Từ “Coronavirus mới” đến “biến thể Delta”
Khởi đầu từ Vũ Hán
Ngày 23-1-2020, thế giới chứng kiến đợt phong tỏa do virus đầu tiên có hiệu lực tại Vũ Hán, thành phố Trung Quốc, nơi được cho là đã bắt đầu đại dịch COVID-19. Vào thời điểm đó, thế giới đã bị sốc bởi những hạn chế khắc nghiệt và cách thực thi cứng nhắc. Từ cuối tháng Giêng cho đến tháng Sáu, Vũ Hán đã bị phong tỏa hoàn toàn với phần còn lại của đất nước Trung Quốc.
Người dân được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Vũ Hán.
Làn sóng ở châu Âu
“Toàn bộ quốc gia Italia đã bị phong tỏa” là tiêu đề gây sốc trên hầu hết báo chí châu Âu ngày 10-3-2020. Chỉ trước đó một hôm, vào ngày 9-3-2020, trên 60 triệu dân Italia đã được yêu cầu ở nhà, chỉ được phép ra ngoài trong những trường hợp cần thiết. Chỉ vài ngày sau đó, phần lớn các quốc gia khác trong châu lục này cũng thực hiện biện pháp tương tự. Đến ngày 18-3-2020, một nửa dân số châu Âu, trên 250 triệu người, đều ở trong tình trạng phong tỏa.
Cảnh phong tỏa tại châu Âu.
Đại dịch toàn cầu
Một ngày sau khi Italia phong tỏa, vào thứ Tư, ngày 11-3-2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố nhân loạn đối mặt với đại dịch toàn cầu, do Coronavirus mới gây ra. 3 tháng trước đó, quan chức WHO chưa biết đến loại virus này.Nhưng vào thời điểm công bố, nó đã nhanh chóng lây lan hơn 121.000 người từ Châu Á đến Trung Đông, Châu Âu và Hoa Kỳ.
Tổng giám đốc của WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong một cuộc họp báo tại trụ sở của tổ chức tại Geneva: Trong những ngày tiếp theo và trong tuần tới, chúng tôi dự đoán số trường hợp, số người chết và số quốc gia bị ảnh hưởng sẽ có thể leo cao hơn nữa.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc của WHO.
Bản đồ thế giới “nhuốm màu Coronavirus” tại thời điểm WHO công bố đại dịch toàn cầu ngày 11-3-2020.
Khủng hoảng y tế Mỹ
Ngày 21-1-2020, Mỹ tuyên bố phát hiện ca đầu tiên nhiễm “virus Corona lạ”. Bệnh nhân số 0 tại Mỹ là một người đàn ông khoảng 30 tuổi sống ở ngoại ô thành phố Seattle, vừa trở về từ Vũ Hán. Gần 3 tháng sau, vào ngày 13-3-2020, sau một thời gian dài đánh giá thấp dịch bệnh cùng các quy tắc phòng ngừa, người đứng đầu nước Mỹ lúc đó là Tổng thống Donald Trump đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.
3 tháng sau ca bệnh số 0, 1 triệu người Mỹ đã nhiễm bệnh. Đến ngày 9-11-2020, con số này tăng gấp 10 lần, biến Mỹ trở thành quốc gia có số người nhiễm cao nhất thế giới.
Ngày 2-10-2020, Tổng thống Donald Trump đã thông báo trên Twitter rằng ông và phu nhân Melania đã dương tính với virus SARS-CoV-2, tạo ra một cơn địa chấn toàn cầu.
Hệ thống y tế Mỹ lâm vào khủng hoảng, khi số người chết vượt tất cả các cuộc chiến tranh hiện đại mà Mỹ tham gia.
Cựu Tổng thống Donald Trump và phu nhân Melania.
Thi thể các bệnh nhân tử vong vì COVID-19 tại Mỹ.
Ấn Độ những ngày chết chóc
Năm 2020, Ấn Độ dường như đã khống chế thành công COVID-19. Thế nhưng, từ giữa năm 2021, đất nước 1,4 tỷ dân này trở thành nơi chết chóc nhất thế giới, khi nước này ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm COVID-19 mới mỗi ngày và “vài phần trăm” trong số đó tử vong. Những lò đốt xác ngoài trời hiện diện khắp nơi, như ngày tận thế. Những dòng tin xuất hiện dày đặc trên mặt báo: “Số ca nhiễm tăng mạnh”, “Số ca tử vong cao chưa từng thấy”.
Từ một quốc gia tưởng như kìm đà hiệu quả, Ấn Độ nhanh chóng trở thành “tâm chấn” của COVID-19.
Thảm kịch tại Ấn Độ.
Biến thể Delta tàn phá thế giới
12 tháng trước, thành tích khống chế COVID-19 nhanh chóng ở châu Á – Thái Bình Dương đã khiến thế giới khâm phục. Thế nhưng, với biến thể Delta, giờ đây, nhiều quốc gia châu Á – Thái Bình Dương đang bị dồn vào chân tường; thành tích chống đại dịch của các quốc gia có thể bị xóa sạch.
Theo WHO, biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 10-2020 và đã nhanh chóng vượt qua các chủng khác kể từ đó để trở thành biến thể dễ lây truyền nhất, độc tố cao nhất của COVID-19. Biến thể Delta hiện đã lan rộng đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm đa số các ca lây nhiễm ở nhiều điểm nóng khắp thế giới.
Biến thể Delta hiện đã lan rộng đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bé gái 3 tháng tuổi ở Việt Nam đã chiến thắng virus Covid-19 sau 10 ngày điều trị.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Anh và Ấn Độ cho thấy biến thể Delta có khả năng lây lan cao hơn 40-60% so với biến thể Alpha lần đầu tiên phát hiện ở Anh. Trong khi đó, biến thể Alpha vốn đã lây lan nhanh hơn 50% so với virus SARS-CoV-2 gốc xuất hiện lần đầu ở Vũ Hán (Trung Quốc) cuối năm 2019. Một nghiên cứu của Trung Quốc báo cáo rằng tải lượng virus trong các ca nhiễm Delta cao hơn gần 1.000 lần so với các ca nhiễm biến thể khác.
Thế giới đang cần đến những nỗ lực lớn lao không tưởng nổi trong cuộc chiến đang diễn ra.
NGUYỄN LÊ (tổng hợp)