Truyền thông quốc tế chỉ trích Trung Quốc vì những hành động phi pháp ở Biển Đông
Những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian gần đây khiến cả thế giới quan ngại và lên tiếng chỉ trích gay gắt. Trong đó, giới truyền thông cũng không nằm ngoài cuộc. Nhiều tác giả có những bài báo mô tả hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông là “hung hăng” và đặc biệt lo ngại khi những động thái của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh cả thế giới đang gồng mình chống dịch Covid-19.
Nhật báo Times of India của Ấn Độ đã nêu việc Bắc Kinh phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực ở La Hay (Hà Lan) rằng, tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông là trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). |
“Sự hung hăng của Bắc Kinh giữa đại dịch”
Trong số báo ra ngày 26-4, nhật báo Times of India của Ấn Độ giật tít: “Sự hung hăng của Bắc Kinh giữa đại dịch khiến Mỹ và Ấn Độ lo lắng”. Tờ báo này cho rằng, khi dịch bệnh diễn ra, Trung Quốc đã đẩy mạnh chủ nghĩa bành trướng ở Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương, gây lo ngại không chỉ cho các nước láng giềng nhỏ hơn, mà còn cho Mỹ và Ấn Độ. Trong khi đó, tờ Irish Times của Ireland cũng chỉ trích gay gắt hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định, mối lo ngại đang gia tăng trên khắp Châu Á cho tới Washington D.C (Mỹ) khi Bắc Kinh thúc đẩy sự hiện diện ở Biển Đông, nhất là khi các nước khác phải tập trung chống chọi Covid-19. Tờ báo này cũng chỉ ra hàng loạt động thái gây căng thẳng của Trung Quốc như đâm chìm tàu cá Việt Nam, phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực ở La Hay (Hà Lan) năm 2016…
Hãng tin tức ANNA-News của Nga cũng có ý kiến tương tự. Tờ báo này trích dẫn ý kiến chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc tuyên bố đặt tên cho các chủ thể địa lý đang tranh chấp trên Biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế và khiêu khích các quốc gia trong khu vực. Hãng tin của Nga bình luận: “Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) viết rằng, các quốc gia không thể đòi hỏi chủ quyền đối với các chủ thể dưới mặt nước biển nếu như các chủ thể này không nằm trong khu vực 12 hải lý tính từ điểm xác định gần nhất trên đất liền. Do đó, việc Trung Quốc công bố tên gọi cho khoảng 20 chủ thể địa lý gồm các đảo, bãi cạn và rạn san hô ở Biển Đông, cũng như hơn 50 vỉa đá ngầm dưới Biển Đông là cố tình tuyên bố đòi hòi chủ quyền phi lý, bất chấp luật pháp quốc tế, khiêu khích phản ứng đáp trả của các quốc gia láng giềng trong khu vực Đông Nam Á”.
Theo ANNA-News, trong số khoảng 80 chủ thể mà Trung Quốc công bố đặt tên lần này, có nhiều vỉa đá ngầm thuộc rìa phía Tây của quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. ANNA-News trích dẫn bình luận của chuyên gia Mỹ Gregory Pauling về vấn đề này nêu rõ: "Tôi thật sự không hiểu vì sao Trung Quốc quyết định đặt tên cho 13 điểm quanh rìa phía Tây (Hoàng Sa). Đáy biển không phải là chủ thể để đòi hỏi chủ quyền theo Luật Biển quốc tế”. Theo ông, việc Trung Quốc đặt tên và đòi hỏi chủ quyền đối với các rạn san hô ở Biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Cùng ngày, trang tin kinh tế Enovosti.ru có bài bình luận về tham vọng chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông tác động tới an ninh khu vực. Theo Enovosti, tình hình đại dịch Covid-19 cũng như tháng lễ ăn chay Ramadan của người Hồi giáo không làm cho thế giới yên bình hơn bởi quyết định mới đây của chính quyền Trung Quốc công bố đặt tên cho các chủ thể địa lý trên Biển Đông. Enovosti gọi bước đi này của chính quyền Trung Quốc là một hành động đẩy căng thẳng gia tăng tại Biển Đông.
EU quan ngại
Đại sứ Liên minh Châu Âu (EU) tại ASEAN Igor Driesmans đã khẳng định cam kết của EU trong việc duy trì trật tự tại các vùng biển và đại dương dựa trên luật pháp quốc tế, an ninh và hợp tác hàng hải, cũng như tự do hàng hải và hàng không, vì lợi ích của tất cả các quốc gia.
Đại sứ Igor Driesmans cho biết EU quan ngại về các hành động đơn phương gần đây ở Biển Đông, trong đó có việc triển khai tạm thời hoặc thường trực các lực lượng hoặc thiết bị quân sự trên các thực thể hàng hải đang tranh chấp, quấy rối hoặc đe dọa tàu cá và các tàu khác, cũng như cố gắng đơn phương áp đặt các địa giới hành chính mới. Đại sứ Driesmans nhấn mạnh, những hành động trên đã “làm gia tăng căng thẳng” và “hủy hoại” môi trường an ninh hàng hải trong khu vực, “đe dọa nghiêm trọng” đến sự phát triển kinh tế hòa bình trong khu vực, đồng thời “làm suy yếu” hợp tác và lòng tin quốc tế - điều rất quan trọng nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 hiện nay. Theo nhà ngoại giao này, điều xảy ra tại Biển Đông cũng là vấn đề của cả thế giới. Ước tính 1/3 lưu lượng vận chuyển hàng hóa của thế giới đi qua Biển Đông và do vậy, tự do hàng hải tại khu vực này là điều mà cả thế giới đều cần.
Đại sứ Driesmans cho biết, EU đang hợp tác “chặt chẽ hơn bao giờ hết” với ASEAN và sẽ tiếp tục hỗ trợ các tiến trình khu vực do ASEAN dẫn dắt nhằm thúc đẩy trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật pháp, củng cố hợp tác đa phương và hợp tác chặt chẽ với các bên thứ ba. Do vậy, EU mong muốn ASEAN và Trung Quốc hoàn tất một cách minh bạch các cuộc đàm phán về một Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và ràng buộc về mặt pháp lý.
Đại sứ Driesmans nhấn mạnh, điều quan trọng đối với tất cả các bên trong khu vực là phải tự kiềm chế và tránh các hành động đơn phương, có các động thái cụ thể nhằm trở lại nguyên trạng, ngừng quân sự hóa khu vực và giải quyết các tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.
TRẦN NGUYÊN (tổng hợp)