Trung Quốc sẽ bắt tay với Mỹ?
(Cadn.com.vn) - Các sự kiện gần đây có thể khiến Bắc Kinh cởi mở hơn để phối hợp với Mỹ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
Hồi tháng 11, Tổng thống Mỹ Barack Obama thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị APEC về hợp tác chung trong loạt các vấn đề quốc tế, trong đó có nỗ lực chống khủng bố. Giới phân tích cho rằng, những sự kiện gần đây ở phía tây Tân Cương là nguyên nhân khiến Bắc Kinh quyết tâm như vậy.
Mối đe dọa từ IS và Al-Qaeda
Trong năm qua, hàng trăm người bị giết chết trong các vụ bạo lực liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ, nhóm dân tộc Hồi giáo nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ tại Tân Cương ở Trung Quốc. Quy mô các cuộc tấn công gần đây, cách thức chúng thực hiện, và thực tế dân thường là mục tiêu cho thấy, Trung Quốc thực sự phải đối mặt với một mối đe dọa khủng bố trong nước.
Tuy nhiên, nhận thức về chủ nghĩa khủng bố ở Trung Quốc gần đây mang một màu sắc hoàn toàn mới với sự xuất hiện nhanh chóng của nhóm IS ở Trung Đông. Hồi tháng 7, IS công bố bản đồ tiết lộ kế hoạch kiểm soát một phần quan trọng của Tân Cương trong vòng 5 năm tới.
Sau đó, vào tháng 9, phái viên Trung Quốc tại khu vực Trung Đông Wu Sike thông báo, ít nhất 100 công dân đang tập luyện cùng với IS ở Trung Đông. Mặc dù Bắc Kinh vẫn nhận định, mong muốn kiểm soát Tân Cương của IS là không thực tế, song việc công dân Trung Quốc đang tập luyện cùng với các nhóm khủng bố tạo ra mối quan tâm đáng kể về các nguy cơ an ninh mà họ có thể gây ra nếu trở về nước.
Bản thân Al-Qaeda cũng tiết lộ kế hoạch riêng về Tân Cương. Hồi tháng 10, nhóm khủng bố này phát hành tạp chí mô tả Tân Cương là "vùng đất Hồi giáo bị chiếm đóng". Với việc cả IS và Al-Qaeda đều lớn tiếng thể hiện sự quan tâm đối với Tân Cương, Bắc Kinh dường như phải sẵn sàng xem khủng bố Tân Cương là vấn đề toàn cầu và sẵn sàng bắt tay với Mỹ.
Quân đội Trung Quốc tại Tân Cương. Ảnh: Diplomat |
Mục tiêu là gì?
Vậy, Trung Quốc thực sự đang tìm kiếm những gì trong việc hợp tác chống khủng bố này?
Với sự gia tăng bạo lực gần đây ở Tân Cương, Bắc Kinh quan tâm đến việc các phiến quân đang vượt biên giới vào Trung Quốc. Theo giới phân tích, ngăn chặn các phiến quân vượt biên giới là thời điểm chín muồi cho sự hợp tác Mỹ-Trung.
Bắc Kinh có thể sử dụng ảnh hưởng đối với các nước láng giềng để thúc đẩy hệ thống kiểm soát hiệu quả ảnh hưởng của chủ nghĩa khủng bố xuyên biên giới. Đã có nhiều lời kêu gọi hợp tác trong việc ngăn chặn đóng góp tiền cho các nhóm khủng bố bởi "tiền là chìa khóa trong việc tuyển dụng của các nhóm này". Trung-Mỹ có thể hợp tác chặt chẽ với các nước Trung Đông để tiêu diệt nguồn lực kinh tế từ các thị trường chợ đen trực tuyến.
Trung-Mỹ cũng có thể phối hợp với nhau chống lại việc tuyển dụng và tuyên truyền chủ nghĩa cực đoan trực tuyến. Nhưng vẫn chưa có một biện pháp khả thi chống lại Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM), nhóm mà Bắc Kinh cáo buộc thực hiện các vụ bạo lực ở Tân Cương. Về vấn đề này, ông Hồng Lỗi cũng từng tuyên bố: "Chống lại ETIM là khía cạnh quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu". Ông cũng nhấn mạnh rằng không nên có "tiêu chuẩn kép" trong cuộc chiến chống khủng bố.
Nhận thức được mối quan ngại của Trung Quốc là thành công của Tổng thống Obama tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC vừa qua.
An Bình
(Theo Diplomat)