Báo Công An Đà Nẵng

Truy lùng trùm ma túy Châu Á Tse Chi Lop (Kỳ 4: Thiên đường methamphetamine)

Thứ bảy, 19/10/2019 12:36

Theo tài liệu của cảnh sát Myanmar, trong thời gian ở Myanmar, Cai Jeng Ze đã đi khắp đất nước, thử các mẫu ma túy, tổ chức vận chuyển hàng và kiếm được một chiếc thuyền đánh cá để vận chuyển hàng hóa bất hợp pháp đến một tàu lớn hơn trong vùng biển quốc tế. Việc cảnh sát tái dựng các giao dịch của Cai ở Myanmar dẫn tới một phát hiện lớn khác: trung tâm sản xuất methamphetamine đã chuyển từ các tỉnh phía nam Trung Quốc sang bang Shan ở biên giới đông bắc Myanmar.

Các nhà chức trách ở bang Shan đã thu giữ 30 triệu viên yaba và 1,75 tấn methamphetamine tinh khiết trong một vụ bắt giữ năm 2018.

Trung tâm sản xuất

Hoạt động ở Trung Quốc đã giúp băng đảng “Anh Ba” dễ dàng tiếp cận được các tiền chất ma túy như ephedrine, pseudoephedrine… Các tiền chất này được tuồn ra từ các nhà máy sản xuất dược phẩm, hóa chất và sơn ở Khu kinh tế đồng bằng sông Châu Giang. Còn bang Shan của Myanmar cho phép “Anh Ba” tự do hoạt động mà không bị các cơ quan thực thi pháp luật cản trở.

Các nhóm phiến quân vũ trang ở các khu vực bán tự trị như bang Shan từ lâu đã kiểm soát nhiều phần lãnh thổ và sử dụng nguồn thu từ ma túy để duy trì cuộc chiến với quân đội Myanmar. Nhiều đợt thương lượng giữa chính phủ Myanmar và các nhóm phiến quân trong những năm qua đã đem lại sự bình yên tương đối cho khu vực này, điều kiện tốt để các hoạt động ma túy bất hợp pháp phát triển mạnh.

“Các cơ sở sản xuất ma túy có thể tránh được cơ quan thực thi pháp luật và các con mắt dò xét khác, nhưng quan trọng là cách biệt khỏi tình trạng bạo lực. Sản xuất và lợi nhuận ma túy giờ đây lớn đến nỗi chúng lấn át cả lĩnh vực kinh tế chính của bang Shan”, nhà nghiên cứu Richard Horsey cho biết trong báo cáo gửi tổ chức phi lợi nhuận Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG) năm nay.

Dọc theo con đường đến làng Loikan ở bang Shan, có nhiều bằng chứng về sự thịnh vượng của hoạt động sản xuất ma túy. Con đường hai làn xuyên qua một khe núi sâu được gọi là Thung lũng Tử thần, nơi phiến quân Kachin thuộc nhóm bán quân sự Kaung Kha đã đụng độ với quân đội Myanmar trong nhiều thập kỷ. Bây giờ, những chiếc SUV cao cấp lướt vun vút qua những chiếc xe tải chở vật liệu xây dựng và công nhân.

Lực lượng dân quân Kaung Kha đã mở rộng trụ sở mới nằm trên một cao nguyên nằm giữa những ngọn đồi xanh của dãy Loi Sam Sip lởm chởm. Cách đó khoảng 6km, gần làng Loikan, là một cơ sở sản xuất ma túy nằm trong khu rừng rậm rạp. Cảnh sát và người dân địa phương cho biết, cơ sở này đã sản xuất một lượng lớn methamphetamine, heroin, ketamine và yaba (một dạng methamphetamine rẻ hơn được trộn với caffeine). Khi bị đột kích vào đầu năm 2018, lực lượng an ninh đã thu giữ hơn 200.000 lít hóa chất tiền chất, cũng như 10.000 kg caffeine và 73.550 kg natri hydroxit - các chất được sử dụng trong sản xuất ma túy. Theo Cảnh sát Liên bang Australia (AFP) có trụ sở tại Yangon, cơ sở sản xuất ma túy ở làng Loikan rất có khả năng là một trong những nơi cung cấp ma túy cho băng đảng “Anh Ba”.

Oi Khun, một sĩ quan truyền thông của lực lượng dân quân Kaung Kha cho biết: “Một số dân quân đã tham gia vào cơ sở sản xuất”. Một người dân Loikan cho biết, giống như hầu hết dân làng, những người này là người dân tộc thiểu số Trung Quốc. Nhưng họ ăn mặc đẹp hơn người địa phương, có giọng nước ngoài và cơ thể lúc nào cũng có mùi hôi. “Tôi từng hỏi họ “sao các anh không tắm đi?. Họ nói họ tắm rồi nhưng không thể hết được mùi này”. Hóa chất được sử dụng để điều chế ma túy đá đã thấm vào da của họ. “Chúng tôi đều biết những người này làm gì ở đó”, người dân địa phương nói. “Nhưng chúng tôi không bàn luận gì về việc này. Làm vậy chỉ mang đến nguy hiểm”.

Cảnh sát Thái Lan cho biết, các nhà quản lý và nhà hóa học của cơ sở sản xuất này hầu hết là công dân Đài Loan (Trung Quốc). Những kẻ vận chuyển và ma túy trên khắp Châu Á - Thái Bình Dương cũng hầu hết là người Đài Loan. Theo các quan chức chống ma túy cao cấp của Trung Quốc, các siêu phòng thí nghiệm ở bang Shan sản xuất tinh thể methamphetamine tinh khiết nhất thế giới. Chúng được trải trên mặt đất để làm khô.

Siêu lợi nhuận

UNODC ước tính thị trường bán lẻ methamphetamine ở Châu Á-Thái Bình Dương có giá trị từ 30,3 đến 61,4 tỷ USD mỗi năm. Mô hình kinh doanh methamphetamine khác với heroin. “Đầu vào có giá tương đối rẻ, không cần một lực lượng lao động lớn, giá mỗi ki-lô-gram cao hơn, do đó lợi nhuận cao hơn rất nhiều”, UNODC cho biết. Theo báo cáo của UNODC, giá bán sỉ một ki-lô-gram tinh thể methamphetamine ở đông bắc Myanmar chỉ khoảng 1.800 USD. Nhưng giá bán lẻ trung bình lên đến 70.500 USD mỗi kg ở Thái Lan, 298.000 USD ở Australia và 588.000 USD ở Nhật Bản, cao gấp 300 lần. Lợi nhuận này có nghĩa là nếu  chỉ buôn được một tấn methamphetamine và để mất 10 tấn thì băng đảng này vẫn thu được lợi nhuận lớn. “Chúng có thể thất bại, nhưng việc đó không hề hấn gì”, một quan chức chống ma túy Trung Quốc cho biết.

AN BÌNH