Báo Công An Đà Nẵng

Trung Quốc với cuộc đua ở Bắc Cực

Thứ hai, 31/12/2018 16:00

Trong nỗ lực trở thành siêu cường toàn cầu, Trung Quốc thường xuyên vướng vào các tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng, chống lại luật pháp quốc tế. Nhưng có một khu vực ít đối thủ hơn và là nơi các quy tắc vẫn đang được quyết định: đó là Bắc Cực. Trung Quốc nhìn thấy cơ hội trong biển băng đang tan rộng của Bắc Cực. Các chuyên gia cho biết, Bắc Kinh đã bắt đầu thúc đẩy ảnh hưởng lớn hơn trong khu vực nhằm mở các tuyến thương mại mới, khai thác dầu khí và nghiên cứu về biến đổi khí hậu.

Tàu phá băng được chế tạo trong nước đầu tiên của Trung Quốc, Xuelong 2, trong buổi lễ ra mắt tại một xưởng đóng tàu ở Thượng Hải hồi tháng 9. Ảnh: CNN

Về mặt địa lý, Trung Quốc không ở gần vòng Bắc Cực, khiến cường quốc Châu Á bất lợi chính trị lớn so với 8 quốc gia trong Hội đồng Bắc Cực, tất cả đều có lãnh thổ bên trong Vòng Bắc Cực.

Các thành viên Hội đồng Bắc Cực phản ứng khác nhau trước động thái ngày càng tăng của Trung Quốc tại Bắc Cực. Một số nền kinh tế nhỏ hơn như Iceland và Na Uy nhìn thấy đó là một cơ hội, những nền kinh tế khác có lợi ích chiến lược như Nga và Canada thì ngày càng cảnh giác.

Theo ông Marc Lanteigne, chuyên gia Trung Quốc và khu vực vùng cực của Đại học Massey ở New Zealand, Trung Quốc không phải là quốc gia ngoài Bắc Cực duy nhất quan tâm đến khu vực này, nhưng đến nay, đó là nước lớn nhất. Năm 2013, Trung Quốc cùng với Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore trở thành quan sát viên không bỏ phiếu trong Hội đồng.

Con đường tơ lụa Bắc Cực

Hồi tháng 1, Bắc Kinh xuất bản Sách trắng chiến lược Bắc Cực đầu tiên, tuyên bố quyền lợi trong khu vực trong khi cố gắng xoa dịu nỗi sợ hãi về tham vọng lãnh thổ.

Trong Sách trắng, Trung Quốc tự định nghĩa mình là một "quốc gia gần Bắc Cực", cho rằng những thay đổi môi trường ở Bắc Cực có "tác động trực tiếp đến hệ thống khí hậu và môi trường sinh thái của Trung Quốc". Sách trắng nêu chi tiết kế hoạch của Bắc Kinh về "Con đường tơ lụa Bắc Cực" như là một phần của dự án cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường trị giá hàng nghìn tỷ USD, chính sách để đời của Chủ tịch Tập Cận Bình mà chính phủ đã chi một số tiền lớn để xây dựng các hành lang thương mại rộng lớn trên khắp thế giới.

Trong khi sáng kiến Vành đai và Con đường vấp phải sự chỉ trích ở phương Tây do lo ngại Trung Quốc trở thành "chủ nợ" của các nước đang phát triển, ông Lanteigne nói rằng, một số nước nhỏ ở Bắc Cực muốn xây dựng quan hệ kinh tế với Bắc Kinh. "Nó kích thích khá nhiều quốc gia Bắc Âu, những nước nhìn thấy khả năng mở rộng giao thông đường biển và các cảng mới của Trung Quốc", ông Lanteigne nói.

Ý tưởng về mối quan hệ đối tác cùng có lợi chính là thông điệp trấn an Trung Quốc tìm cách hướng tới trong chính sách Bắc Cực của mình. Tuy nhiên, Hội đồng Bắc Cực bày tỏ lo ngại trước khi kết nạp Trung Quốc, bởi các thành viên sợ rằng, Bắc Kinh có thể tìm cách lặp lại việc chiếm lãnh thổ tại Vòng Bắc Cực như đã làm ở Biển Đông. Theo các chuyên gia, tình hình ở Bắc Cực tương đối hòa bình, không có tranh chấp lãnh thổ nghiêm trọng. Và các quốc gia Bắc Cực mong muốn giữ nó như vậy.

Tràn đầy tiềm năng kinh tế

Trung Quốc tuyên bố, lý do chính khiến họ quan tấm tới Bắc Cực là nghiên cứu khoa học. Trong Sách trắng chiến lược Bắc Cực, Bắc Kinh nêu chi tiết mong muốn điều tra các tác động của biến đổi khí hậu để "giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu".

