Báo Công An Đà Nẵng

Trung Quốc ve vãn Nam Á

Thứ ba, 16/09/2014 09:54

(Cadn.com.vn) - Chuyến công du Nam Á của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bắt đầu hôm 15-9, đặt trọng tâm làm sống lại “con đường tơ lụa trên biển” và nhấn mạnh tầm ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực.

Maldives là chặng dừng chân đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình  trong chuyến công du các quốc gia Nam Á nằm ở chuỗi đảo chiến lược trên Ấn Độ Dương, trong đó Bắc Kinh đặt trọn hy vọng quốc đảo này sẽ giúp xây dựng “con đường tơ lụa trên biển của thế kỷ XXI”.

Ông Tập hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Abdulla Yameen sau lễ đón chính thức tại Quảng trường Cộng hòa. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ khi quốc gia thuộc địa cũ của Anh giành độc lập vào năm 1965, song là cuộc họp lần hai giữa hai nhà lãnh đạo trong một vài tuần, sau các cuộc đàm phán hồi tháng trước tại Nam Kinh.

Tổng thống Maldives Abdulla Yameen (phải) chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến nước này hôm 15-9. Ảnh: AP

THAM VỌNG “CON ĐƯỜNG TƠ LỤA TRÊN BIỂN”

Đến Maldives, Chủ tịch Tập mong muốn thúc đẩy quan hệ với quốc gia nổi tiếng với ngành công nghiệp du lịch hái ra tiền và nằm giữa các tuyến đường vận chuyển quốc tế lớn này.

“Con đường tơ lụa trên biển” - vốn được ông Tập “chào hàng” trong chuyến thăm Indonesia năm ngoái - ra đời nhằm mục đích làm sống lại tuyến đường thương mại chạy từ Trung Quốc qua Đông Nam Á và Ấn Độ Dương đến Châu Âu. “Maldives là điểm dừng quan trọng của con đường tơ lụa hàng hải cổ xưa”, AFP dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh.

Trong khi đó, chính phủ ông Yameen quan tâm đến việc bảo đảm nguồn tài trợ của Trung Quốc cho các dự án đầy tham vọng, xây dựng cầu đường bộ giữa đảo trung tâm và đảo Hululle, nơi đặt sân bay quốc tế. Quốc gia có 1.192 hòn đảo san hô nhỏ nằm rải rác trên đường xích đạo này cũng nhắm mục tiêu thu hút du khách đến từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, có nhiều cảnh báo rằng, Maldives - được ông Tập ca ngợi là “chuỗi ngọc trai duy nhất mà Chúa còn để lại cho con người” - có thể trở thành thiên đường tuyển dụng các chiến binh thánh chiến, nhất là IS.

“Trung Quốc quá hung hăng”

Đó là tuyên bố của Tổng thống Philippines Benigno Aquino III tại cuộc họp với Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy khi ông đến thủ đô Madrid, bắt đầu chuyến công du 4 nước Châu Âu gồm cả Bỉ, Pháp, Đức.

Theo Inquirer, Tổng thống Aquino III chỉ trích những hành động của Bắc Kinh ở biển Đông là “quá hung hăng” đồng thời kêu gọi Châu Âu ủng hộ Manila trong nỗ lực giải quyết tranh chấp với Bắc Kinh. Ông Aquino trích dẫn sự hiện diện của tàu Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

CHỜ CUỘC GẶP MODI – TẬP CẬN BÌNH

Sau Maldives, ông Tập sẽ thăm đồng minh thân cận Sri Lanka và đến Ấn Độ.     

Giới quan sát đang tập trung chú ý vào chặng dừng chân của ông Tập tại Ấn Độ - quốc gia đang trong mối quan hệ khá căng thẳng với Trung Quốc do những tranh chấp biên giới. Nhiều người cho rằng, chuyến thăm của ông Tập đến New Delhi đánh dấu thời kỳ mới trong quan hệ Ấn-Trung, được gắn kết bằng “sự cộng hưởng chiến lược” mạnh mẽ. Theo đó, hai bên dự kiến sẽ ký khoảng 20 thỏa thuận và bản ghi nhớ (MoU), trong đó có các thỏa thuận liên quan đến phát triển hạ tầng, thành lập các “thành phố công nghiệp” và quan hệ văn hóa.

Hai trong số các quốc gia lớn nhất Châu Á - về kích thước, dân số, quân sự và kinh tế - sẽ thảo luận về các vấn đề có ảnh hưởng đến hơn 1/3 nhân loại. Mặc dù được đánh giá là cuộc họp được chờ đợi nhất trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Modi cho đến nay, giới quan sát nhận định, đừng mong đợi bất kỳ phép lạ nào từ cuộc hội đàm Modi-Tập Cận Bình.

Bởi thực tế cho thấy, chính phủ Thủ tướng Modi hiện coi ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực là mối đe dọa hàng đầu, mà các nhà phê bình cho rằng, các chính phủ trước đó đã bỏ quên. Trong khi đó, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình xem New Delhi là chướng ngại vật lớn trên con đường phát triển đầy mạnh mẽ của mình.

Khả Anh