Báo Công An Đà Nẵng

Trung Quốc ra đòn trả đũa Mỹ

Thứ ba, 03/04/2018 10:00

Ngoài những biện pháp áp thuế nhập khẩu mới nhất, Trung Quốc có thể đánh thuế các Cty công nghệ của Mỹ đang hoạt động tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. Động thái này có thể buộc các ông trùm công nghệ Mỹ, chẳng hạn như Apple, phải tăng giá sản phẩm để bù đắp.

Các sản phẩm bị Trung Quốc áp thuế mới gồm những mặt hàng chủ chốt của Mỹ, trong đó có thịt heo.  Ảnh: SCMP

Bắt đầu từ ngày 2-4, Trung Quốc áp thuế nhập khẩu đối với 128 sản phẩm của Mỹ nhằm đáp trả việc Washington gần đây áp đặt các rào cản thương mại nhắm vào hàng hóa của Bắc Kinh.

Mặc dù đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer vẫn lạc quan về “những hy vọng” trong các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Washington và Bắc Kinh, nhưng hy vọng đó vẫn quá mong manh.

Áp thuế mới 128 sản phẩm

Trong một tuyên bố, phía Trung Quốc nhấn mạnh: “Nhằm bảo vệ lợi ích và đền bù thiệt hại từ những biện pháp của Mỹ, từ ngày 2-4, chúng tôi sẽ dừng các cam kết hạ thuế có liên quan tới 128 sản phẩm thuộc 7 nhóm sản phẩm được nhập khẩu từ Mỹ...”.

Theo đó, 120 sản phẩm sẽ chịu mức thuế 15%, trong khi các khoản thuế đối với 8 sản phẩm còn lại, trong đó có thịt heo, sẽ là 25%. Các sản phẩm bị áp thuế mới gồm những mặt hàng chủ chốt của Mỹ như thịt heo, hoa quả, rượu… Và mức thuế mới này sẽ ảnh hưởng đến số hàng hóa nhập khẩu có giá trị khoảng 3 tỷ USD. Đây là đòn trả đũa mới nhất của Trung Quốc nhằm vào Mỹ sau vụ Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh áp đặt thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm hồi tháng 3. Tiếp sau đó, chính quyền ông Trump công bố một bản ghi nhớ áp đặt các khoản thuế bổ sung trị giá 60 tỷ USD đối với Trung Quốc với cáo buộc Bắc Kinh đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ. Theo các nhà phân tích, Washington đang tính đến việc công bố các biện pháp trừng phạt đối với các sản phẩm của Trung Quốc trong tuần này, một động thái có thể khiến Bắc Kinh trả đũa mạnh mẽ hơn nữa.

Trên thực tế, ngoài những biện pháp áp thuế nhập khẩu mới nhất, Trung Quốc có thể đánh thuế các Cty công nghệ của Mỹ đang hoạt động tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. Động thái này có thể buộc các ông trùm công nghệ Mỹ, chẳng hạn như Apple, phải tăng giá sản phẩm để bù đắp.

“Vũ khí hủy diệt” đậu nành

Theo các chuyên gia kinh tế, phản ứng của Trung Quốc rõ ràng đã được tính toán kỹ lưỡng. Mức thuế mới nhắm vào thịt heo của Mỹ sẽ khiến các nông dân chăn nuôi ở các bang thân thiện của Tổng thống Trump bị thiệt hại nhiều. Và hậu quả tất nhiên sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến vị thế chính trị của nhà lãnh đạo Mỹ khi các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang chuẩn bị đến hồi gay cấn.

Mục tiêu tiếp theo của Bắc Kinh có thể là đậu nành – mặt hàng xuất khẩu có giá trị nhất của Mỹ sang Trung Quốc với mức 14 tỷ USD mỗi năm. Động thái này sẽ càng khiến nông dân Mỹ thiệt hại nặng nề hơn nữa và gây ảnh hưởng chính trị đáng lo ngại hơn nữa. “Đậu nành là vũ khí hiệu quả”, một chuyên gia nhận định và khẳng định, “nếu Mỹ làm bất cứ điều gì, thì những thứ này - đậu nành, ô-tô, máy bay - sẽ chắc chắn nằm trên bàn đáp trả của Trung Quốc”. Nhận định này rõ ràng cho thấy, bây giờ, “bóng đang ở bên sân của Mỹ” và đá theo cách nào là lựa chọn của Washington. Đang có nhiều lo ngại, chiến lược “ăn miếng trả miếng” có thể trở nên tồi tệ hơn nếu Bắc Kinh tiếp tục nhắm đến các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt khác của Mỹ.

Tuy nhiên, trong khi Trung Quốc sẵn sàng trả đũa, nước này cũng đã chìa “củ cà rốt” cho Mỹ thông qua các nhượng bộ thị trường khác nhau. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hồi tháng trước tuyên bố sẽ chấm dứt việc chuyển giao công nghệ bắt buộc trong khu vực sản xuất của Trung Quốc và tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ. Ông cũng cam kết giảm bớt các hạn chế tiếp cận thị trường đối với các khoản đầu tư nước ngoài và mở ra một số lĩnh vực nhất định mà không đưa ra thời hạn cụ thể. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết sẽ mở ra thị trường thanh toán trị giá 27.000 tỷ USD cho các Cty nước ngoài, đúng như yêu cầu trong nhiều năm qua của các Cty Mỹ như Visa và Mastercard.

Những nhượng bộ của Trung Quốc được nhìn thấy trong những lời hứa này, nhưng có một vấn đề lớn, đó là phía Mỹ không tin rằng sẽ thành hiện thực. Hoặc Washington cũng có thể cảm thấy không thể đợi lâu để những cam kết này được thực hiện.

KHẢ ANH