Trung Quốc tìm cách xích lại gần hơn với Triều Tiên
Khả năng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Triều Tiên vào đầu tháng 6 tới và Hội nghị Thượng đỉnh Hàn - Triều gần đây chính là nội dung thống trị chương trình nghị sự trong suốt chuyến thăm kéo dài 2 ngày của Ngoại trưởng Vương Nghị ở Bình Nhưỡng.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) đến Bình Nhưỡng hôm 2-5. Ảnh: AP |
Ngày 2-5, Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Vương Nghị đã rời thủ đô Bắc Kinh đến Triều Tiên, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Trung Quốc đến quốc gia láng giềng thân cận này kể từ năm 2007.
Chuyến đi này được coi là một phần trong nỗ lực liên tục của Bắc Kinh nhằm sửa chữa mối quan hệ với Bình Nhưỡng sau nhiều năm căng thẳng xung quanh những tranh cãi về chương trình tên lửa đạn đạo và các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.
Quyết tâm của Bắc Kinh...
Quyết định đến Bình Nhưỡng của ông Vương Nghị được đưa ra sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử liên Triều hồi tuần trước và trước thềm cuộc gặp quan trọng khác của lãnh đạo Mỹ-Triều.
Vì vậy, theo giới phân tích, khả năng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Triều Tiên vào đầu tháng 6 tới và Hội nghị Thượng đỉnh Hàn-Triều gần đây chính là nội dung thống trị chương trình nghị sự trong suốt chuyến thăm kéo dài 2 ngày của Ngoại trưởng Vương Nghị ở Bình Nhưỡng. Chuyến thăm của ông Vương Nghị cũng có thể là bằng chứng thể hiện quyết tâm của Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán tương lai liên quan Bán đảo Triều Tiên. Theo chuyên gia này, Trung Quốc muốn hiểu rõ liên Triều có ý định gì trong cuộc gặp hôm 27-4 khi cam kết “cùng nhau chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên thông qua đàm phán 3 bên hoặc 4 bên”. Trung Quốc có thể lo ngại, nước này sẽ có một chỗ trong bàn đàm phán chỉ sau khi diễn ra cuộc đàm phán giữa hai miền Triều Tiên và Mỹ.
Vì vậy, theo các chuyên gia, ông Vương Nghị có khả năng sẽ tìm cách thuyết phục Bình Nhưỡng hành động hướng đến một cuộc gặp 4 bên để đảm bảo có sự tham gia của Bắc Kinh.
... trong các vấn đề Triều Tiên
Hồi tháng 3, lần đầu tiên sau 7 năm lên nắm quyền, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Và địa điểm được chọn không nơi nào khác chính là Bắc Kinh, Trung Quốc. Động thái này được cho là một mũi tên trúng hai đích: làm hài lòng đồng minh thân cận nhất và chứng tỏ cho cả thế giới thấy rằng, Trung Quốc vẫn đứng về phía Triều Tiên.
Tuy nhiên, dường như chừng đó vẫn chưa đủ với Bắc Kinh trong bối cảnh sân khấu địa chính trị trên bán đảo Triều Tiên có những bước chuyển biến chóng mặt và Trung Quốc đang bị bỏ rơi khỏi những vấn đề liên quan Triều Tiên, nhất là khi hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump đang đến gần. Một phát ngôn viên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, khu phi quân sự ở Panmunjom sẽ là địa điểm “có ý nghĩa” cho hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa ông Trump và ông Kim. Trong khi địa điểm hội nghị thượng đỉnh xem ra gần như đã được định đoạt, nội dung bàn đàm phán đang được nói đến nhiều nhất. Theo giới phân tích, ngoài việc tìm kiếm thỏa thuận phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, còn có một hiệp định hòa bình chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên.
Vấn đề tranh cãi hiện nay là việc rút Các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) khỏi quốc gia Đông Bắc Á này. Điều này đang được đặt ra sau khi hãng NBC hôm 30-4 đưa tin, Tổng thống Trump, người cho rằng Hàn Quốc không trả đủ kinh phí cho công tác bảo dưỡng phục vụ USFK, đang xem xét ý tưởng rút quân nhưng các phụ tá đã thuyết phục ông thay đổi ý định. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết, ý tưởng này có khả năng sẽ được thảo luận giữa Mỹ và các đồng minh với Triều Tiên.
Tuy nhiên, đây thật sự là điểm khúc mắc khó giải khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 2-5 bác bỏ ý kiến này. Ông Moon nhấn mạnh, USFK là vấn đề của liên minh Hàn-Mỹ và không liên quan gì đến việc ký một hiệp định hòa bình liên Triều.
KHẢ ANH