Báo Công An Đà Nẵng

"Tự động hóa" tuổi học trò

Thứ sáu, 09/01/2015 14:23

(Cadn.com.vn) - Một nhóm học sinh "ưa vọc vạch" của Trường THPT Khai Trí (Đà Nẵng) ngoài giờ học đã "ngâm mình" trong phòng thực hành của nhà trường để mày mò cho thỏa niềm đam mê máy móc, công nghệ. Nhiều ý tưởng khả thi từ đây đã được giáo viên kèm cặp và phát triển lên thành đề tài nghiên cứu khoa học... mang tính thực tiễn cao.

Em Nguyễn Hữu Hân hy vọng hệ thống dội nước tự động sẽ góp phần đảm bảo vệ sinh ở các trường học, bệnh viện… 

Giàn phơi đồ thông minh

Giàn phơi đồ tự động "quang hợp" khi có nắng và thu vào khi có mưa không phải là ý tưởng mới mẻ, nhưng Võ Sĩ Liêm, học sinh lớp 10/1 Trường THPT Khai Trí lại nghiên cứu riêng dụng cụ này cho những loại nhà có kết cấu mái hiên hẹp. Giàn phơi thông minh được thiết kế dựa trên ý tưởng đem lại sự tiện lợi cho các hộ gia đình khi phơi quần áo mỗi khi trời mưa kéo dài, đồng thời góp phần tạo mỹ quan đô thị.

Theo Liêm, hai thanh phơi có độ dài 1,5m được gắn hệ thống khuy để treo quần áo. Quần áo được đưa ra phơi khi trời không mưa và tự động thu vào khi có mưa nhờ hệ thống cảm biến. "Nó sử dụng một động cơ một chiều 12 (V) để kéo quần áo ra hoặc thu quần áo vào thông qua cơ cấu truyền động. Khi trời mưa, mạch cảm biến bị ướt làm đóng rơle thứ nhất động cơ quay, hệ thống truyền động sẽ thu quần áo vào. Khi mạch cảm biến khô, đóng điện cho rơle thứ hai, động cơ quay theo chiều ngược lại quần áo lại được đem ra phơi", Liêm giải thích nguyên tắc hoạt động. Theo cậu học sinh có gương mặt rất non này, dựa vào kết quả khảo sát thực tế, em hoàn toàn tin tưởng việc ứng dụng sản phẩm tại các hộ gia đình, khu ký túc xá, chung cư hoặc các nhà trẻ.

Em Võ Ngọc Tâm với giải pháp có thể sạc điện thoại trong điều kiện cúp điện kéo dài. 

Giải pháp sạch cho nhà vệ sinh

Công trình của em Nguyễn Hữu Hân, học sinh lớp 12/1 là một công trình rất tế nhị, nhưng liên quan đến một vấn đề bức xúc, đó là hệ thống dội nước tiểu nam tự động. Thực tế, nếu đã từng ra vào các khách sạn, tòa nhà hiện đại thì chuyện này không còn lạ lẫm, nhưng Hân mong muốn đưa công trình có vẻ sang trọng này vào các trường học, bệnh viện, các địa điểm du lịch công cộng với giá chỉ khoảng… 500 nghìn đồng.

Cậu học trò trường tư này tâm sự rằng, tại các tòa nhà công cộng, những nơi có nhiều người cùng sinh hoạt nhưng chưa đủ điều kiện để đầu tư hệ thống nhà vệ sinh hiện đại thì khu vực nhạy cảm này thường hay quá tải. Không chỉ riêng trẻ con mà ngay cả người lớn có khi đi vệ sinh xong cũng quên dội nước. "Chỉ cần 1 mắt cảm biến, 1 rơle trung gian, 1 rơle thời gian và nguồn điện. Mỗi khi có người vào là thiết bị có "mắt" nhận biết sẽ tự động bật quạt, hút không khí, vệ sinh xong nước sẽ tự động xả trong thời gian bao lâu là do lập trình, vừa giảm được sức lao động của bộ phận tạp vụ, vừa khắc phục được "hậu quả" mà những người lơ đãng hoặc các em học sinh nhỏ chưa đủ ý thức tự giác để lại. Nguồn điện thì có sẵn, chỉ cần mua một vài linh kiện, thiết bị với giá trị khoảng 500 nghìn đồng", Hân cho biết.

Em Võ Sĩ Liêm với mô hình giàn phơi đồ thông minh

Sạc pin điện thoại bằng năng lượng mặt trời

Bộ đôi Võ Ngọc Tâm và Nguyễn Thị Ngọc Lan (học sinh lớp 10) cho biết, "bộ sạc" không chỉ là nguồn dự phòng năng lượng khi biến quang năng thành điện năng mà nó còn "cứu" những chiếc điện thoại bị hết pin ở những nơi công cộng như bệnh viện, khu du lịch, khu vui chơi, nơi mà chủ nhân không mang theo cục sạc, cũng không có thời gian hay nguồn điện. "Có hôm cả vùng Hòa Liên (H. Hòa Vang) quê em bị cúp điện kéo dài, điện thoại của cả nhà em bị hết pin, em muốn liên lạc với bạn bè, người thân nhưng điện thoại như cục gạch nên chịu. Vì vậy em nghĩ đến việc làm ra bộ sạc dự phòng không phụ thuộc vào dòng điện lưới", Võ Ngọc Tâm cho biết.

Theo Tâm, nguồn điện sau khi được thu nhận từ năng lượng ánh sáng sẽ đưa điện vào bộ lưu để tích trữ điện năng để sử dụng khi cần thiết. Bộ lưu điện được thiết kế có mạch nạp để tích điện cho ăcquy bên trong và cho ra mức điện áp một chiều 12V - 5A. Để sạc được nhiều loại điện thoại khác nhau, thiết bị dùng cáp sạc điện thoại đa năng với chuẩn cắm USB ngõ vào và có nhiều chuẩn cắm đầu ra. "Nhưng sạc pin ở chốn đông người thì tài sản có được an toàn?", Tâm cho hay,  nguồn sạc sẽ kèm theo một tủ treo tường có nhiều ngăn, mỗi ngăn có khóa riêng biệt. Người sạc pin sẽ có chìa khóa riêng như đi mua hàng ở siêu thị, hiệu sách nên đảm bảo an toàn.

Cô Nguyễn Thị Cẩm Thạch, giáo viên dạy nghề điện, Trường THPT Khai Trí, người luôn sát cánh, hướng dẫn và kích thích sự khám phá của học sinh cho biết, để thỏa đam mê thì thời gian đầu rất tốn kém cho việc mua sắm linh kiện, vì không phải cái nào cũng thành công từ đầu. Nhưng thấy các em rất đam mê và công trình có khả năng phát triển cao hơn nên cô và nhà trường rất khuyến khích. "Chưa phải là hoàn thiện, mỗi công trình vẫn còn một vài điểm cần bổ sung nhưng theo tôi chúng có thể ứng dụng vào thực tiễn rất hữu ích", cô Thạch đánh giá.

Trong khi đó, thầy Trương Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản Trị Trường THPT Khai Trí cho biết, 3 sáng tạo trên đều đạt giải Nhì cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật (VISEP) cấp thành phố dành cho học sinh các trường THPT. Với đặc thù là một trường tư thục, dù còn nhiều khó khăn nhưng nhà trường luôn kích thích và đầu tư cho lĩnh vực thực hành của các em học sinh. Thầy Hùng cũng mong rằng, những sáng kiến của các em sẽ có bệ phóng để có cơ hội kiểm chứng, phục vụ cho đời sống cộng đồng.

Đông A