TT-Huế đối mặt với hạn hán giữa mùa mưa (Kỳ cuối: Ngành nông nghiệp "khát" nước giữa mùa mưa)
Dù đã là cao điểm của mùa mưa nhưng tại TT-Huế lại xảy ra nắng gắt, khô hạn trên diện rộng. Thời tiết cực đoan như hiện nay khiến hàng ngàn nông dân TT-Huế lo âu không thể gieo cấy khi vụ đông xuân đang đến gần.
Một góc đồng ruộng ở xã Phú Mậu, H.Phú Vang khô khốc giữa mùa mưa chính vụ. |
Nông dân lo âu
Hơn 2 tháng nay, dù đã vào mùa mưa nhưng thời tiết ở TT-Huế vẫn oi bức, nắng chói chang. Chưa bao giờ người dân TT-Huế phải đón hạn giữa mùa mưa. Về xã Phú Mậu, H.Phú Vang, dù mới 8 giờ nhưng trên các cánh đồng vắng bóng người. Trên các cánh đồng khô cằn, nứt nẻ, những chiếc máy cày đang nằm phơi nắng. Hỏi thăm nông dân Trần Văn Hùng (62 tuổi, trú thôn Tiên Nộn, xã Phú Mậu), ông nói: "Gần cả đời người gắn bó với vùng trũng này nhưng tôi chưa bao giờ thấy thời tiết lạ lùng như năm này. Giữa tháng 11 rồi mà nắng vẫn rát mặt. Người dân nơi đây cầu mong có trận lụt lớn để bồi đắp phù sa cho cây cối, hoa màu, diệt chuột bọ ở đồng ruộng nhưng với thời tiết này thì chắc không còn lụt nữa rồi".
Huyện miền núi Nam Đông vốn là vùng đất "sở hữu" nhiều mưa nhất trên địa bàn TT-Huế nhưng năm nay mưa quá ít, hàng chục cánh đồng khô khốc. Ông Hồ Văn Đời (59 tuổi, trú xã Hương Hòa, H.Nam Đông) lo lắng: "Ở đây hơn 40 năm nhưng chưa bao giờ phải chịu hạn vào mùa mưa như năm nay. Trước đây, cứ đến vụ đông xuân là người dân phải ra đồng đắp bờ ngăn nước, còn năm ni chẳng có giọt nước nào. Hạn hán như ri chỉ làm cho có làm chứ chưa biết mùa màng ra răng nữa...". Theo ông Đời, tình trạng hạn hán kéo dài như thế này, chắc chắn nhiều nông dân trong xã sẽ sớm chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây chịu hạn. Mấy ngày nay, hàng ngàn hộ nông dân của 5 xã ở vùng ngũ điền thuộc H.Phong Điền và các xã: Quảng Phú, Quảng Thọ, Quảng Phước, Quảng Lợi... (H.Quảng Điền) đứng ngồi không yên khi các hồ thủy lợi vừa và nhỏ ở các huyện đang khô kiệt. Gia đình bà Nguyễn Thị Vệ (trú xã Quảng Lợi) có hơn 5 sào ruộng cũng là nguồn thu nhập chính trước nguy cơ không thể gieo cấy trong vụ đông xuân này. "Chỉ còn 2 tuần nữa là đến vụ mùa nhưng nước ở hồ thủy lợi cung cấp cho ruộng lúa của nhà tui cũng như các hộ dân trong làng đã khô kiệt rồi. Với tình trạng này chắc vụ ni phải bỏ hoang đồng. Rồi không biết lấy chi mà nuôi con cái ăn học nữa"- bà Vệ buồn bã. Tại xã Quảng Thọ (H.Quảng Điền), hàng chục hộ dân trồng hoa Tết cũng đang rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn khi không ít diện tích hoa Tết cũng đã héo úa, chết trụi do nắng gắt kéo dài. Tình trạng hạn hán bất thường giữa mùa mưa khiến hàng chục ngàn nông dân ở TT-Huế lo âu, hoang mang và không biết "số phận" của vụ mùa sắp tới sẽ đi về đâu.
Hồ Truồi (H.Phú Lộc) cạn trơ đáy. |
Có thể chuyển đổi cả ngàn héc-ta ruộng lúa
Ông Đỗ Văn Đính- Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty TNHH Nhà nước một thành viên Quản lý và khai thác công trình thủy lợi TT-Huế cho biết, gần cả ngàn héc-ta ruộng lúa trên địa bàn đang đứng trước nguy cơ không thể xuống giống vì tình trạng hạn hán bất thường giữa mùa mưa. Theo ông Đính, thời điểm hiện tại, hệ thống hồ đập do Cty này quản lý và khai thác mới đạt khoảng 50% mực nước so với tổng thiết kế hàng năm. Trong đó, nhiều công trình hồ đập mới chỉ tích được 15-20% lượng nước. Đối với các hồ chứa, các trằm như Niêm-Thiềm-Mối, Hòa Mỹ, Nam Giảng... ở vùng cát nội đồng các huyện: Quảng Điền, Phong Điền bị khô kiệt, không có khả năng phục vụ sản xuất. "Đây là hiện tượng bất thường trong vòng 20 năm trở lại đây, đang mùa mưa mà lượng mưa sụt rất mạnh. Nếu tình trạng này kéo dài thì vào mùa khô năm sau, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ đối mặt với hạn hán. Nông dân chính là người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất"- ông Đính nói.
Ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi (H.Quảng Điền, TT-Huế) lo lắng: "Nếu không có mưa lớn, các hồ, trằm trên cát khô kiệt, vụ lúa đông xuân 2018-2019 cũng khó khăn chứ chưa nói vụ hè thu". Ông Đỗ Văn Đính thông tin, đối với những khu vực đồng ruộng không có nguồn nước, nếu trong thời gian tới không có mưa thì không thể xuống giống. "Có khoảng 15-20% diện tích ruộng lúa lấy nguồn nước tưới từ hệ thống hồ đập do công ty quản lý, khai thác phải chuyển sang trồng các loại cây khác. Diện tích phải chuyển đổi có thể lên đến 300-500ha. Nếu tính cả những vùng của các địa phương thì diện tích ruộng toàn tỉnh phải chuyển đổi lên đến cả ngàn héc-ta"- ông Đính cho hay.
Trước tình trạng hạn hán, dòng chảy hạn chế, xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản..., UBND tỉnh TT-Huế vừa đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh theo dõi chặt chẽ thời tiết và sản xuất của người dân; đề nghị các chủ hồ đập, hồ chứa nước phải sẵn sàng ứng phó với tình trạng nắng hạn kéo dài.
H.LAN