Báo Công An Đà Nẵng

Truông Bồn, ngày ấy - bây giờ

Thứ tư, 17/02/2021 17:06

Trong cái rét buốt của đợt không khí lạnh mạnh nhất dịp đầu năm mới 2021, tôi đến với Di tích lịch sử cấp Quốc gia Truông Bồn, thuộc địa phận xã Mỹ Sơn, H. Đô Lương, Nghệ An.

Cụm tượng đài nằm trong quần thể khu di tích.

Ngồi trên ô-tô vượt qua quãng đường dài hơn 18km kể từ thị trấn để tránh cái lạnh ở nhiệt độ 12 độ C vào buổi sáng, thầy Lê Duy Tuấn từng học chuyên ngành Sử, quê ở H. Đô Lương, hiện là Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Khê, Q.Thanh Khê (Đà Nẵng) trong câu chuyện kể về địa danh lịch sử này chợt cất lên giọng ngâm một đoạn thơ của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ viết về những TNXP thời ấy: “Hỡi mặt trời hay chính trái tim em trong ngực/ Soi cho tôi/ Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài/Tên con đường là tên em gửi lại/ Cái chết em xanh khoảng trời con gái/ Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em”.

Thầy Tuấn kể, Truông Bồn nằm trên tuyến đường chiến lược 15A trong kháng chiến chống Mỹ, có chiều dài gần 200km, tiếp nối từ quốc lộ 1A, giáp với tỉnh Thanh Hóa, đi qua địa bàn các huyện: Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Đô Lương về đến huyện Nam Đàn của Nghệ An. Đây là huyết mạch giao thông quan trọng để vận chuyển nhân tài, vật lực chi viện cho chiến trường miền Nam khi máy bay Mỹ ném bom đánh phá, phong tỏa tuyến đường sắt, đường sông, đường biển và QL1A đi qua địa bàn tỉnh Nghệ An. Do vậy, Truông Bồn trở thành điểm nút giao thông đặc biệt quan rọng. Đây cũng chính là lý do để không quân Mỹ không ngừng ném bom bắn phá, hủy diệt. “Từ một vùng Truông Bồn vốn xanh tươi, trù phú, xinh đẹp đã trở nên hoang tàn, tiêu hủy bởi bom đạn chiến tranh. Nhiều bộ đội và TNXP đã hy sinh để bảo vệ trọng điểm huyết mạch này” - thầy Tuấn bày tỏ; đồng thời khẳng định: “Nói đến Truông Bồn là nói về một chứng tích hào hùng, bất hủ, ghi dấu những chiến công và sự hy sinh oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Tiêu biểu là những chiến công và sự hy sinh oanh liệt ngày 31-10- 1968 của 13 chiến sĩ TNXP, còn được gọi là “Tiểu đội cảm tử”, “Tiểu đội thép”, “Tiểu đội cọc tiêu sống” Anh hùng thuộc Ðại đội 317, Đội 65, Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An.

Chị Phạm Thị Hảo giới thiệu với tác giả về di tích lịch sử Truông Bồn.

Ngày ấy, các anh, các chị thuộc Tiểu đội 2, Đại đội 317 (do chị Trần Thị Thông làm tiểu đội trưởng) của Tổng đội TNXP Nghệ An. Do là đơn vị chủ lực nên mọi người được điều động đi làm trên nhiều tuyến đường. Đến những năm 1967-1968, khi cuộc chiến tranh bước vào giai đoạn ác liệt nhất, họ được lệnh chuyển đến “tọa độ lửa” Truông Bồn. “Bằng mọi giá, phải giữ được huyết mạch giao thông qua Truông Bồn”. Đó là quyết tâm của toàn đơn vị. Để thực hiện được điều đó, Đại đội 317 đã phát động chiến dịch “100 ngày đêm đảm bảo mạch máu giao thông”. Đơn vị đã chọn cử 14 chiến sĩ làm nhiệm vụ trực chiến 24/24 để quan sát, cảnh báo máy bay Mỹ, đánh dấu vị trí bom nổ chậm để phá bom, san lấp hố bom bảo đảm mặt đường. Họ thường thức trắng đêm với chiếc áo trắng làm “cọc tiêu sống” dẫn hàng ngàn chuyến xe chở hàng vào Nam vượt qua trọng điểm an toàn. Thời điểm năm 1968, trên bầu trời Đô Lương không lúc nào ngừng nghỉ máy bay địch quần lượn, đánh phá. Vào tháng 7-1968, đại đội đã chọn 14 chiến sĩ, gồm 12 nữ và 2 nam, làm nhiệm vụ trực chiến 24/24 giờ hàng ngày để quan sát, cảnh báo máy bay Mỹ, đánh dấu bom nổ chậm, phối hợp với công binh phá bom, bảo đảm cho chặng đường giao thông qua Truông Bồn luôn thông suốt. 4 giờ sáng ngày 31-10- 1968, toàn đơn vị khẩn trương san lấp hố bom. Đến 6 giờ 10 phút khi công việc sắp hoàn thành thì bất ngờ máy bay Mỹ đến oanh tạc. Vì giữ nhiệm vụ trực chiến nên 14 chiến sĩ TNXP ấy không kịp rút về hầm trú ẩn và 13 người đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, người trẻ nhất là 17 tuổi và người nhiều tuổi nhất mới có 22. Sự hy sinh của các chị, các anh đã làm nên huyền thoại Truông Bồn!

Một góc Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn.

Chị Phạm Thị Hảo, thuyết minh khu di tích cho biết, Tiểu đội 14 người năm ấy giờ chỉ còn mỗi một mình Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông (1946), hiện sống tại P.Đông Vĩnh, TP Vinh. “Sau chiến dịch “100 ngày đêm đảm bảo mạch máu giao thông”, Ban chỉ huy Tổng đội đã cho phép xét chọn 8 chiến sĩ đã phục vụ hết thời gian 3 năm được xuất ngũ. Trong 8 người được chọn thì có 1 người ở nhà chỉ còn mỗi mẹ già đau yếu không có người chăm sóc, 1 người có anh trai là liệt sĩ vừa hy sinh trên chiến trường miền Nam, một đôi nam nữ yêu nhau đã 3 năm chỉ chờ xuất ngũ là tổ chức lễ cưới và 4 người được nhận giấy báo nhập học tại các trường đại học, THCN. Tất cả 8 người đã chia tay đồng đội, chờ sáng mai trở về nhà. Vậy mà...”- giọng chị Hảo chùng hẳn xuống.

Ngày 12-1-1996, di tích Truông Bồn đã được Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Ngày 19-4-2010, UBND tỉnh Nghệ An đã quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn và đã được hoàn thành vào tháng 7-2015. Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn có diện tích 217.327m2 , bao gồm nhiều hạng mục, trong đó nổi bật là khu mộ, nhà che mộ 13 anh hùng liệt sĩ, thanh niên xung phong đã hy sinh. Khu mộ nằm nép mình bên đồi thông già, nơi đây trước là hầm trú ẩn của TNXP. Phía trước khu mộ chính là địa điểm mà giặc Mỹ đánh phá ác liệt và cũng là nơi 13 thanh niên xung phong đã ngã xuống, vĩnh viễn trở về với đất mẹ trước ngưỡng cửa của ước mơ.

PHƯƠNG KIẾM