Từ Công Phụng - miên man tình ca
(Cadn.com.vn) - Chiều đầu đông, ngồi nhìn những đám mây giông vần vũ cuối chân trời, chợt nghe Tuấn Ngọc ru bản" Mắt lệ cho người", chúng ta mới thấy hết sự mê hoặc của âm nhạc Từ Công Phụng. Ca từ rất đỗi nhẹ nhàng, những nốt nhạc sâu lắng, dìu dặt chút tình vương vấn rồi khép lại trong âm giọng đô trưởng trầm ấm, ngân vang... Hơn 40 năm, những bản tình ca ngày ấy vẫn còn nguyên những nét đằm thắm và quyến rũ.
Nhạc sĩ Từ Công Phụng
Sài Gòn với những cơn mưa chiều bất chợt thường làm cho lòng người chùng xuống. Những cánh rong trôi theo dòng nước dường như mang theo niềm đau, thấp thoáng những cuộc tình. Với giai điệu thiết tha và trầm buồn, ca khúc đã đưa chúng ta về miền thương nhớ, xa vắng:
"Mưa soi dấu chân em qua cầu
Theo những cánh rong trôi mang niềm đau..."
Nghe lại Từ Công Phụng, chúng ta thường đắm chìm trong hoài niệm, như thấy tuổi trẻ mình lên tiếng. Âm nhạc của ông vẫn còn đó, như lâu lắm rồi, chôn dấu và thổn thức. Dù viết nhiều về những mối tình dang dở nhưng Từ Công Phụng ít khi dằn vặt và đắm đuối. Ái tình trong âm nhạc của ông đầy những phiền muộn nhưng không có dấu vết của tuyệt vọng: "...Đôi mắt em rất buồn
Đôi chúng ta rất buồn
Vạn câu tình cũ
Xin gửi cho đời..."
Từ Công Phụng (sinh ngày 27-7-1942), quê gốc ở Ninh Thuận. Ông tốt nghiệp cử nhân luật, tham gia sáng tác nhạc từ năm 1960. Từ Công Phụng là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu cho nền tân nhạc Việt
Nói tới tình ca, cũng là nói tới bước đường mà chẳng một nhạc sĩ nào không bước qua:
"...Xin em hãy cho tôi tạ tình
Khi em đã đi qua khoảng đời tôi
Dù một khoảnh khắc sớm phai tàn
Và lệ em rớt trên môi nhạt..."
Ở Montréal (Canada), nhà văn Song Thao đã một lần đi vòng để làm một cuộc survey (thống kê sơ bộ) nhỏ về nhạc sĩ Từ Công Phụng. Ông hỏi 10 người tuổi cũng trạc thế hệ "Có biết Từ Công Phụng là ai không?", có 9 người lắc đầu là không biết. Nhưng khi anh hỏi "Có biết bài hát Bây giờ tháng mấy không?" thì 10 cái đầu cùng gật gù và tán thưởng. Đây là một bài hát hay, để lại nhiều kỷ niệm với nhiều người. Năm 1998, trong đêm nhạc kỷ niệm 35 năm Tình ca Từ Công Phụng ở TPHCM, sau khi chương trình chấm dứt, một bà cụ khoảng 80 tuổi đến chào nhạc sĩ và nói: "Chừng nào ông đến nữa? Ông cố gắng trở lại sớm để tôi còn có dịp đến nghe ông một lần nữa. Nếu lâu lắm ông mới trở lại thì có khi tôi đã "đi" rồi". Từ Công Phụng cầm lấy tay cụ mà lòng nghẹn ngào... Từ Công Phụng đặt tiêu chí cho sáng tác của mình: "Nhạc phải hay, lời phải đẹp và ý nghĩa...".
Nói như nhà văn Song Thao trích trong lời bạt tập "Một góc đời phôi pha":
"...Những tình khúc của Từ Công Phụng như những đợt sóng biển nối tiếp nhau vỗ về cõi lòng của những người trẻ thuộc nhiều thế hệ. Chẳng có cuộc tình nào giống cuộc tình nào. Mỗi cuộc tình là một thế giới riêng lẻ. Mỗi ánh mắt là một tín hiệu âm thầm. Mỗi nụ cười là một hân hoan nhớ đời. Mỗi một giọt nước mắt là một mất mát khó quên. Tình ca của Từ Công Phụng đã len lỏi vào từng thế giới thân thiết đó. Chúng không phải là tình ca lướt trên da thịt mà đã luồn lách vào từng dòng máu, từng hơi thở của những người yêu nhau. Từ Công Phụng đã cho những tình nhân thứ ngôn ngữ đằm thắm, thâm trầm và đầy trí tuệ...".
Vào khoảng tháng 4-1999, Từ Công Phụng có viết cho độc giả những dòng tâm sự. Ông coi đây như là một điều tâm đắc nhất trong sự nghiệp âm nhạc của mình.
"Tình ca như dòng sông hiền hòa chảy hoài từ ngàn kiếp. Đó là thứ hạnh phúc bắt trong buổi sáng nắng dậy chan hòa có bông hoa nở rộ và chim muông ngợi ca một ngày mới bắt đầu bằng nụ hôn nồng ấm của đôi tình nhân.
Tình ca là những lời phủ dụ ngọt ngào của tình yêu như dòng suối róc rách từ thiên thu dành cho những đôi tình nhân của bao miên man thế hệ, như một kẻ đồng lõa cho sự tồn tại của nhân loại... Bởi vậy, tình ca là con đường tôi đã chọn và cưu mang một đời. Dù tôi có là chứng gian cho một cuộc tình không thực, nhưng ít ra tôi đã mang đến một chút hạnh phúc nhỏ nhoi, một chút kỷ niệm khó phai mờ cho những kẻ tình nhân của một thời yêu thương say đắm".
Tôi vẫn không quên một cô sinh viên, gặp tình cờ trong quán cà-phê ở Sài Gòn ngày ấy, khi nói về Từ Công Phụng: "Anh ạ! Cảm được cái tình, cái tâm tư ấy của những tình khúc Từ Công Phụng, người ta thường ở trong một không gian kín như góc quán, thưởng thức vị đắng cà-phê và vị đượm của bài hát...". Nhưng cũng có thể nhẹ nhàng như chiều nay, khi cơn gió chiều đang thổi, một mình nghe những âm giai nhẹ nhàng theo những bước chân lang thang suy ngẫm về tình yêu nào đó vừa qua và khe khẽ hát:
"...Xin em hãy cho tôi tạ tình khi em đã đi qua khoảng đời tôi...".
Văn Khoa