ cho biết loại thuốc này đã điều trị thành công cho một phụ nữ 71 tuổi ở Trung Quốc bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, cho đến nay, các quan chức Thái Lan vẫn chưa cung cấp thông tin cho tiết về ca điều trị này.
Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul nói với các phóng viên, người đàn ông 71 tuổi này có các triệu chứng nghiêm trọng nhất trong số tất cả những người bị nhiễm bệnh tại nước này. Trong khi cảnh báo mọi người không đặt quá nhiều kỳ vọng, ông Anutin hy vọng “các tổ chức nghiên cứu, y học hoặc nghiên cứu khác có thể đưa ra kết quả điều trị này và tìm ra phương thức hiệu quả nhất”. “Và nếu liều lượng và phương pháp điều trị mà chúng tôi áp dụng có thể chữa khỏi mọi trường hợp, nó sẽ tin vui cho con người”, Bộ trưởng Anutin nói thêm.
Hôm 31-1, một bài báo về ca nhiễm virus corona đầu tiên này ở Mỹ đã được công bố trên tạp chí y khoa The New England Journal of Medicine, trong đó nêu chi tiết các triệu chứng của bệnh nhân cũng như loại thuốc đã được dùng để trị bệnh. Theo đó, loại thuốc remdesivir - do Cty dược phẩm sinh học Gilead Science có trụ sở tại Mỹ phát triển - đã được sử dụng để điều trị. Ban đầu đây là thuốc điều trị virus Ebola. Chưa đầy 1 ngày sau khi tiêm remdesivir vào tĩnh mạch bệnh nhân, các bác sĩ thông báo, sức khỏe của bệnh nhân cải thiện mà không có tác dụng phụ đáng kể nào. Các chuyên gia góp mặt trong nghiên cứu này cho biết, họ hy vọng phương pháp này sẽ giúp những nơi khác trên thế giới điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới. Tại Việt Nam, cho đến nay, cũng đã có 3 trường hợp nhiễm virus corona được chữa khỏi trong khi Trung Quốc ghi nhận chữa khỏi cho 632 trường hợp.
Cty Gilead Science cho biết đang làm việc với các cơ quan y tế Trung Quốc để xem liệu thuốc remdesivir này có thể chống lại các triệu chứng của virus corona hay không. Gilead Science cho biết thêm rằng thuốc remdesivir đã chứng minh một số hiệu quả trong điều trị MERS và SARS, hai chủng virus tương tự như virus corona mới ở Vũ Hán.
KHẢ ANH