Nhưng những người hoài nghi đã lập luận rằng tham vọng Bắc Cực của Trung Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi sức hấp dẫn kinh tế và chính trị của việc thống trị một khu vực giàu tài nguyên. Theo báo cáo của Rachael Gosnell tại Đại học Maryland, ước tính Bắc Cực đang nắm giữ gần 1/3 lượng khí đốt tự nhiên của thế giới và 13% trữ lượng dầu toàn cầu. Và khi nhiệt độ tăng làm tan chảy băng trong khu vực, các tuyến đường vận chuyển từng không thể vượt qua giờ đây trở thành một lựa chọn hấp dẫn và khả thi cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. "Bắc Cực đang tràn đầy tiềm năng kinh tế", ông Gosnell, người ước tính rằng nền kinh tế hàng năm của khu vực vượt quá 450 tỷ USD. "Trung Quốc thực sự muốn đặt mình vào một vị trí, để nếu có tranh giành hoặc chạy đua khai thác tài nguyên Bắc Cực, Trung Quốc sẽ tận dụng lợi thế đó", ông Lanteigne nhận định.

Để đảm bảo vị trí đó, Bắc Kinh đang tăng cường hiện diện tại Bắc Cực. Hồi tháng 9, Trung Quốc đã cho ra mắt tàu phá băng thứ hai có tên Xue Long 2, hay Snow Dragon 2, với chuyến thám hiểm Bắc Cực dự kiến diễn ra vào nửa đầu năm 2019. Đây là tàu phá băng đầu tiên do Trung Quốc chế tạo. Tập đoàn đóng tàu nhà nước tuyên bố, Xue Long 2 có khả năng cắt băng và thực hiện những nghiên cứu tiên tiến hơn so với các tàu do nước ngoài chế tạo trước đây.

Mỹ bỏ đi, Trung Quốc tiến vào

Trung Quốc nhanh chóng nhận ra tầm quan trọng của việc đầu tư vào Bắc Cực vào thời điểm có ít người tham gia, để cuối cùng họ có thể cơ cấu lại việc tiếp quản Bắc Cực theo hướng có lợi, Harriet Moynihan, cộng sự tại tổ chức tư vấn Chatham House ở Anh, cho biết.

Sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại Vòng Bắc Cực cũng trùng hợp với sự thiếu quan tâm ngày càng tăng từ Washington. Cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson đã loại bỏ đặc phái viên và đại diện cho khu vực Bắc Cực vào năm 2017, khi vấn đề biến đổi khí hậu không còn nằm trong danh sách ưu tiên của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Sau Thế chiến II, Mỹ có 7 tàu phá băng trong hạm đội Bắc Cực. Năm 2018 chỉ còn 2 tàu phá băng hoạt động, một trong số đó là tàu hạng nặng đã quá lỗi thời. Chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đã theo đuổi một chiến lược Bắc Cực đầy tham vọng để đảm bảo Mỹ vẫn là một cường quốc mạnh mẽ trong các vấn đề khu vực, bao gồm cả kế hoạch thay thế tàu phá băng hạng nặng vào năm 2020. Nhưng không rõ Mỹ hiện đang đứng ở đâu trong những kế hoạch đó. Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ, đơn vị điều hành các tàu phá băng, phải đối mặt với việc cắt giảm ngân sách đáng kể vì ngày càng có nhiều nguồn tài trợ được xem xét lại cho vấn đề an ninh biên giới. "Vì thực tế rằng Bắc Cực không phải là ưu tiên của chính quyền Trump, điều này đã cho phép Trung Quốc cầm vô lăng và đẩy nhanh các chính sách Bắc Cực của chính họ", ông Lanteigne nhận định.

Nga được cho là quốc gia Bắc Cực hoạt động mạnh nhất, với một đội tàu gồm hơn 40 tàu phá băng, và họ không muốn cho phép các quốc gia ngoài Bắc Cực phát triển khu vực này. Nhưng đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây, thái độ của Moscow đối với Trung Quốc đã ấm lên đáng kể. Hiện tại, phần lớn Bắc Cực vẫn khó tiếp cận với Trung Quốc, và Bắc Kinh vẫn đang ưu tiên đầu tư vào các khu vực khác trên thế giới, như Châu Phi và Nam Á. Nhưng sự hiện diện của Trung Quốc ở Bắc Cực chắc chắn sẽ ngày càng tăng lên, cho dù các quốc gia Bắc Cực có hài lòng về điều đó hay không.

AN BÌNH