"Trung Trung Đỉnh- những khoảnh khắc đời người"
Bộ sách "Trung Trung Đỉnh -những khoảnh khắc đời người" đã chính thức được giới thiệu tới độc giả Hà Nội ngày 21-8. Các nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà phê bình văn học tham dự sự kiện ra mắt bộ sách đều ghi nhận rằng: Văn chương của Trung Trung Đỉnh hồn nhiên như cách sống, như chính con người ông. Ngoài Nguyên Ngọc, không ai viết về Tây Nguyên "qua" được Trung Trung Đỉnh. Những trang văn của ông hòa vào cuộc sống, tâm hồn của người dân Tây Nguyên, đồng hành cùng dân tộc đi qua cuộc chiến chống Mỹ đầy gian nan, tiến tới độc lập, tự do của Tổ quốc. Bộ sách "Trung Trung Đỉnh - những khoảnh khắc đời người" ra mắt dịp này gồm 7 cuốn: "Lạc rừng" (tiểu thuyết); "Lính trận" (tiểu thuyết); "Tiễn biệt những ngày buồn" (tiểu thuyết); "Ngược chiều cái chết" (tiểu thuyết); "Lời chào quá khứ" (tập truyện ngắn); "Những khoảnh khắc đời người" (tản văn - bút ký); "Nhà văn thì phải biết đùa" (tản văn - chân dung văn học).
Nhà văn Trung Trung Đỉnh (tên thật là Phạm Trung Đỉnh) sinh ra và lớn lên tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Học hết phổ thông, ông lên đường nhập ngũ tháng 4-1968, sau đó lên đường vào Nam, chiến đấu tại chiến trường An Khê và các địa bàn thuộc tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc vào lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ ở giai đoạn ác liệt nhất. Ông gắn bó với mảnh đất, con người Tây Nguyên đến mức có thể sử dụng thành thạo cả tiếng Ba Na - Gia Rai. Tây Nguyên là đề tài quen thuộc trong các tác phẩm đầy hơi thở núi rừng của Trung Trung Đỉnh, từ ký, truyện ngắn cho tới tiểu thuyết. Cầm bút từ khi còn mặc áo lính nhưng Trung Trung Đỉnh tự nhận mình thuộc lớp nhà văn trưởng thành sau 1975. Bên cạnh mảng đề tài lớn về cuộc sống và chiến đấu của đồng bào Tây Nguyên ("Lạc rừng", "Lính trận", "Ngược chiều cái chết"...) là những tác phẩm viết về đề tài hậu chiến. Bên cạnh đó, những tác phẩm như "Ngõ lỗ thủng", "Tiễn biệt những ngày buồn"... đi sâu vào guồng quay âm thầm, khốc liệt của hiện thực đời sống mới với "trăm chiều dở dang". Ông đã giành được nhiều giải thưởng, tiêu biểu là: Giải thưởng văn học ASEAN, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2007).
M.B