Báo Công An Đà Nẵng

Tu bổ Chùa Cầu Hội An theo hướng nào?

Thứ tư, 19/06/2019 11:51

Là di tích đặc biệt và lâu đời ở TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) thế nhưng Chùa Cầu đang bị xuống cấp một cách nghiêm trọng do áp lực phát triển du lịch và sự bào mòn của thời gian. Công tác tu bổ không thể chậm trễ nhưng tu bổ theo hướng nào, làm sao để bảo tồn di tích mà không động chạm đến các giá trị văn hóa đang là câu hỏi khiến ngành chức năng đau đầu.

Qua khảo sát đã phát hiện vết rỗng bên dưới của móng do dưới móng di tích có dòng chảy ngầm dẫn đến xói mòn.

Trải qua mấy trăm năm tồn tại, tính đến nay Chùa Cầu được tu bổ lớn 7 đợt (vào các năm 1763, 1815, 1875, 1917, 1962, 1986, 1996) từ nhiều nguồn vốn khác nhau và nhiều lần tu bổ nhỏ ở hệ mái, hệ vì kèo, trụ, đà, sàn... của di tích. Theo khảo sát, đánh giá về hiện trạng di tích Chùa Cầu hiện nay, đã phát hiện vết rỗng bên dưới móng do dưới móng di tích có dòng chảy ngầm dẫn đến xói mòn. Điều này gây bất lợi cho di tích nếu tiếp tục giữ nguyên hiện trạng. Hiện kết cấu dầm đỡ và sàn đỡ đáy gầm sàn thuộc hạ bộ Chùa Cầu xuất hiện một số vùng không còn đủ khả năng chịu lực an toàn trong điều kiện bất lợi. Nguyên nhân chính gây ra sự xuống cấp này là do áp lực gia tăng lượng khách tham quan qua lại di tích. Trung bình, mỗi ngày Chùa Cầu đón tiếp khoảng 4.000 lượt khách tham quan. Bên cạnh đó, những tác động từ bên ngoài như dòng chảy của nước và bão, lụt, những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng lớn đến di tích. Những tác động này đang làm cho các mố, trụ cầu bị nứt, nhiều cột, kèo có dấu hiệu bị hư hỏng, mục rỗng... Chùa Cầu lại nằm ngay vùng rốn lũ của Hội An có dòng nước chảy rất mạnh mỗi khi có lụt nên càng tạo thêm nguy cơ mất an toàn cho di tích. Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, đơn vị vừa thực hiện việc gia cố cho gầm Chùa Cầu bằng 2 trụ gỗ chống phía dưới. Hiện nay điều lo ngại là sợ gió bão giật phương ngang, lũ lụt bất ngờ, vì toàn bộ kết cấu gỗ nằm trên dầm trụ, trong khi hệ thống kết cấu này được nhận định đã mục ở khá nhiều bộ phận. Chính vì vậy việc trùng tu phải được tiến hành sớm trước khi mùa mưa bão tới gần.

Việc tu bổ di tích Chùa Cầu là việc cần làm ngay, không thể chậm trễ.

Ngày 16-6, UBND tỉnh Quảng Nam có buổi làm việc với UBND TP Hội An và các đơn vị liên quan về công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa, trong đó vấn đề được quan tâm nhất chính là cấp bách tìm giải pháp tối ưu để tu bổ chùa Cầu. Tại buổi làm việc, UBND TP Hội An đã đưa ra một số kiến nghị như đề xuất mời các chuyên gia Nhật Bản tham gia quá trình tu bổ, tôn tạo di tích Chùa Cầu để bảo vệ lâu dài công trình mang tính biểu tượng hai nước Việt Nam- Nhật Bản. Xây dựng kế hoạch khảo sát cụ thể, bài bản, toàn diện về công trình để xác định tình trạng công trình, từ đó đề xuất định hướng tu bổ, bảo tồn phù hợp; vừa phục vụ nhu cầu của người dân vừa đáp ứng các nguyên tắc, công ước quốc tế về bảo tồn di tích. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho rằng việc trùng tu đã hết sức cấp bách không thể kéo dài và cần làm ngay bởi đã qua nhiều hội thảo, lấy ý kiến nhưng vẫn cứ chần chừ trong khi di tích thì ngày một xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên, cần hết sức kỹ lưỡng trong việc tìm phương án trùng tu tối ưu sao cho hợp lý. Ông Tân yêu cầu Sở VH-TT&DL khẩn trương hoàn tất thủ tục quyết toán đối với những hạng mục do Sở làm chủ đầu tư tại các vùng có di tích trên địa bàn TP Hội An. Đồng thời giao UBND TP Hội An sớm lập dự án đầu tư tu bổ Chùa Cầu và phải thực hiện khẩn trương, nếu cần đề xuất để UBND tỉnh xem xét hỗ trợ. Rút kinh nghiệm từ việc trùng tu, tu bổ di tích Mỹ Sơn đã từng vấp nhiều sai sót, ông Tân cho rằng lần tu bổ này chính quyền địa phương cần  lấy ý kiến của UNESCO, cơ quan ngoại giao Nhật Bản tại Việt Nam, phổ biến đến nhân dân hai phường Minh An, Cẩm Phô (TP Hội An) để tạo sự đồng thuận và có được các giải pháp tối ưu nhất trong quá trình tu bổ.

Chùa Cầu đang phải tải gần 4.000 lượt khách tham quan mỗi ngày.

Trên thực tế, từ năm 2016, UBND tỉnh Quảng Nam và TP Hội An đã tổ chức hội thảo quốc tế về bảo tồn, trùng tu Chùa Cầu với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cơ quan quản lý của Việt Nam và Nhật Bản. Hội thảo nhằm lấy ý kiến về các phương án tu bổ Chùa Cầu. Dù nhiều quan điểm, giải pháp được đưa ra, nhưng hội thảo không thống nhất được một giải pháp cụ thể nào... Theo đó, nhiều ý kiến đề xuất hạ giải toàn bộ Chùa Cầu thì mới có thể tu bổ một cách toàn diện nhưng phương án này vấp phải sự quản lý của các nhà văn hóa vì cho rằng nếu hạ giải toàn bộ Chùa Cầu sẽ đánh mất giá trị lâu đời của nó. Trong khi chờ đợi phương án cuối cùng, trước mắt TP Hội An đã có văn bản điều tiết số lượng khách tham quan tại di tích với quy định số lượng khách tối đa mỗi đợt tham quan tại di tích này là 20 người nhằm đảm bảo an toàn cho di tích. Đồng thời tổ chức chống đỡ các vị trí xuống cấp để đảm bảo an toàn cho khách tham quan.

ĐỒNG DAO