Báo Công An Đà Nẵng

Trung Quốc tham vọng phát triển AI

Thứ tư, 08/01/2020 13:15

Đối với Trung Quốc, trí tuệ nhân tạo (AI) là đòn bẩy mở ra sự tăng trưởng kinh tế và giúp giải quyết các vấn đề xã hội sâu xa, như sự phân phối nguồn lực không đồng đều trong lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Robot hình người tại Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới (WAIC) ở Thượng Hải hồi tháng 8-2019.  Ảnh: Bloomberg

Những mục tiêu đầy tham vọng

Những mục tiêu của Bắc Kinh về AI là đầy tham vọng. Đến năm 2025, Trung Quốc muốn áp dụng AI trên quy mô rộng trong lĩnh vực sản xuất, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nông nghiệp và quốc phòng, và đang tìm cách chiếm vị trí nước dẫn đầu thế giới về AI của Mỹ vào năm 2030.

Bằng một số biện pháp, Trung Quốc đã đi được nửa đường. Dân số 1,4 tỷ và mật độ đô thị cao cho phép các Cty và chính phủ thu thập kho dữ liệu khổng lồ. Điều này đã giúp thúc đẩy sự phát triển của một số Cty khởi nghiệp trong lĩnh vực AI có giá trị nhất thế giới, như SenseTime và Megvii có trụ sở tại Bắc Kinh. Hai Cty chuyên về tầm nhìn và công nghệ nhận dạng khuôn mặt này, đang phát triển nhanh do nhu cầu ngày càng tăng đối với an ninh công cộng, phát hiện tội phạm và xây dựng cơ sở hạ tầng thành phố thông minh. “Mục đích cuối cùng của AI là thu thập kiến thức của con người để có thể tái sử dụng chúng”, ông Andy Chun, phụ tá giáo sư tại Đại học Hồng Kông, thành viên Nhóm Chuyên gia AI của Hiệp hội Máy tính Hồng Kông, cho biết.

Khi nói đến các vấn đề xã hội như giáo dục, chăm sóc sức khỏe và nông nghiệp, Trung Quốc gặp một số trở ngại. Một nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh từ năm 2016 cho thấy 1/3 tài sản của đất nước được nắm giữ bởi 1% hộ gia đình giàu có nhất, trong khi 25% số người nghèo nhất chỉ nắm giữ 1% của cải của đất nước. Hơn 564 triệu người, tương đương 40% dân số của đất nước, vẫn sống ở khu vực nông thôn vào năm 2018, và chính phủ đang chuyển sang các công nghệ mới như AI để giải quyết nhiều vấn đề xã hội ảnh hưởng đến nhân khẩu học này.

Một loạt các Cty như Liulishuo tập trung vào giáo dục, Ping An Good Doctor phát triển nền tảng chăm sóc sức khỏe trực tuyến và JD.com tập trung lĩnh vực thương mại điện tử đang thử nghiệm AI để cải thiện các dịch vụ xã hội quan trọng. Ý tưởng là các hệ thống AI có thể học cách tận dụng lượng dữ liệu khổng lồ để giúp giảm sự thiếu hiệu quả trong các dịch vụ quan trọng, thay thế các chuyên gia khi nguồn lực con người khan hiếm và khi Trung Quốc tiếp tục đối phó với dân số ngày càng tăng cũng như sự phân phối tài nguyên không đồng đều.

Mở rộng khoảng cách giàu nghèo

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, rất khó để đạt những tham vọng quá sức về AI như vậy. “Những công nghệ AI mới này rõ ràng sẽ tập trung nhiều hơn ở các khu vực đã phát triển và trong thời gian ngắn, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn sẽ ngày càng rõ rệt hơn”, ông Qing Qinghui, nhà kinh tế trưởng của Trung tâm nghiên cứu Qinghui có trụ sở tại Thâm Quyến, cho biết.

Ở Trung Quốc, khoảng 8% các bệnh viện tiếp nhận hơn một nửa số bệnh nhân khám ngoại trú vào năm 2016. Và ở nông thôn, chỉ có 1/3 số giáo viên ở các trường tiểu học có bằng đại học, so với 2/3 số giáo viên ở thành thị. Ở các vùng nông thôn, nơi nông dân chủ yếu trồng trọt để tự cung cấp và kiếm sống cơ bản, việc thực hiện các công nghệ đắt tiền như AI là điều gần như không thể. Nhiều Cty phát triển AI có xu hướng tìm kiếm các khách hàng có khả năng trả tiền cho dịch vụ của họ. Tương tự như vậy, những học sinh đăng ký gia sư AI thường là con cái trong gia đình khá giả, trái ngược với những học sinh đến từ các khu vực nghèo hơn. Do đó, điều đáng sợ là sự thúc đẩy AI của Trung Quốc có thể giúp mở rộng khoảng cách kỹ thuật số giữa người giàu và người nghèo.

“Tôi tin có sự phân chia nghiêm trọng ở Trung Quốc giữa cư dân thành thị và nông thôn, cũng như giữa những người có mức thu nhập cao và thấp hơn. Việc áp dụng AI, đặc biệt là cho giáo dục, y tế, sẽ bị hạn chế đối với những người bị hạn chế hoặc không có quyền tiếp cận các dịch vụ Internet”, ông Chun nói.

AN BÌNH