Truy tố nhóm cho vay nặng lãi 600%/năm
Trên cơ sở điều tra xác định được, bị can Phạm Đức Anh (1993, trú Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) và “cộng sự” đã thực hiện hoạt động cho vay nặng lãi với 27 hợp đồng trên địa bàn H. Vĩnh Linh (Quảng Trị). Mức lãi suất từ 180% đến hơn 600%, trong đó có người thực hiện nhiều lần vay. Hiện cáo trạng truy tố Anh và đồng phạm về tội “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” đã hoàn tất, chuyển sang TAND H. Vĩnh Linh để tiến hành xét xử. Đây là nhóm cho vay nặng lãi thứ 2 bị cơ quan chức năng Quảng Trị điều tra, truy tố, xét xử. Trước đó, TAND H. Cam Lộ cũng đã đưa ra xét xử 1 đối tượng đến từ Hà Nội và là vụ án đầu tiên tại Quảng Trị về tội danh này.
Kiểu quảng cáo “ngân hàng trụ điện” tại TT Hồ Xá đã bị bóc gỡ. |
Phạm Đức Anh và Văn Thế Công (1997, Long Biên, Hà Nội) vào tạm trú tại xã Thanh Thủy, H. Lệ Thủy (Quảng Bình) để thực hiện cho vay nặng lãi ở địa bàn H. Lệ Thủy và H. Vĩnh Linh (Quảng Trị). Trong đó, Công được Anh thuê làm với mức lương 3 triệu đồng/tháng, bao ăn ở đi lại. Sau khi nghiên cứu địa bàn, Anh cho in tờ rơi để dán trên các trụ điện ở nhiều trục đường TT Hồ Xá (H. Vĩnh Linh) với nội dung cho vay tiền, chỉ cần CMND, hộ khẩu. Biết phải chịu lãi cao nhưng nhiều người cần gấp khoản tiền để trang trải nên liều liên lạc vay tín dụng đen.
Công được giao việc trực tiếp gặp gỡ và thỏa thuận, thống nhất về tiền vay, trong khoảng 3 triệu đồng đến 20 triệu đồng nhưng không làm hợp đồng vay tài sản mà thông qua hình thức hợp đồng mua bán điện thoại trả góp để tránh việc xử lý của cơ quan chức năng. Vì nhóm Anh đi thu tiền góp hàng ngày nên người vay còn phải “cõng” phí dịch vụ do phía Anh đặt ra, tùy theo từng hợp đồng. Khi hoạt động “tín dụng đen” này bị triệt xóa, nhiều người đã xong hợp đồng, nhưng một số vẫn còn nợ gốc, hợp đồng chưa hoàn thành.
Kết quả điều tra xác định, từ tháng 7 đến 10-2019, Anh và Công đã cho 20 người vay với 27 hợp đồng. “Khách hàng” đầu tiên là Trần Q.H (xã Vĩnh Hòa, H. Vĩnh Linh) vay 5 triệu đồng, thỏa thuận trả góp mỗi ngày 200 ngàn đồng trong 32 ngày. Khi đưa tiền, Công thu 500 ngàn đồng tiền phí dịch vụ nên anh H. thực tế chỉ nhận 4,5 triệu đồng. Tiền lời khoản vay là 1,9 triệu đồng, tương đương mức lãi suất 481%/năm (làm tròn số), như vậy tiền thu lợi bất chính trong hợp đồng này là hơn 1,8 triệu đồng. Xong khoản vay lần 1 này, anh H. vay lần 2 với số tiền 10 triệu đồng, thỏa thuận trả góp 42 ngày, mỗi ngày 300 ngàn đồng. Do lần trả góp uy tín nên lần 2 Công không thu giấy tờ của anh H. Khi giao tiền, Công thu lại phí dịch vụ 1 triệu đồng. Nên tiền lời khoản vay này “đội” lên 3,6 triệu đồng, tương đương mức lãi suất 347%/năm.
