Báo Công An Đà Nẵng

Tự “đầu độc”!

Thứ ba, 07/02/2017 09:22

(Cadn.com.vn) - Lâu nay, nông dân tại nhiều địa phương ở tỉnh TT-Huế sau khi sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật (TBVTV) có thói quen vứt các chai lọ, bao gói TBVTV bừa bãi gây nguy cơ ô nhiễm đất, nguồn nước và ảnh hưởng trực tiếp đến người canh tác cũng như sản phẩm nông nghiệp… Vấn nạn này đã được rất nhiều cử tri tại TT-Huế quan tâm và ở mức báo động.

Đơn cử tại xã Thượng Quảng (H. Nam Đông, TT-Huế), dọc suối Khe Pó là nơi ruộng nương canh tác nhưng các chai lọ chứa thuốc trừ sâu, diệt cỏ sau khi sử dụng vứt ngổn ngang. Ông Lê Kỹ (trú xã Thượng Quảng) cho biết: “Bà con ở đây làm ruộng, trồng sắn, trồng cao su, keo đều sử dụng thuốc trừ cỏ, hiệu quả rất cao… Cán bộ khuyến cáo ít dùng, nhưng không dùng thuốc thì làm cỏ quá mất công.” Sau khi sử dụng xong, các chai lọ, bao bì TBVTV do chưa có điểm thu gom để xử lý nên người dân “vô tư” vứt quanh chân ruộng, khe suối. Trong khi đó, nhiều vùng tại H. Nam Đông lại dùng nước giếng hoặc nước tự chảy nên nguồn nước phần nào bị ảnh hưởng.

Nhiều chai lọ, bao gói TBVTV sau khi sử dụng được vứt bừa bãi trên đồng ruộng
ở xã Hương Vinh (TX Hương Trà) sáng 5-2.

Điều đáng nói, tình trạng vứt bỏ chai lọ, bao bì các loại TBVTV không chỉ xảy ra ở miền núi, mà còn xảy ra ở các huyện đồng bằng như: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Hương Trà... Theo báo cáo của UBND tỉnh TT-Huế, hàng năm có khoảng 42 tấn chai lọ, bao gói và 1 - 2% TBVTV còn tồn tại trong chai lọ, bao gói sau sử dụng thải ra môi trường chưa có biện pháp thu gom, xử lý. Trước tình trạng trên, tháng 12-2016, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Nguyễn Văn Cao đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-UBND về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm bảo vệ môi trường trong ngành nông nghiệp. Theo đó, trước mắt, yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch quản lý, kiểm soát và lộ trình khắc phục ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng bể chứa bao gói TBVTV sau khi sử dụng và có phương án thu gom, vận chuyển, tiêu hủy đúng quy định. Tập huấn cho nông dân sử dụng TBVTV, phân bón đúng quy trình; kiểm tra, thanh tra định kỳ hoặc đột xuất việc sản xuất và kinh doanh TBVTV, phân bón hữu cơ và phân bón khác; chỉ đạo,  hướng dẫn và quan trắc môi trường để quản lý, giám sát, cảnh báo môi trường trong nông nghiệp…

Như vậy có thể thấy UBND tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt để bảo vệ môi trường ngành nông nghiệp an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Vấn đề còn lại phụ thuộc rất lớn đến hành động của các cơ quan chức năng và quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi nông dân.

H.L