Từ cậu bé mê game đến nhà vô địch thế giới
HLV trưởng bộ môn Pencak Silat Đà Nẵng Lê Thị Hồng Ngoan tự hào cho biết, trong 6 năm trở lại đây, Lê Văn Toàn là VĐV giành nhiều HCV về cho TP Đà Nẵng. Ở hạng cân đối kháng trên 95kg, Toàn hầu như không có đối thủ ở các giải đấu trong nước và quốc tế. Hành trình đến với thành công ngày hôm nay của Toàn là câu chuyện dài về ý chí, nỗ lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống.
Lê Văn Toàn đến với Pencak Silat là câu chuyện hết sức ngẫu nhiên. Nhà Toàn tại tổ 51, P. Hòa Khê (Q. Thanh Khê), có 3 anh chị em, bố mẹ lao động phổ thông, cuộc sống thuộc diện khó khăn. Toàn sinh năm 1999, nghỉ học năm đầu cấp 2, ở nhà lông bông cùng chúng bạn trong xóm và có sở thích là rất mê chơi game.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Đào (mẹ Toàn) nhớ lại: “Hồi đó em gái của Toàn là Lê Bảo Thy bị bệnh tim, hai vợ chồng tôi phải ra Huế chữa bệnh cho con mất nửa năm. Ở nhà Toàn không có người giám sát nên ham chơi, bỏ học. Mãi đến năm 2014, trong xóm có anh tên là Đức làm ở Sở Văn hóa- Thể thao TP Đà Nẵng thấy Toàn tướng tá cao ráo, nhanh nhẹn nên đã dẫn tới gặp HLV môn bắn cung để “tầm sư học đạo”. Tuy nhiên, qua kiểm tra sơ bộ, HLV này phát hiện Toàn bị cận nên không nhận. Sau đó, anh Đức mới giới thiệu Toàn cho HLV Lê Thị Hồng Ngoan ở cùng phường để tập môn võ Pencak Silat cho đến ngày nay”.
HLV Lê Thị Hồng Ngoan, người thầy đầu tiên của Toàn kể: “Lần đầu gặp Toàn, tôi nhận thấy cậu nhóc này có khả năng phát triển thành VĐV đỉnh cao. Toàn có ngoại hình cao, dáng đi nhanh nhẹn, vấn đề còn lại là ý chí phải kiên cường”.
Liền sau đó, Hồng Ngoan đến nhà đặt vấn đề với mẹ Toàn để đưa đón Toàn đi tập tại nhà riêng của mình. Bắt đầu từ những động tác chạy bộ lên cầu thang, khởi động, xoạc chân… Toàn đều thực hiện hết sức nghiêm túc và nỗ lực. Thấy được khả năng của VĐV này, Hồng Ngoan quyết định đưa Toàn vào đội tuyển trẻ Đà Nẵng huấn luyện tập trung tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng và đề xuất ký hợp đồng huấn luyện, thi đấu cho Đà Nẵng từ năm 2015.
Không phụ lòng tin của mọi người, sau 1 năm theo cô Ngoan huấn luyện tập trung, năm 2015, tại Giải trẻ tổ chức ở Hải Phòng, Toàn giành HCĐ và ở Cúp Quốc gia ở Tiền Giang, Toàn có thêm 1 HCĐ đối kháng cùng hạng trên 95kg. Năm 2017, thành tích thi đấu của Toàn được cải thiện khi giành HCB giải Cúp Quốc gia và lọt vào mắt xanh các nhà tuyển trạch của Đội tuyển Quốc gia Việt Nam.
Toàn nhớ lại: “Năm 2018, em được gọi vào đội tuyển quốc gia Việt Nam tập luyện, thi đấu các giải quốc tế. Ngày mới ra Hà Nội, em thấy các anh chị trong đội tuyển giỏi quá. Thêm nữa, phần thì tập luyện quá nặng, phần thì nhớ nhà nên em xin về. Nhưng được sự động viên của các thầy và gia đình, em ráng ở lại và tập luyện cho đến tận bây giờ”.
Được tập luyện với thầy giỏi nên từ năm 2018 trở đi, Lê Văn Toàn phát tiết hết khả năng của mình, xứng danh “độc cô cầu bại” ở hạng cân đối kháng trên 95kg. Trong năm này, Toàn đạt 1 HCV Cúp Quốc gia, 1HCV châu Á, 1 HCV Đại hội TDTT toàn quốc và 1 HCV giải thế giới. Năm 2019, bảng vàng của thể thao Đà Nẵng 5 lần vinh danh Toàn với 1HCV Cúp Quốc gia, 1 HCV giải VĐQG, 1HCV giải trẻ, 1HCV châu Á và 1 HCV thế giới.
Năm 2020 và 2021, các giải thi đấu thể thao bị gián đoạn do dịch COVID-19, Toàn nghỉ thi đấu, sau đó tiếp tục bùng nổ. Trong năm 2022, Toàn giành tới 5 HCV (Cúp Quốc gia, Đại hội TDTT toàn quốc, SEA Games 31, châu Á và thế giới). Đến năm 2023, bộ sưu tập huy chương của Toàn có thêm 1 HCV Cúp Quốc gia, 1 HCV vô địch quốc gia, 1 HCV châu Á và đang chuẩn bị chinh phục tấm HCV thế giới tổ chức vào cuối tháng 12-2023. Với thành tích xuất sắc đạt được, Lê Văn Toàn 4 lần nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều lần được UBND TP Đà Nẵng tặng Bằng khen.
Ngày 15-11, sau khi lần thứ 4 đoạt HCV châu Á, Lê Văn Toàn về Đà Nẵng thăm gia đình và Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng có cuộc trò chuyện khá cởi mở với anh tại nhà riêng. Ngoài chuyện tập luyện và thi đấu ở Đội tuyển, chúng tôi còn biết, gia đình Lê Văn Toàn hiện đang gặp khó khăn về chỗ ở.
Chuyện là, năm 2022, Toàn lấy vợ, sinh con trai đầu lòng đến nay tròn 6 tháng tuổi. Vợ Toàn là Lê Thị Mỹ Linh (24 tuổi), trước đây cũng là VĐV Pencak Silat thi đấu cho đội tuyển Thanh Hóa. Khi lấy chồng, Linh về ở với bố mẹ Toàn tại nhà riêng chưa tới 40m2 trong con hẻm nhỏ ở đường Trần Xuân Lê (TP Đà Nẵng). Hiện tại, nhà Toàn có 3 thế hệ với 9 khẩu đang sinh sống trong căn nhà cấp 4 có gác lửng bằng gỗ chật hẹp.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Đào cho biết, từ năm 2018 đến nay, Toàn quanh năm tập luyện, thi đấu cùng đội tuyển. Hiện tại, vợ con Toàn về ở với bố mẹ chồng, gặp khó khăn về chỗ ở nhưng không có điều kiện mua nhà ra ở riêng. Bà Ngọc và Toàn mong muốn ngành thể thao và chính quyền TP Đà Nẵng có cơ chế, chính sách hỗ trợ để vợ con Toàn có chỗ ở ổn định, từ đó Toàn mới có thể yên tâm tập luyện, tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho thể thao Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung.
Đinh Nga