Báo Công An Đà Nẵng

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng: Văn hóa đã đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội chưa?

Thứ năm, 11/04/2019 10:17

Sáng 10-4, Ban chỉ đạo Trung ương về kiểm tra sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về "xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" do ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo dẫn đầu đã tiến hành kiểm tra, khảo sát và làm việc với Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc triển khai, thực hiện Nghị quyết.

Ông Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi làm việc.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương; Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện.

Nghiên cứu những vấn đề mới nảy sinh

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy cho biết, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 33, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tư tưởng, đạo đức và lối sống - lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" là cuộc vận động quần chúng tham gia xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh được mở rộng và đi vào chiều sâu, với những tiêu chí cụ thể mang lại hiệu quả thiết thực.

Báo cáo cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW còn bộc lộ một số bất cập. Đó là, bộ máy tổ chức cồng kềnh, nhiều cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Thủ tục hành chính còn rườm rà, năng lực phẩm chất, ý thức, kỷ cương, kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, yếu kém. Công tác phòng, chống tham nhũng bước đầu có chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn chưa đạt được như mục đích và yêu cầu đề ra, còn nhiều vụ việc làm thất thoát, lãng phí tài sản lớn của nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, niềm tin của nhân dân vào chế độ. Kinh phí đầu tư cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn nghệ thuật còn hạn hẹp khiến các đơn vị nghệ thuật gặp khó khăn trong hoạt động. Các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt đối với nghệ thuật truyền thống còn gặp khó khăn trong việc đào tạo, tuyển chọn diễn viên, nhạc công kế cận. Nguồn lực đầu tư cho công tác gia đình còn hạn chế, năng lực đội ngũ làm công tác gia đình chưa đồng đều. Tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra khá phức tạp và nghiêm trọng ở một số nơi. Hoạt động của các mô hình về gia đình có nơi còn hình thức, chất lượng chưa cao...

Để thực hiện tốt Nghị quyết số 33-NQ/TW thời gian tới, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong đổi mới và phát triển bền vững; đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về phát triển văn hóa, xây dựng con người. Hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý Nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo vai trò kiến tạo phát triển văn hóa, xây dựng con người, tăng cường hiệu quả của các thiết chế văn hóa. Phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, là những chủ thể văn hóa có bản lĩnh, sáng tạo, có khả năng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế...

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần đổi mới, thay đổi tư duy giữa "cái cũ" và "cái mới" bởi hiện nay có rất nhiều trào lưu văn hóa, sở thích của giới trẻ, nếu không chú ý sẽ có thể dễ dàng bài xích, phản đối. Bên cạnh đó, một số phong trào văn hóa sau một thời gian thực hiện đã bắt đầu giảm "sức sống", có biểu hiện hình thức; một số tiêu chuẩn hướng dẫn từ trên xuống còn mang tính cào bằng, không còn phù hợp, lãng phí. Báo cáo cũng cần thể hiện rõ nét hơn về tín ngưỡng tôn giáo trong đời sống văn hóa, bởi từ xưa đến nay, tín ngưỡng tôn giáo luôn gắn liền với đời sống văn hóa của nhân dân. Đây là những nội dung cần được Bộ VH-TT&DL thể hiện trong báo cáo. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ VH-TT&DL cần làm rõ, sâu sắc hơn việc áp dụng công nghệ mới vào hoạt động văn hóa để có thể làm tốt hơn việc sơ kết và triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW thời gian tới. Muốn thực hiện tốt công tác này ngoài thay đổi nhận thức, cần chuyển đổi cả tư duy và cách làm...

Phải đẩy lùi cái xấu, cái ác

Kết luận cuộc họp, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng hoan nghênh, đánh giá cao sự chuẩn bị tích cực, chu đáo các nội dung, văn bản cho buổi làm việc của Bộ VH-TT&DL. Bộ có nhiều nỗ lực trong việc quán triệt Nghị quyết, tham mưu cho Chính phủ ban hành những quy định pháp luật, tổ chức thực hiện nghị quyết và đạt được những kết quả rất quan trọng trong các lĩnh vực công tác. Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng cao của việc xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu xây dựng bền vững đất nước, còn nhiều vấn đề Bộ VH-TT&DL cần phải làm tốt hơn, làm mạnh hơn, hiệu quả hơn. Đặt câu hỏi văn hóa đã được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội chưa, đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ, đây cũng là một vấn đề cần được các cấp, các ngành quan tâm, một mình Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ VH-TT&DL chưa thể làm được; ví dụ như: việc đẩy lùi cái xấu, cái ác, đạo đức xã hội còn nhiều bức xúc, xu hướng hành xử bạo lực hiện nay..., đây không phải vấn đề của riêng ngành Văn hóa. Tuy nhiên, ở góc độ riêng, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cần cố gắng trong một số lĩnh vực của mình. Điển hình như: chất lượng hiệu quả hoạt động của văn hóa, văn nghệ; các lễ hội truyền thống có tiến bộ trong những năm gần đây những vẫn bộc lộ nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu; về vấn đề công nghiệp văn hóa, công nghiệp điện ảnh, có nhiều đơn vị làm phim hơn nhưng thiếu những kịch bản hay, thiếu những phim được dàn dựng tốt. Chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cũng chưa cao. Quản lý di tích, di sản có lúc, có nơi cũng còn bị vi phạm, xâm hại, kể cả những Di sản được UNESCO xếp hạng. Xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ chưa có hiệu quả cao...

Bộ VH-TT&DL cần nghiên cứu những vấn đề mới, những hiện tượng mới nảy sinh trong đời sống văn hóa để rút kinh nghiệm, hỗ trợ nghiên cứu và định hướng. Những vấn đề đặt ra có phần của ngành VH-TT&DL, có phần của các ngành, trong đó, có ngành Tuyên giáo. Phân tích bối cảnh việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW trong bối cảnh các công việc chuẩn bị cho nội dung Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII được tiến hành, đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng đây là cơ hội để ngành văn hóa đề xuất kép: vừa đề xuất tiếp tục đẩy mạnh hơn việc thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW trong giai đoạn sắp tới, làm sao kiến nghị để đưa vào Báo cáo chính trị của Đại hội XIII hoặc trong Báo cáo kinh tế - xã hội những vấn đề cụ thể để triển khai  trong thời gian sắp tới. Bộ VH-TT&DL cần tiếp tục hoàn thiện báo cáo, tích cực cùng Ban Chỉ đạo góp phần hoàn thiện sản phẩm báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời gian tới.

THU THỦY – TTXVN