Báo Công An Đà Nẵng

Trung Quốc tăng cường hiện diện sát biên giới Ấn Độ

Thứ sáu, 19/01/2018 13:40

Các hình ảnh vệ tinh mới đây cho thấy, Trung Quốc đang xây dựng một khu phức hợp quân sự khổng lồ dọc cao nguyên Doklam, chỉ cách khu vực xảy ra tranh chấp với Ấn Độ hồi tháng 8-2017 khoảng 10km. 

Hình ảnh vệ tinh cho thấy các hoạt động của Trung Quốc ở cao nguyên Doklam. Ảnh: NDTV

Các hình ảnh mới cho thấy khu phức hợp quân sự của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) chỉ cách cao nguyên Doklam khoảng 10km về phía Đông. Đây là nơi diễn ra cuộc đối đầu trên biên giới kéo dài 73 ngày giữa New Delhi và Bắc Kinh hồi tháng 8-2017. PLA đang có các hoạt động xây dựng như đào hào, xây dựng doanh trại và bãi đáp trực thăng. PLA dường như cũng đang đào các ụ pháo, song hiện chưa thấy có bất kỳ vũ khí hạng nặng nào được bố trí tại đây. 

Các hoạt động của Trung Quốc

Đây là những hình ảnh đầu tiên thể hiện mức độ triển khai của Trung Quốc tại Doklam nhằm duy trì khả năng xây dựng con đường tranh chấp trong thời gian ngắn và chỉ ra kế hoạch triển khai dài hạn lực lượng quân đội của PLA. Hình ảnh từ vệ tinh cũng cho thấy Trung Quốc tăng cường binh sĩ và các xe thiết giáp trong khu vực này, trong đó có một trung đoàn cơ giới đầy đủ trang bị xe chiến đấu bộ binh ZBL-09 có thể lắp lựu pháo và hệ thống phòng không. Hai khu vực đậu xe chính được quan sát đã xuất hiện xe vận tải cỡ nhỏ, cho thấy việc sử dụng để vận chuyển bằng phương tiện cơ giới.

Có tổng cộng hai trung đoàn người vận chuyển trên cao nguyên Doklam. Có hơn 100 phương tiện dùng để chuyên chở quân đội. Có ít nhất 4 xe ủi đất lớn và 4 xe xúc lật. Có một đài quan sát rất cao, ít nhất là 2 tầng, được xây dựng bằng bê tông xi-măng cách phía trước ranh giới do Quân đội Ấn Độ chiếm giữ chưa đầy 10m. Nhiều trạm gác được dựng lên trên hầu hết mọi ngọn đồi trên cao nguyên. Những trạm gác này được phòng thủ vòng quanh bằng hai lớp mương liên thông. Ít nhất 7 sân đậu trực thăng mới đã được xây dựng. Nhiều con đường mới được xây dựng bao phủ cao nguyên. Công việc đang được tiến hành để mở rộng các tuyến đường hiện có. Hầu hết các con đường đều có các đường mòn liên lạc chạy dọc theo chúng.

Ấn Độ thử thành công tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân

Ngày 18-1, từ bãi thử tổng hợp (ITR) trên đảo Abdul Kalam ngoài khơi bờ biển Odisha, Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa đất đối đất có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Agni-5 do nước này tự phát triển. 

Tên lửa Agni-5, do Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) Ấn Độ phát triển, được phóng đi từ tổ hợp bệ phóng số 4 của ITR. Tên lửa này có khả năng mang một đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường nặng khoảng 1,5 tấn. Tên lửa 3 tầng Agni-5 cao 17,5m, rộng 2m nặng khoảng 50 tấn. Độ chính xác của tên lửa có tầm bắn từ 5.000-8.000km này cao hơn nhiều so với 3 phiên bản trước đó là Agni-2, Agni-3 và Agni-4. Tên lửa Agni-5 là biện pháp đối phó lý tưởng đối với sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Tên lửa sẽ mang lại cho Ấn Độ lợi thế trong khả năng tấn công tầm xa.

B.N

Phản ứng của Ấn Độ     

Khi được hỏi về hoạt động trên của Trung Quốc, Tham mưu trưởng lục quân Ấn Độ, tướng Bipin Rawat cho rằng, đây chỉ là động thái tạm thời.

Ông Rawat đoán PLA đang muốn xây cơ sở nhằm bảo vệ thiết bị quân sự trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Tây Tạng vào mùa đông do họ không thể di chuyển chúng đi. Phát biểu trước báo giới, ông nêu rõ: “Về vấn đề Doklam, binh sĩ PLA ở đó nhưng không phải với số lượng lớn như giai đoạn ban đầu. Họ đã tiến hành một số hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng nhưng chủ yếu là tạm thời. Chúng tôi cũng ở đó, nếu họ đến, chúng tôi sẽ đương đầu với họ”.

Ấn Độ hiện đang theo dõi sát sao sự hiện diện của quân đội Trung Quốc và các hoạt động xây dựng ở phía bắc Doklam. New Delhi cho rằng, PLA có thể sẽ điều một số lượng lớn binh sĩ quay trở lại khu vực Doklam sau mùa đông khắc nghiệt. “Họ đã xây dựng cơ sở hạ tầng ở phía bắc Doklam. Tuy nhiên, quân đội của chúng tôi, nằm trên đỉnh đầu nguồn Dokms, nằm ở vị trí tốt hơn về địa hình. Chúng tôi đang chờ đợi, chuẩn bị cho bất kỳ tình huống nào”, một quan chức cho biết. Quan chức này khẳng định, các binh sĩ Ấn Độ sẽ chiến đấu một lần nữa nếu PLA cố gắng phá vỡ hiện trạng, giống như đã xảy ra vào tháng 6-2017.

Căng thẳng Trung -Ấn bùng phát từ giữa tháng 6-2017, khi quân đội Trung Quốc điều lực lượng công binh và máy móc cơ giới tiến vào vùng tranh chấp ở Doklam giữa Bhutan và Trung Quốc để xây dựng các công trình giao thông. Phản đối không thành, Bhutan đề nghị Ấn Độ đưa quân đội tới Doklam để ngăn cản các động thái từ phía Bắc Kinh. Ấn Độ sau đó đã triển khai hàng trăm binh sĩ tới Doklam, khiến Trung Quốc phản đối kịch liệt. Binh sĩ hai bên rút quân hôm 28-8-2017 sau hàng loạt cuộc đàm phán bí mật, dự án xây dựng của Trung Quốc cũng bị hủy. Tuy nhiên,    2 tháng sau, truyền thông Ấn Độ đưa tin Trung Quốc vẫn duy trì khoảng 1.000 quân tại khu vực tranh chấp này.

Tăng cường mua vũ khí

Bộ Quốc phòng Ấn Độ hôm 16-1 thông báo sẽ mua hơn 160.000 khẩu súng trị giá 553 triệu USD để trang bị cho lực lượng quân đội đóng ở các khu vực biên giới có tranh chấp sau vụ đối đầu căng thẳng với Trung Quốc hồi năm ngoái.

Thông báo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ ngày 16-1 cho biết, trong cuộc họp do Bộ trưởng Quốc phòng Nirmala Sitharaman chủ trì, Hội đồng Mua sắm Quốc phòng đã thông qua hợp đồng mua 72.400 súng trường tấn công và 93.895 súng carbine trị giá 35 tỷ rupee (553 triệu USD). Theo thông báo, số vũ khí này được mua để “cho phép các lực lượng phòng vệ đáp ứng được yêu cầu trước mắt của các binh sĩ triển khai ở các khu vực biên giới”.

AN BÌNH