Báo Công An Đà Nẵng

Từ "con nai nhỏ" đến... "Những cuộc hẹn bên lề"

Thứ bảy, 16/09/2017 09:51

"Những cuộc hẹn bên lề" là tên gọi tác phẩm mới nhất của nhà văn Trần Trung Sáng (TP Đà Nẵng) do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành gồm 17 truyện ngắn chọn lọc. Theo nhà nghiên cứu văn hóa người Pháp gốc Việt Gérard Chapuis, tác phẩm của Trần Trung Sáng thường gắn liền với các đề tài tuổi thơ, tình yêu, tình bạn, mảnh đất và con người quê hương Việt Nam... Nhưng với tập truyện "Những cuộc hẹn bên lề" ra mắt lần này, nội dung đa phần là về tình yêu. Trong đó, những truyện ấn tượng nhất như Chuyện Ngọ xưa, Con nai nhỏ trên đoạn đường gian nan, Xa rồi Udon Thani, Ga nhỏ, Bức tranh thiếu nữ, Họp lớp...

Bìa tập truyện "Những cuộc hẹn bên lề" của Trần Trung Sáng.

Được biết, trong dòng "Văn học Miền Nam", nhà văn Trần Trung Sáng từng có nhiều tác phẩm in trên Tạp chí Bách Khoa (1957-1975) với bút danh Tần Hoa, trong đó có truyện ngắn đầu tay đặc sắc "Con nai nhỏ trên đoạn đường gian nan". Khi được đăng truyện ngắn đầu tay, tác giả Tần Hoa mới 17 tuổi. Còn nay, "Những cuộc hẹn bên lề" là tuyển tập gồm 17 truyện ngắn được viết qua nhiều chặng thời gian nhưng tác giả vẫn giữ một giọng văn trong sáng; khai thác nội tâm qua các chi tiết chuyển động lớn, nhỏ. Cho dù, có khi nó chỉ là "những cuộc hẹn bên lề"! Ngay truyện ngắn đầu tập là "Con mèo ngái ngủ", tác giả đã "hé lộ" cái nhận xét rất "thầm kín" của riêng mình (và cho mình), khi chàng trai trẻ miền Nam lần đầu ra thủ đô sau ngày đất nước thống nhất, gặp và tiếp xúc với các thiếu nữ Hà Nội:

-Nhưng với tôi, đáng nhớ hơn cả, đó là những cô thiếu nữ Hà Nội. Trời ạ, cứ 10 cô thì có đến 9 cô rưỡi đẹp mê hồn. Nói mê hồn là chắc chưa chuẩn xác, phải nói rằng đẹp và sâu lắng tựa bước ra từ những trang sách Tự Lực văn đoàn! (Con mèo ngái ngủ).

Nhà văn cũng ghi lại cảm xúc khi được xem lại gánh xiếc mình từng xem từ thời thơ ấu: Trước khi cùng mấy người bạn bỏ đi sang gian hàng khác, tôi đưa tay hướng về người tí hon vẫy nhẹ. Tôi không thấy anh ta có một động thái nào khác với những chú rối kề cận, ngoại trừ ánh mắt nhìn lại tôi. Tôi tin chắc như vậy. Bởi, ánh mắt ấy thật xa xôi, đầy u uẩn, và có lẽ đến nhiều năm sau nữa, nó khiến tôi nhớ mãi, không quên (Người tí hon trong gian nhà bạt). Người đồng điệu cũng sớm nhận ra tấm lòng nhân hậu của Trần Trung Sáng ở "Góc khuất cuộc đời". Đây là truyện ngắn ghi được nội tâm của những người có nhiều thua thiệt về thân thể và cảnh ngộ xuất thân. Và họ vẫn quyết đi tìm những hạnh phúc nhỏ nhoi trong cuộc sống ngày ngày bươn chải. Câu văn kết truyện:

...Và chốc lát nữa thôi, trong một ngõ khuất cuộc đời nào đó,  gã cùng  cô vợ trẻ vẫn còn mãi niềm hạnh phúc ngọt ngào, giản dị bên bữa cơm đạm bạc cùng chiếc tivi rộn ràng màu  sắc, âm thanh như lời gã kể (Mát-xa). Tấm lòng nhân hậu, luôn mơ tới cuộc sống tốt đẹp của Trần Trung Sáng gần như trải đều khắp các truyện, từ những hồi ức về tuổi thơ trong "Họp lớp", "Chiếc nhẫn cưới", hay "Cuộc đua"... Ông luôn mơ tới điều tốt đẹp nhưng không hề có ý "dạy đời". Đó là tính cách rất đáng quý đối với những cây bút vừa bước vào đời vào thời điểm xã hội có rất nhiều biến động lịch sử. Nó tạo nên sự thú vị để người đọc nhận ra, như tấm lòng hiếm có của một cô "Dì ghẻ" với đứa con riêng của người chồng. Ở "Thị trấn bên kia suối", nhân vật là một cô gái phải liều mình mưu sinh bằng cách bươn chải đi mở quán nước nơi bãi đãi vàng, đã một lần nữa nói thay lời tác giả: Nhà báo, nhà văn như anh mà không hiểu hở? Bất kể là hoàn cảnh mô, một khi con người còn biết ước mơ, hy vọng thì người ta còn chịu đựng được hết (Thị trấn bên kia suối)...

Được biết, trước đây ông đã có tới 7 đầu sách được in, từ các tập truyện ngắn đến truyện ký, tiểu thuyết... Nhưng có lẽ "Những cuộc hẹn bên lề" là các truyện ngắn được tác giả chọn lọc kỳ công hơn cả. Hy vọng tập sách sẽ một lần nữa tạo dấu ấn để ông tiếp tục dồn hết mọi tâm trí và cảm xúc tiếp nối hành trình sáng tác văn học không mệt mỏi  của mình.

VÕ CHÂN CỬU