Từ đam mê vẽ tranh truyền thần...
(Cadn.com.vn) - Hình ảnh những sinh viên kiến trúc hay ngồi ký họa dọc các khu phố từ lâu đã không còn xa lạ nữa, nhưng để kiếm được 20 triệu đồng/tháng từ việc vẽ chân dung truyền thần, có lẽ ít ai làm được. Vậy mà suốt 5 năm qua, Phạm Hồng Minh (24 tuổi, quê Đắc Lắc) đã vừa học vừa làm như thế.
Từ đam mê đến kinh doanh
Ngay từ nhỏ, chàng sinh viên năm cuối chuyên ngành Kiến trúc công trình của ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) đã có niềm đam mê với hội họa. Bố làm thợ mộc, có lẽ vì thế mà suốt những năm tháng ấu thơ, hình ảnh người bố ngồi cầm bút đo, vẽ rồi chạm trổ, đục đẽo các khối gỗ đã ngấm sâu trong Minh, khiến anh say mê lúc nào không hay. Bắt đầu tập vẽ rồi đi thi ở huyện, ở tỉnh nhưng... không có thành tích, Minh quyết tâm tự mày mò, tìm hiểu về bộ môn nghệ thuật này. Những ngày đầu, Minh vẽ rồi... vứt vào sọt rác, lại vẽ, lại vứt... vì chưa vừa ý. Kiên trì như thế nên tay vẽ của Minh dần tiến bộ hẳn. Được bạn bè động viên, Minh quyết định ra ngồi vẽ dọc tuyến đường Bạch Đằng để kiếm thêm thu nhập, trang trải cho chi phí học tập, sinh hoạt. Đến nay, lượng khách hàng tìm đến Minh đã khá đông và thông qua nhiều kênh như đặt hàng qua điện thoại, mạng xã hội... Do đó, Minh dành thời gian ngồi vẽ ở nhà nhiều hơn, chỉ khi rảnh rỗi mới ôm "đồ nghề" ra ngồi ngoài phố để thay đổi không khí.
Chân dung ông Nguyễn Bá Thanh được Phạm Hồng Minh vẽ bằng màu nước. |
Vốn học về thiết kế, kỹ thuật, vậy mà Minh lại đam mê mỹ thuật, chân dung, xem nó như một nghề tay trái. Nhiều người đùa với Minh rằng đây là thứ đam mê tốn kém, không chỉ về vật chất mà còn cả thời gian. Để có một bức vẽ đẹp, Minh phải sử dụng nhiều chất liệu khác nhau. Tùy vào thể loại tranh mà nguyên liệu có thể là chì, than, phấn tiên, màu nước, chì màu, sơn dầu, arcrylic..., mà những thứ này thì có giá thị trường khá đắt. Riêng phấn tiên - một loại nguyên liệu dạng bột, có màu, Minh phải mua với giá 500.000 đồng/hộp nhỏ. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nguyên liệu làm cho tranh của Minh trở nên đặc biệt, bởi lẽ do độ phức tạp trong việc phối bột màu nên rất ít người sử dụng phấn tiên. "Mỗi nguyên liệu đều có cái đẹp riêng, bản thân mình làm nghề sáng tạo thì phải hiểu được cái đẹp đó. Mình sử dụng phấn tiên vì nó mang lại những màu sắc tự nhiên, giống như thực, đặc biệt phát huy tác dụng trong vẽ tranh chân dung" -Minh cho biết. Để đạt đến kỹ thuật vẽ tranh chân dung thật như ảnh chụp, có lúc Minh phải bỏ ra 10 tiếng đồng hồ/ngày để tập luyện. Trải qua nhiều lần thất bại, tranh Minh vẽ ngày một hoàn thiện hơn về thẩm mỹ cũng như cảm xúc.
Thông thường, một bức chân dung được Minh ký họa trực tiếp bằng chì và than mất khoảng 15 - 20 phút với giá 150.000 đồng. Tuy nhiên, vì vẽ trong thời gian ngắn nên độ chính xác không cao và không sử dụng được nhiều chất liệu. Với tranh vẽ lại từ ảnh chụp, Minh mất khoảng 3 - 4 tiếng đồng hồ và có sự đầu tư hơn, sản phẩm vì thế cũng chất lượng hơn. Tùy vào kích thước và chất liệu sử dụng, một bức chân dung Minh vẽ có thể dao động từ 350.000 - 500.000 đồng/tranh khổ A3 và từ 1,2 - 2,2 triệu đồng/tranh khổ A0. Trung bình mỗi tháng, Minh kiếm được 15-20 triệu đồng từ chính đam mê của mình.
Phạm Hồng Minh ký họa cho khách du lịch ven đường. |
Biệt tài thổi hồn vào nhân vật
Tôi được Minh chỉ cho xem những bức vẽ chân dung cực kỳ sinh động và sắc sảo. Đặc biệt, trong các bức vẽ của Minh, đôi mắt của nhân vật bao giờ cũng đầy biểu cảm. Minh chia sẻ: "Cái khó nhất khi vẽ một bức chân dung chính là đôi mắt. Mình tốn rất nhiều thời gian cho việc miêu tả đôi mắt, tiếp đến là thần thái nhân vật. Tùy vào độ cảm nhận của người vẽ mà bức tranh đó có hồn hay không". Người ta gọi nghệ thuật thổi hồn vào nhân vật như những bức tranh Minh vẽ là nghệ thuật truyền thần-tức phải truyền được hết thần thái, cảm xúc của nhân vật vào trong tranh sao cho chỉ cần nhìn vào một chi tiết nào đó được nhấn mạnh, người xem sẽ cảm nhận được nhân vật đang trong tâm trạng thế nào. Theo Minh, tranh truyền thần không cần phải giống hoàn toàn ngoài đời thực, quan trọng nhất là phải có hồn. Đa phần, khách chỉ yêu cầu vẽ sao cho giống là được, cho nên với mỗi bức vẽ của mình, Minh đều khéo léo lồng ghép yếu tố truyền thần vào trong đó, có thể là đôi mắt, cái miệng hay thậm chí chỉ là một cái chau mày, vừa đảm bảo được độ chính xác đường nét cho khách hàng, vừa cảm nhận được thần thái con người trong bức vẽ. "Tranh anh Minh vẽ khá ấn tượng và đặc biệt là giống người đời thực. Anh vẽ rất sinh động, nhìn không khác gì được sao chép lại một khuôn mặt ở ngoài" - một khách hàng nhận xét.
Những người làm nghệ thuật như Minh thường cá tính và có chút phá cách nhưng Minh thì khác, hiền, rụt rè và ít nói, có lẽ vì vậy mà anh từng có nhiều kỷ niệm "nhớ đời" trong những lần ngồi vẽ ngoài phố. Minh cười, có lần thấy anh ngồi dọc đường Bạch Đằng ký họa, một du khách nữ đến và ngồi làm mẫu để anh vẽ. Say sưa cả buổi, đến lúc vẽ xong, cô gái thản nhiên cầm bức vẽ đi vì nghĩ là anh vẽ... miễn phí. Lúc ấy, Minh chỉ biết ú ớ mà cười cho qua chuyện, vậy là tặng luôn cho cô gái bức tranh.
Để phát triển niềm đam mê hội họa, thời gian tới Minh dự định sẽ vẽ loạt tranh phong cảnh về Đà Nẵng để giao cho các khách sạn, resort có nhu cầu treo tranh quảng bá du lịch thành phố. Hy vọng với trách nhiệm nghề nghiệp và tài năng của mình, Minh sẽ còn tiến xa hơn nữa trên con đường nghệ thuật...
Thảo Vy