Báo Công An Đà Nẵng

Truy dấu tội phạm "tàng hình"

Thứ tư, 08/03/2017 12:07

* Kỳ 1: Những kẻ "nhập vai" hoàn hảo

(Cadn.com.vn) - Vài năm lại đây, Quảng Trị nóng lên với tội phạm công nghệ cao lừa đảo qua mạng nhằm chiếm đoạt tiền. Đối tượng phạm tội tập trung ở các huyện phía nam của tỉnh như Triệu Phong, Hải Lăng, TX Quảng Trị và tuổi đời còn rất trẻ. Một điều đặc biệt, các đối tượng đều lừa có "chọn lọc" trên khắp cả nước nhưng loại trừ địa bàn Quảng Trị. 5 năm, tính từ vụ án đầu tiên mà Phòng Cảnh sát kinh tế (CSKT) CA tỉnh Quảng Trị tiếp nhận điều tra, làm rõ, đến nay lực lượng phá án đã "dày" kinh nghiệm đấu tranh, xuất sắc lật tẩy thêm nhiều vụ tương tự dù thủ đoạn, hành vi của loại tội phạm công nghệ cao liên tục biến hóa.

 (Cadn.com.vn) - Phòng CSKT CA tỉnh Quảng Trị cho biết, đầu năm 2017 đã thực hiện khởi tố bị can, tạm giam 3 tháng đối với Võ Tùng Dương (1999, trú H. Triệu Phong) để điều tra làm rõ về hành vi "Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản". Nếu như trong nhiều vụ án đã bị CA làm rõ, các đối tượng dùng chiêu nạp card, thẻ cào ĐTDĐ thì ở vụ án của Dương cho thấy một sự thay đổi hoàn toàn khác, mặc dù cũng bắt đầu từ môi trường facebook.

Qua điều tra bước đầu, CA đã làm rõ được Dương lên facebook làm quen, dần dà tạo lòng tin. Sau khi "con mồi" mất cảnh giác, Dương soạn một vài lý do đề nghị cung cấp tài khoản ngân hàng. Từ đây, Dương "đột nhập" vào tài khoản ngân hàng và thực hiện rút tiền. Tại thời điểm này, CQĐT vẫn đang mở rộng điều tra, bị hại của Dương ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, có người vài triệu đồng nhưng có trường hợp mất số tiền lớn. Vụ án là một cảnh báo mới nữa về loại tội phạm công nghệ cao vốn đã không hề đơn giản.

Chúng tôi trở lại vụ án của Lâm Quang Trung (trú P.2, TX Quảng Trị) lần đầu tiên xảy ra tại Quảng Trị. Thời điểm Trung manh nha phạm tội được xác định vào năm 2012, khi đó đối tượng vẫn đang đi học cấp 3. Mê game, Trung được bạn bè mách nước kiếm tiền tiêu xài. Từ một đường link có chứa virus do đối tượng xấu chia sẻ, Trung gửi đến nhiều địa chỉ yahoo lẫn facebook với status mời gọi kích hoạt vào đường link này như xem album ảnh đẹp, những kỳ diệu không thể bỏ qua... Mất cảnh giác, nạn nhân nhấp chuột vào là ngẫu nhiên mọi thông tin về tài khoản được gửi đến email của Trung. Trung nghiền ngẫm lịch sử "chat" rồi tìm đối tượng phù hợp để nhập vai. Từ vào vai nữ bán mỹ phẩm đến làm du lịch cho tới Việt kiều... ở nhiều độ tuổi, giới tính khác nhau tại địa bàn Huế, Đà Nẵng, Sơn La, Hà Nội... Trung đều diễn rất "ngọt", đậm phương ngữ. Sập bẫy, nhiều người lần lượt gửi mã thẻ cào điện thoại với số tiền lớn mà đinh ninh đang giúp người thân hoặc bạn hàng.

