Trường Định không còn là "ốc đảo" nghèo
(Cadn.com.vn) - Nắng tháng Tám "nám trái bưởi", nhưng khi có mặt ở thôn Trường Định (xã Hòa Liên, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) trong dịp này hẳn mọi người đều thấy vui cùng với bà con nông dân nơi đây. Từ sáng sớm, người dân đã tập trung ra ruộng thu hoạch dưa hấu để kịp cho thương lái từ các nơi đến thu mua. Không khí tấp nập, nhộn nhịp làm cho chúng tôi thấy cuộc sống của người dân nơi đây đã thay đổi rất nhiều, không còn là "ốc đảo" nghèo như trước đây nữa... Được biết, Trường Định là vùng khó khăn nhất của xã Hòa Liên, gần phân nửa số hộ trong thôn là hộ nghèo, chủ yếu làm nông, lâm nghiệp manh mún, lạc hậu, chưa tiếp cận với cây trồng, vật nuôi mới. Khi cầu chưa thông, mỗi lần người dân vất vả nuôi được con lợn, con gà để bán thì lại bị tư thương ép giá vì đường sá đi lại khó khăn, hiểm trở. Còn bây giờ, mọi thứ đã thay đổi. Nhà văn hóa, đường sá vào thôn, nhiều ngôi nhà mới kiên cố được xây dựng, những chiếc xe tải chở vật liệu đến tận nơi, cuộc sống nơi đây đã đổi mới. Chia sẻ niềm vui ấy, cụ Lê Cải (88 tuổi) - người gắn bó cả cuộc đời với mảnh đất "cha sinh, mẹ đẻ" chỉ biết thốt lên: "Mọi việc nơi đây đã thay đổi quá nhiều, không còn cảnh gọi đò, thắp đèn dầu sớm hôm nữa. Mừng ơi là mừng!".
Diện mạo "ốc đảo" Trường Định đã có nhiều thay đổi. |
Theo Trưởng thôn Võ Văn Thành, Trường Định hiện không chỉ có mỗi mô hình kinh tế nuôi tôm nước lợ, mà những năm gần đây, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng của thôn cũng khá mạnh. Đặc biệt là cây dưa hấu được người dân nơi đây lựa chọn và trồng khá nhiều, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bởi so với cây lúa thì trồng dưa bà con có thể tận dụng được diện tích đất không chủ động được nguồn nước, thời gian từ khi trồng đến thu hoạch chỉ có 50 ngày. Năm nay, nhờ có nguồn điện được địa phương đầu tư, kéo ra tận bãi nên người trồng dưa phấn khởi lắm. Gần 16ha đất ruộng sản xuất lúa vụ Đông-Xuân đều được chuyển sang trồng dưa hấu Hắc mỹ nhân vụ Hè-Thu. So với trồng lúa thì trồng dưa tăng thêm thu nhập từ 1,5 đến 2 triệu đồng/sào... Anh Thành cho biết thêm, 17 năm trở lại đây, Trường Định có 3 dấu mốc quan trọng đã làm thay đổi căn bản vùng đất nghèo khó năm xưa. Đó là: năm 1999, được sự quan tâm của Nhà nước, đường điện được kéo qua thôn, kể từ đó người dân "ốc đảo" này có điện thắp sáng. Sau đó 10 năm, chiếc cầu bắc qua sông Cu Đê được đưa vào sử dụng, việc giao thương hàng hóa, dịch vụ với đất liền chính thức được khai thông, không còn cách trở, mở ra cơ hội thuận lợi cho người dân đi lại, bọn trẻ đến lớp an toàn. Tuy nhiên, phải đến cuối năm 2015, khi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở H. Hòa Vang về đích thì Trường Định thật sự chuyển mình sang trang mới và tiếp tục được chính quyền các cấp chọn điểm xây dựng "Thôn kiểu mẫu Nông thôn mới" giai đoạn 2016-2020.
Người dân gắn bó với ruộng đồng, thu hoạch vụ dưa hấu. |
Cảm nhận sức sống hiện tại, khó ai nghĩ vùng đất ven sông Cu Đê này trước đây cũng đã trải qua bao giai đoạn bị chiến tranh tàn phá. Làng quê luôn chìm trong khói lửa chiến tranh. Bao nhiêu người dân là bấy nhiêu nỗi niềm, trong kháng chiến chống Mỹ, Trường Định bị bom đạn đánh phá ác liệt nhưng người dân vẫn kiên cường trụ bám, hết lòng chở che cách mạng. Hòa bình lập lại. Những chiến công và cả những hy sinh, mất mát đã được Đảng và Nhà nước ghi công 27 Mẹ VNAH, 118 liệt sĩ, hầu hết hộ dân trong thôn là gia đình có công cách mạng... Về với Trường Định hôm nay, chúng tôi liên tưởng đến bao thế hệ của dân làng. Họ không chỉ có một thời để nhớ về truyền thống yêu nước, bảo vệ Tổ quốc mà còn có cả những niềm tự hào nối tiếp truyền thống ấy là tiếp tục xây dựng và phát triển quê hương giàu mạnh.
An Dương