Báo Công An Đà Nẵng

Trường tiếng Việt giữa mênh mông Biển Hồ

Thứ ba, 23/08/2022 17:48
Trường Việt giữa Biển Hồ.

Ngôi trường ghi hai tiếng Việt và Campuchia có tên: “Trường tiểu học Biển Hồ”, và tôi cũng đã từng mở youtube cũng như xem những bài viết về nơi này. Giờ là chạm đến.

Con thuyền lướt qua cửa sông vào Biển Hồ, đi ngang ngôi trường, chắc anh Thương đã gọi điện báo trước cho nên khi đi ngang qua trường, các em học sinh đã ra cửa đứng vẫy tay chào. Mùa này là mùa khô, Biển Hồ nước cạn, sóng êm, chỉ thỉnh thoảng có những cơn mưa chiều bất chợt. Ngôi trường trên phao nổi chao nghiêng theo sóng nước, xa dần khi thuyền chúng tôi tiếp tục ra Biển Hồ.

Mùa này nước Biển Hồ cạn, dẫu buổi chiều có những cơn mưa rớt buồn buồn. Đại dịch COVID qua chưa lâu, Campuchia cũng chỉ mới vừa mở cửa du lịch trở lại, nên du khách vắng. Du khách đến Biển Hồ đôi khi không phải vì ngắm cảnh đẹp nơi đây, mà muốn tìm gặp đồng bào ruột thịt đang sống ở nơi này, và cả ngôi trường tiểu học dạy trẻ em ở đây do thầy Tư mở ra, và tuổi già sức yếu nên đã qua đời cả năm nay, kế nghiệp thầy là thầy Nguyễn Minh Luân, 37 tuổi, giáo viên tình nguyện đến từ Tây Ninh. Ngôi trường được Quân Khu 7 dựng lên khá rộng, có khu đón tiếp khách, sinh hoạt tập thể rộng khoảng 100m2, nối tiếp là bè lớn rộng hơn 200m2 là các lớp học, nơi nấu ăn…


Thầy cô giáo Việt với du khách đồng hương ghé thăm trường.

Tàu chúng tôi quay lại, anh Thương đã có kinh nghiệm đưa các đoàn du lịch đến trường. Anh chỉ nói ngôi trường nuôi dạy trẻ bằng tiền của các nhà từ thiện, tham quan có cho tiền hay không cho cũng không sao. Ngôi trường ấy gần 10 năm nay đã xóa mù cho mấy trăm em, những em nhỏ sống theo sông nước không điều kiện đến trường. Hiện có 126 học trò đủ mọi lứa tuổi được dạy đến lớp 5. Thầy Nguyễn Minh Luân làm hiệu trưởng, 7 năm trước lấy vợ là chị Thảo quê ở Tây Ninh, chị Thảo theo chồng đến ngôi trường chao nghiêng theo con nước này, nấu cơm cho trò và kiêm luôn dạy học. Có bốn thầy gồm 2 Campuchia và 2 Việt Nam cũng tình nguyện đến giảng dạy, nhưng không ở lại.

Thuyền chúng tôi cập nơi trường học, các em học trò mau chóng níu dây cột, có lẽ là công việc quen thuộc. Ngay tại nơi sinh hoạt tập thể, đã có khoảng 40 em ngồi đợi khách. Những gương mặt trẻ thơ ấy hồn nhiên đến lạ, mà theo thầy Luân là các em phải học biết bởi mới đến được trường, vì có khi nước dâng, có em bởi từ nhà đến đây để học.

Chắc chắn là những người khách như chúng tôi đã đến nhiều ngôi trường khác nhau, gặp nhiều hoàn cảnh trong điều kiện khó khăn. Nhưng quả thật khi đến ngôi trường lênh đênh trên Biển Hồ này thật sự nghẹn lòng. Nhiều năm các trẻ ở đây mù chữ, các thầy ở đây chỉ có tham vọng cho các em biết đọc biết viết trong cuộc sống đầy bão nổi. Những người Việt tha phương nơi đây rất nghèo, thế là trường nuôi các em ba bữa, và tiền đâu để nuôi? Các mạnh thường quân góp ít nhiều đó thôi.

Nụ cười trẻ Việt.

Chỉ là khoảng gần một giờ ghé đến ngôi trường tiểu học ở Biển Hồ này, lòng chúng tôi đầy xúc cảm. Phòng học lộng gió, những cuốn tập cũ mèm chắc qua tay nhiều em. Những bữa ăn vén khéo, những xoải bơi trong nước đến trường để học con chữ, học tiếng mẹ đẻ - Tiếng Việt.

Thuyền chúng tôi trở về, các em ra cửa, vẫy tay cho đến khi chúng tôi đi xa.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG