Báo Công An Đà Nẵng

Truyền nhân của làng... (2)

Thứ tư, 14/09/2016 10:26

* Bài 2: “Lửa nghề” vẫn cháy

(Cadn.com.vn) - Một trong những làng nghề nổi tiếng, có lịch sử hàng trăm năm với sản phẩm trứ danh gắn liền tên đất, tên làng nơi đây, đó là “bánh khô mè Quang Châu” (thôn Quang Châu, xã Hòa Châu, H.Hòa Vang, Đà Nẵng). Vì một nguyên nhân nào đó, có thể do những người thợ làm ra sản phẩm này “vốn rặt nông dân” nên khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm chưa nhiều, vì thế mà đối tượng khách hàng vẫn chủ yếu là những người quen biết. Tuy nhiên, “tiếng lành đồn xa”, sản phẩm “bánh khô mè Quang Châu” đã thực sự vượt ra khỏi lũy tre làng và có mặt ở các địa phương trong và ngoài nước...

Mẻ bánh được sấy trên bếp than hồng vàng ươm, thơm lừng.

“Trái tim” của xã

Nói như vị cán bộ văn phòng UBND xã thì bánh khô mè là “trái tim” của Hòa Châu, là niềm tự hào của người dân nơi đây, đặc biệt là của những người con xa quê mỗi khi có ai đó hỏi về quê hương, bản quán. Chưa có một tài liệu hay cứ liệu lịch sử nào nói về nguồn gốc xuất xứ cũng như “ông tổ” của làng bánh, chỉ biết rằng, bánh khô mè Quang Châu đã ăn sâu vào tiềm thức, vào đời sống hàng ngày của nhiều thế hệ người dân nơi đây. Và cho dù trải qua bao thăng trầm, có lúc tưởng chừng như nghề làm bánh sẽ chỉ còn trong dĩ vãng, nhưng rồi bằng tình yêu, sự trân trọng với gia sản tổ nghề để lại, những “truyền nhân” của làng vẫn nuôi dưỡng ngọn lửa nghề, với hy vọng một ngày nào đó, ngọn lửa ấy không những sẽ giúp họ đổi đời, mà còn mang thương hiệu “bánh khô mè Quang Châu” ra với thế giới...

Ông Nguyễn Văn Trọng, Bí thư chi bộ thôn Quang Châu năm nay đã gần 60 tuổi, cả đời gắn với đồng ruộng quê nhà nên hiểu khá rõ những thăng trầm của nghề bánh. Theo ông Trọng, nghề làm bánh khô mè ở Quang Châu có từ lâu đời, là sản phẩm đặc trưng của vùng đất Quảng Nam–Đà Nẵng, được làm từ gạo, nếp, mè và đường...Trong thời kỳ nhà Nguyễn, ở Hòa Vang, bánh khô mè nổi tiếng ở vùng đất Quang Châu phát triển thành làng nghề và hằng năm được các quan lại địa phương dùng làm vật phẩm dâng lên triều đình. Cả làng hầu như ai cũng biết làm bánh nhưng đa phần chỉ để phục vụ cho gia đình vào các ngày lễ, tết. Cách đây chừng 10 năm, làng bánh khô mè như được hồi sinh khi “tổ hợp tác” sản xuất bánh khô mè ra đời. Người dân lúc ấy kỳ vọng “tổ hợp tác” sẽ là cú hích để làng nghề thay đổi, căn cơ hơn, nó có thể sẽ là bước ngoặt để người nông dân nơi đây thoát khỏi cảnh quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Cả làng tập trung làm bánh, nhà nào cũng chong đèn nổi lửa, mùi thơm của bánh lan tỏa khắp nơi... Nhưng rồi, đầu ra cho sản phẩm không có, đồng nghĩa với việc tổ hợp tác “chết yểu” chỉ sau 1 năm hoạt động. Đa số hộ tham gia vào tổ hợp tác lại trở về với ruộng đồng, số khác, hầu hết là thanh niên có sức vóc tìm cho mình công việc mới nơi phố thị, làng nghề trở về với thuở sơ khai ban đầu. “Hiện tại, ngoài 4 hộ sản xuất bánh khô mè quanh năm và tạo được thương hiệu, còn có hơn 10 hộ sản xuất theo mùa vụ, còn dịp cận tết thì làng nghề mới rầm rộ trở lại”, ông Trọng có vẻ tiếc nuối. Hỏi, liệu với tình trạng này, làng nghề có nguy cơ mai một hoặc mất hẳn hay không, ông Trọng khẳng định chắc nịch: Chắc chắn là không bởi trong làng còn có những “truyền nhân” vẫn đau đáu giữ nghề, và hiện tại họ vẫn sống được với nghề...

 “Người giữ lửa”

Chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất “bánh khô mè bà Bốn”-là 1 trong 4 cơ sở sản xuất bánh khô mè nổi tiếng trong làng không những tồn tại mà còn phát triển mạnh sau cơn “khủng hoảng” của tổ sản xuất. Mang thương hiệu “bánh khô mè bà Bốn” nhưng thực chất, người đang trực tiếp điều hành và sản xuất bánh lại là chị Nguyễn Thị Lan, cháu dâu bà Bốn. Chị Lan kể, chị không phải người gốc làng Quang Châu, trước khi lấy chồng, chị không hề biết gì về nghề làm bánh khô mè cả. Năm 1993, chị kết hôn với anh Trần Thanh Thuận và về làm dâu tại thôn Quang Châu. Gia đình chồng vốn có truyền thống nhiều đời làm bánh, đặc biệt là cô ruột anh Thuận, tên là Trần Thị Chương (còn gọi là Bốn). Do hoàn cảnh gia đình nên từ khi mới lọt lòng, anh Thuận được cô ruột đem về nuôi nấng, chăm sóc và truyền nghề. Đến khi chị Lan về làm dâu, thấy chị hiền lành, chịu thương chịu khó, lại có “tố chất” làm bánh nên bà Chương đã truyền nghề lại cho cháu dâu. Không phụ lòng bà Chương, người mà chị xem như mẹ ruột, chị Lan đã dốc hết tâm lực để cảm thụ những tinh hoa nghề làm bánh mà bà truyền lại, để rồi thương hiệu “bánh khô mè bà Bốn” không những được lưu giữ mà còn có bước phát triển vượt bậc.

Chị Lan giới thiệu sản phẩm bánh khô mè hoàn chỉnh
mang thương hiệu “Bánh khô mè bà Bốn”.

Chị Lan cho biết, để làm bánh khô mè đặc trưng vùng Quang Châu, ngoài đặc điểm riêng là công thức bí truyền của mỗi gia đình, thì chung nhất là phải dùng loại gạo riêng, được trồng trên vùng đất Quang Châu. Và để cho ra được một sản phẩm bánh khô mè phải qua nhiều công đoạn và đòi hỏi sự khéo léo của những người thợ lành nghề. Theo chị Lan, để làm bánh khô mè phải trải qua rất nhiều công đoạn. Trước hết, gạo vo sạch trắng như bông bưởi, để thật ráo rồi cho vào cối giã thành bột mịn. Đem tẩm nước cho vừa ướt thì cho vào nồi hấp chín. Bột vừa chín thì đổ vào khung, sau khi tháo khung, những miếng bột vuông nhỏ được đặt trên bếp than hoa lần thứ nhất. Hơi lửa than hoa chỉ vừa nóng để nướng chầm chậm cho lát bánh khô hai mặt. Chiếc bánh trần đã ráo lại được đặt lên bếp than hoa lần thứ hai nướng giòn. Tiếp theo là nấu đường cho đến khi dùng đũa kéo thành sợi tơ không dứt. Mè thì phải dùng chân đạp tróc vỏ, rang giòn, vàng, dậy mùi thơm. Lúc này, đặt nồi đường trên bếp than ấm, lấy từng lát bánh trắng ngần nhúng vào đường rồi nhanh tay lăn qua mâm mè bên cạnh...  “Khó nhất vẫn là khâu thắng đường. Đây là công đoạn  quyết định đến chất lượng của bánh nên phải đầu tư thật kỹ, có khi thắng một nồi đường nhưng từ sáng đến 2h chiều vẫn chưa xong. Riêng công đoạn nướng bánh phải nướng đủ bảy lần lửa thì bánh mới mang đúng hương vị khô mè Quang Châu”, chị Lan giải thích.

Hiện làng Quang Châu chỉ rộ lên nghề bánh vào các dịp lễ, tết nhưng lò bánh của chị Lan thì quanh năm vẫn đỏ lửa. Bởi như chị nói, làm quần quật nhưng vẫn không kịp cho khách đặt hàng. “Nghề này vất vả, cực nhọc, nhất là mùa nắng nóng khi phải ngồi bên bếp lửa than đỏ rực. Ngoài hai vợ chồng tôi là thợ chính, còn phải thuê thêm 4-5 thợ nữa mới đủ cho các công đoạn. Trung bình mỗi mẻ bánh sản xuất được 4 đến 5 ngàn lát bánh”, chị Lan cho biết. Chính từ cách làm thủ công truyền thống, sản phẩm sạch từ khâu sản xuất đến tiêu thụ nên “bánh khô mè bà Bốn” là thương hiệu nổi tiếng được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. “Hiện chúng tôi sản xuất chỉ đủ cung ứng cho khách hàng đặt trước. Không biết quảng bá hay khuếch trương thương hiệu gì cả, chỉ biết làm thật ngon thì khách hàng sẽ tự tìm đến”, chị Lan tự tin nói.

D.Hùng - P.Nông