Báo Công An Đà Nẵng

Trung Quốc với tham vọng nhà máy điện hạt nhân nổi

Thứ sáu, 18/03/2016 11:15

(Cadn.com.vn) - Giới truyền thông Mỹ rầm rộ đưa tin về việc Trung Quốc đang nuôi tham vọng xây dựng một nhà máy điện hạt nhân nổi vào cuối năm nay. Tuy Bắc Kinh chưa xác nhận việc này nhưng dự án đang khiến dư luận quan tâm, nhất là trong bối cảnh nước này đang vấp phải nhiều chỉ trích vì tham vọng chủ quyền biển đảo vô lý như hiện nay.

Nhà máy điện hạt nhân trên biển không phải là hiếm. Hải quân Mỹ hiện có khoảng 100 lò phản ứng cung cấp năng lượng tàu ngầm và tàu sân bay. Tuy nhiên, ý tưởng lò phản ứng hạt nhân nổi sinh điện phục vụ cho mục đích khác là điều đáng ngờ. Nói cách khác, trên thế giới hiện chưa có tiền lệ sử dụng năng lượng hạt nhân trên biển cho mục đích dân sự.

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất xây dựng các nhà máy điện hạt nhân kiểu này. Trong dự án Project 20870, Nga xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân trên xà lan dài 140m, rộng 30m. Dự án này dùng công suất điện hạt nhân xà lan 300MWt (sản xuất năng lượng nhiệt) hoặc 70 MWe (sản xuất năng lượng điện) để cấp điện năng cho các thành phố xa xôi và các khu công nghiệp ở vùng Cực của Nga. Tuy nhiên, tất cả dự án này đã ngừng hoạt động vào năm 2014. Mỹ cũng có dự án MH-1A "Sturgis", xây dựng vào những năm 1960, kéo đến khu vực kênh đào Panama, cung cấp điện cần thiết cho các hộ dùng điện từ năm 1968-1976.

Mô hình nhà máy điện hạt nhân trên biển của tập đoàn CGN Trung Quốc.

Cuộc chơi mới tiềm năng

Theo Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CGN), đơn vị phụ trách dự án nói trên, bản chất của lò phản ứng hạt nhân nổi của Trung Quốc là dùng lò phản ứng 200MWt (60 MW) đã được thử nghiệm, phát triển nhằm cung cấp năng lượng cho người dân trên các đảo hoặc tại các khu vực ven biển, hoặc cho mục đích thăm dò dầu khí ngoài khơi. Đặc biệt, dự án này có thể cấp điện khẩn cấp khi sự cố bất ngờ do thiên tai gây ra như sóng thần hay động đất.

Theo Jacopo Buongiorno, giáo sư tại Viện Công nghệ MIT của Mỹ, xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nhỏ hơn trên biển cũng có thể giúp giảm chi phí đầu tư cũng như rút ngắn thời gian so với xây dựng một nhà máy điện hạt nhân lớn trên đất liền. Buongiorno và các cộng sự của ông tại MIT đề nghị lắp đặt lò phản ứng trên các nền tảng tương tự giống như sử dụng cho khoan dầu biển sâu. Các nhà máy này lắp dựng cách xa bờ 13-20km, độ sâu nước ít nhất là 100m để tiện cho việc phối lắp dây cáp điện lên bờ. MIT gọi mô hình sản xuất điện hạt nhân ngoài khơi là  một "cuộc chơi mới tiềm năng" trong tương lai.

Họa hay phúc?

Hiện chưa có thông tin về vị trí mà Trung Quốc muốn xây dựng nhà máy hạt nhân nổi này. Tuy nhiên, ông Tôn Tần (Sun Qin), Chủ tịch Tập đoàn Nguyên tử Quốc gia Trung Quốc (CNNC), cho hay, nhà máy điện hạt nhân nổi dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2019.

Dự án còn giúp Trung Quốc áp dụng công nghệ năng lượng tiên tiến, xây dựng ít nhất 100 lò phản ứng điện hạt nhân mới trong 10 năm tới, sử dụng năng lượng hạt nhân để giảm sự lệ thuộc và nhiên liệu hóa thạch, giảm khí thải CO2 và các khí ô nhiễm khác hiện đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe của người dân Trung Quốc. Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ đầu tư hơn 1 tỷ USD vào năng lượng hạt nhân trong tương lai gần, để đưa Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về công nghệ hạt nhân.

Tuy nhiên, Tổ chức Môi trường xanh Greenpeace cảnh báo ảnh hưởng đối với sức khỏe con người và môi trường, nhất là trong trường hợp bão lớn có thể nhấn chìm xà lan, chưa kể nó trở thành mục tiêu của bọn khủng bố. Chưa hết, việc vận hành các lò phản ứng hạt nhân trong môi trường khí hậu bất lợi cũng là vấn đề chưa được đề cập, hay rủi ro động đất, sóng thần có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên biển này cũng khiến cộng đồng quốc tế lo ngại, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc liên tục có những động thái mạnh mẽ ở biển Đông và cả biển Hoa Đông.

Kim Hùng
(Theo SC)