Tương tự, chị Lê Thị H. (TT Hồ Xá) vay 10 triệu đồng, thỏa thuận trả góp 41 ngày, mỗi ngày 300 ngàn đồng, phí dịch vụ là 1 triệu đồng. Tính ra, tiền lời khoản vay là 3,3 triệu đồng, tương đương mức lãi suất 326%/năm. Chị H. đã góp đủ và trong hợp đồng này, Công không thu giấy tờ gì của chị H. Giữa tháng 7-2019, anh Lê Hữu Q. (xã Vĩnh Tú) mang bản phô-tô CMND, sổ hộ khẩu và bản gốc thẻ hội viên hội nông dân giao cho Công để vay khoản tiền 10 triệu đồng, thỏa thuận trả góp 42 ngày, mỗi ngày 300 ngàn đồng. Phí dịch vụ cũng là 1 triệu đồng nên anh Q. thực nhận có 9 triệu đồng. Từ tiền lời khoản vay, tính ra lãi suất hợp đồng này là 347%/năm, Anh và Công thu lợi bất chính hơn 3,3 triệu đồng. Hầu hết những khoản vay 10 triệu đồng đều có mức lãi tương đương 347%/năm. Ngày 22- 7- 2019, chị Trần Thị E. ( trú TT Hồ Xá) vay 15 triệu đồng, góp trả 42 ngày, mỗi ngày 450 ngàn đồng. Chị E. đã trả đủ 42 ngày với 18,9 triệu đồng. Mức lãi suất chị E. chịu trong hợp đồng này là 225%/năm.
Hay như trường hợp chị Phan Thị H. (xã Vĩnh Long), vào ngày 30 – 7 – 2019, vay lần 1 với 10 triệu đồng, chịu mức lãi 347%/năm. Đến lần vay thứ 2, chị H. vay 15 triệu đồng, trả lãi suất là 225%/năm. Đến lần thứ 3, chị H. vay 5 triệu đồng, Công thu 500 ngàn đồng phí dịch vụ, tiền lãi suất trong hợp đồng này được tính lên 347%/năm. Lần thứ 4, chị H. vay tiếp 5 triệu đồng, lãi suất tương tự lần 3. Tính chung 4 hợp đồng, Anh và Công đã thu lợi bất chính của chị H. hơn 10 triệu đồng. Số giấy tờ chị H. giao cho Công để vay tiền vẫn chưa nhận lại, do thời điểm chị H. trả xong thì cũng là lúc Anh và Công bị CAH Lệ Thủy (Quảng Bình) làm việc nên không liên lạc được. Số giấy tờ cá nhân đó Anh cất giữ đến khi bị bắt.
Trường hợp chị Phạm Thị K.T (trú TT Hồ Xá) vay 20 triệu đồng, thỏa thuận trả góp 50 ngày, mỗi ngày 500 ngàn đồng. Phí dịch vụ trong hợp đồng này bị lấy lên 2,5 triệu đồng, cộng với tiền lời 2,5 triệu đồng, tính ra lãi suất của khoản vay là 182%/năm. Đây là người được “hưởng” mức lãi thấp nhất trong số các “khách hàng” của Anh và Công. Trong khi đó, người “cõng” lãi suất cao nhất là chị Nguyễn Thị T. (xã Vĩnh Lâm), ngày 24-9-2019, chị T. mang giấy tờ cá nhân, sổ hộ cận nghèo để vay 3 triệu đồng với thỏa thuận góp 26 ngày, mỗi ngày trả 150 ngàn đồng. Khi giao tiền, Công thu 300 ngàn đồng phí dịch vụ. Tiền lời khoản vay là 1,2 triệu đồng, tương đương mức lãi suất 623%/năm. Tuy nhiên, chị T. mới góp được 1 ngày.
Tổng cộng, Anh và Công đã cho 18 người tại địa bàn H.Vĩnh Linh vay với 27 hợp đồng, tổng số tiền là hơn 216 triệu đồng, với mức lãi suất từ 182% đến 623%/năm, cao gấp từ 9,1 đến 31,1 lần so với mức lãi suất cao nhất (20%/năm) theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự; thu lợi bất chính hơn 57 triệu đồng. Số tiền gốc mà những người vay còn nợ được xác định là hơn 38 triệu đồng. Hiện Anh và Công cũng bị khởi tố, điều tra ở một vụ án khác tại Quảng Bình, hiện cả hai đang bị tạm giam tại Nhà tạm giữ CAH Lệ Thủy (Quảng Bình).
B.HÀ