Báo Công An Đà Nẵng

Truyền thông theo phong cách Win-Win

Thứ bảy, 11/07/2020 10:08

Câu chuyện khủng hoảng truyền thông đã xảy ra khá lâu ở một tập đoàn kinh doanh trong lĩnh vực hạ tầng các khu công nghiệp nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị về bài học cho công tác quản trị truyền thông. Ông chủ của tập đoàn từng là một người giàu nhất nhì trên sàn chứng khoán Việt Nam và cũng là một ông nghị trong chính trường. Số là, do nắm được một số thông tin bất lợi về siêu dự án do tập đoàn này làm chủ đầu tư, nhà báo cùng "những người bạn" tổ chức "tổng tiến công" bằng loạt bài gây áp lực, đặt điều kiện để mua "sự bình yên" cho doanh nghiệp. Đối diện với sự việc trên, đại diện truyền thông của tập đoàn này đã bày mưu tính kế giăng một cái bẫy đưa nhà báo trên vào vòng lao lý với mức án 7 năm tù giam cho hành vi tống tiền hơn 200 triệu đồng...

Bìa cuốn sách "Truyền thông theo phong cách Win-Win".

Tác giả Phạm Sông Thu với các bút danh Thu Giang, Phạm Tấn. Anh từng công tác cho các báo Người Lao động, Sài Gòn giải phóng, Khám phá...; đảm nhiệm các thư ký tòa soạn tạp chi Gold & Life...; đồng sáng lập tuần báo Nguồn Việc; chủ biên tập san Golf & Resort; đã xuất bản các ấn phẩm Golf & VIP; Golf & Travel. Tác giả từng công tác gần 10 năm từ 2009-2018 tại Tập đoàn Vingroup, từ năm 2019-2020 cộng tác tại tập đoàn NovaLand.

Sự việc khép lại không đơn giản như vậy. Giờ đây, mỗi lần nhắc đến doanh nghiệp này, giới truyền thông tỏ ra rất cẩn trọng trong việc thiết lập quan hệ, hợp tác trao đổi thông tin. Nguyên nhân bắt nguồn từ năng lực của người quản trị truyền thông. Nếu là người làm truyền thông chuyên nghiệp thì không bao giờ bạn chọn kịch bản "cài bẫy" để đưa hoạt động quản trị thương hiệu của tập đoàn đi vào ngõ cụt, như trong trường hợp trên. Sau sự kiện, giới truyền thông cảm thấy đau lòng, vì một "con sâu làm rầu nồi canh" và đã tỏ ra lạnh nhạt với các hoạt động liên quan đến thương hiệu của tập đoàn ấy. Đây là một trong rất nhiều bài học cho những người làm công tác truyền thông mà chưa thấy có giảng đường đại học nào đưa vào giáo trình để giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành truyền thông...

 Tác giả (trái) tặng sách cho bạn đọc.

Đó cũng chính là những góc cạnh rất riêng mà cuốn sách "Truyền thông theo phong cách Win-Win" của tác giả Phạm Sông Thu (Điện Bàn, Quảng Nam) vừa mới được Nhà xuất bản Hà Nội phát hành rộng rãi gây tiếng vang trong giới truyền thông và người đọc. "Truyền thông theo phong cách Win-Win", cuốn sách dày 343 trang, khổ 15,5x24cm ra đời nhằm tạo ra một cẩm nang hướng dẫn dưới góc nhìn của người trong nghề. Một sản phẩm từ trải nghiệm và quan trọng hơn, được sinh viên, chủ doanh nghiệp, những người sẽ và có thể thụ hưởng từ PR và đương nhiên cả những người đang hành nghề PR yêu thích.

Đây cũng là chia sẻ của tác giả biên soạn những "Câu chuyện truyền thông" này, với mong muốn gửi đến những bạn trẻ đam mê và yêu thích công việc quản trị truyền thông có một góc nhìn từ trải nghiệm thực tế. Cuốn sách gồm nhiều nội dung đề cập sâu về nghề truyền thông: Tầm quan trọng của truyền thông, truyền thông khủng hoảng, truyền thông thương hiệu, truyền thông mạng xã hội, truyền thông sự kiện, truyền thông chính sách, truyền thông xã hội, truyền thông cảm xúc, truyền thông nội bộ, xây dựng mối quan hệ với báo chí, một số kỹ năng mềm, xu hướng truyền thông hội tụ lên ngôi, PR là nghề & báo chí là nghiệp...

Tất nhiên, đây là chia sẻ kinh nghiệm trên quan điểm cá nhân. Còn để thành công với nghề truyền thông thì bạn phải có trí tuệ, sáng tạo và không ngừng trau dồi, học hỏi. Vì thế, mỗi bạn đọc đều có thể tìm được điều gì đó khác biệt từ cuốn sách này.

Q.H