Lâm Quang Trung               ---                   Hoàng Triệu Ánh Dương

Khi biết bị lừa, họ cũng chẳng biết là nạn nhân của ai, ở đâu. Chính vì thế, cuộc truy tìm tội phạm công nghệ cao được ví như "xuống bể mò kim". Đơn từ tố cáo được gửi đến Bộ CA, lập tức Cục Điều tra tội phạm công nghệ cao vào cuộc. Ngoài những thẻ cào là manh mối duy nhất khiến việc điều tra gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, "vỏ quýt dày có móng tay nhọn", trong "thế giới ảo" phức tạp ấy, cơ quan CA vẫn lần ra được đường đi của những kẻ tàng hình, xác định được nghi phạm tại Quảng Trị. Tiếp nhận kết quả điều tra bước đầu này, Phòng CSKT CA tỉnh Quảng Trị đấu tranh, làm rõ được Trung sau 2 tháng xác lập chuyên án, bắt tạm giam phục vụ điều tra. Đó là khoảng thời gian đầy căng thẳng, bởi là vụ án sử dụng công nghệ chiếm đoạt tài sản lần đầu tiên xảy ra trên địa bàn, lực lượng CA vừa tìm hiểu, vừa khám phá, vừa rút kinh nghiệm. 190 triệu đồng là số tiền mà Trung đã chiếm đoạt của nhiều bị hại và tòa đã tuyên đối tượng này 2 năm tù.

Điều đáng nói, từ số tiền chiếm đoạt, Trung mang một ít về nhà nói dối cha mẹ kiếm được nhờ thắng game và mua xe máy nhưng chẳng ai mảy may nghi ngờ. Trong khi đó, đối tượng Hoàng Triệu Ánh Dương (1997, trú Ái Tử, H. Triệu Phong) phạm tội để có tiền đua đòi, tiêu xài thả ga với bạn bè. Đặc biệt, phương thức, thủ đoạn che giấu hành vi của Dương đã khác một bậc.

Các đối tượng thường dùng thủ đoạn dụ bị hại nộp thẻ cào ĐTDĐ qua facebook.

Theo đó, khoảng đầu năm 2014, khi đang học THPT, Dương thường lui tới quán Internet. Tại đây, Dương học lỏm được cách chiếm đoạt tài khoản facebook cũng như cách thức "hô biến" tài sản chiếm đoạt thành tiền mặt. Cũng là đoạt hàng loạt "phây" rồi nghiên cứu lịch sử trò chuyện, trong đó có nhiều tài khoản của Việt kiều, du học sinh. Vào vai diễn này, Dương đánh vào lòng tham của một số người với đề nghị phối hợp "đầu tư" thẻ cào chơi game sang Mỹ với cám dỗ khó chối từ: " Bên này mỗi thẻ mệnh giá 500 ngàn đồng lãi được 10EUR". Sau khi thỏa thuận chia lời, "con mồi" đã sập bẫy của Dương. Đối tượng này không nhớ được đã chiếm đoạt bao nhiêu tài khoản facebook vì... quá nhiều. Tuy nhiên, CQĐT đã xác định được từ tháng 3-2014 đến tháng 8-2014, Dương đã chiếm đoạt hơn 500 thẻ, tổng giá trị hơn 222 triệu đồng, trong đó chỉ xác định được một bị hại rõ danh tính với số tiền 7 triệu đồng.

Đối tượng này trội hẳn trong thủ đoạn quy đổi thẻ cào chiếm đoạt từ "ví điện tử" sang tiền mặt. Cụ thể, Dương đã mượn hoặc nhờ rất nhiều tài khoản ngân hàng không phải mang tên mình để đổi tiền nhằm che đậy tung tích. Tuy nhiên, tội phạm luôn để lại sơ hở, cho dù điều đó không hề dễ dàng để phát hiện. Cuối năm 2016, Ánh Dương đã bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù.

Càng về sau, nhiều vụ án càng có phương thức phức tạp, khó đoán.

Bảo Hà (còn nữa)