Tự hào K20 (Kỳ 1: Cổ tích vùng đất thép)
Khu Căn cứ cách mạng K20 (còn gọi là Khu căn cứ lõm K20) thuộc địa bàn khối Đa Mặn, P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 7 km về phía Đông Nam. Khu Căn cứ lõm K20 là biểu tượng của tinh thần cách mạng kiên cường, bất khuất của người dân Đà Nẵng và của Q. Ngũ Hành Sơn nói riêng trong cuộc trường chinh 20 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước.
Du khách tham quan Nhà trưng bày truyền thống K20. (Ảnh Ngọc Hà). |
Khu Căn cứ cách mạng K20 là khu căn cứ bí mật, độc đáo nằm giữa lòng địch, một trong những căn cứ cách mạng quan trọng của thành phố Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là vùng đệm để bộ đội, cán bộ và du kích làm bàn đạp tấn công vào các căn cứ của Mỹ - Ngụy, lập nhiều chiến công oanh liệt, tạo tiếng vang lớn trên chiến trường Khu 5, góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975 và đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích Quốc gia và 04 địa điểm trong Khu căn cứ cách mạng K20 được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử, gồm: nhà ông Huỳnh Phiên (Vấn), nhà thờ bà Nhiêu, nhà thờ tộc Huỳnh và nhà ông Huỳnh Trưng.
Hiện nay, khi có dịp đến thăm Khu căn cứ cách mạng K20 năm xưa, chúng ta sẽ được thăm lại ngôi nhà thờ Bà Nhiêu và căn cứ hầm bí mật phía trước sân, những căn hầm bí mật khác ở nhà bà Nguyễn Thị Hải, nhà ông Huỳnh Trưng, nhà ông Lý... mà nhân dân Đa Mặn đã trân trọng gìn giữ. Đặc biệt, vài năm trước đây, chính quyền và nhân dân địa phương đã xây dựng Nhà truyền thống Khu căn cứ cách mạng K20 - nơi lưu giữ và trưng bày nhiều bút tích, tài liệu, hiện vật có giá trị - là những trang sử sống động phản ánh rõ nét truyền thống cách mạng anh hùng của nhân dân K20. Những địa chỉ đỏ, hầm bí mật, chiến hào năm xưa đang được đưa vào các chương trình tham quan, giáo dục truyền thống. Mỗi hiện vật, mỗi sự tích đều gắn liền những con người có thật; trong đó, có người đang còn sống, đang ngày đêm miệt mài xây dựng cuộc sống mới ngay tại mảnh đất lịch sử này.
Di tích Khu căn cứ cách mạng K20 đã được thành phố và quận Ngũ Hành Sơn giao cho Ban Quản lý Khu Du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn (nay là Ban Quản lý Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn) quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích và khai thác dịch vụ du lịch. Hàng năm, tại đây thu hút hàng nghìn lượt khách từ khắp nơi đến đây tham quan, học tập, trải nghiệm và nghiên cứu. Được biết, trong những năm qua, nhờ làm tốt công tác quảng bá, kết nối với các cơ quan, đơn vị, các tour tuyến du lịch, nhất là kết nối từ Di tích Quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn nên lượng khách đến tham quan Khu Căn cứ cách mạng K20 không ngừng tăng lên, năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể năm 2016 đón 1.294 lượt khách, năm 2017 đón 3.579 lượt khách, năm 2018 đón 3.863 lượt và năm 2019 tại đây có 5.243 lượt khách; đối tượng khách chủ yếu là cựu chiến binh, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ, các đoàn hành hương về nguồn, đến học tập, nghiên cứu, trải nghiệm... tất cả đều được tiếp đón, phục vụ miễn phí.
Khu căn cứ cách mạng K20 là vùng đất trũng, tiếp giáp với sông Cái, khu dân cư và đường làng bao bọc. Người dân nơi đây sống chủ yếu là nông nghiệp; sản xuất và canh tác giữa cánh đồng trũng, bãi bồi ven sông và bãi cát trắng quanh làng với các loại cây lương thực như: Lúa, khoai, sắn, đậu phụng và các loại hoa màu. Ngoài ra, còn có thêm nghề chài lưới trên các nhánh sông Hàn, sông Cẩm Lệ và sông Cổ Cò; mùa nắng thì khô hạn, mùa mưa thì ngập lụt. Hiện khu di tích này có gần 50 hộ dân cư trú, nhà dân hầu hết là nhà cấp 4, gần đây một số nhà dân đã cải tạo, nâng cấp, xây dựng kiên cố bằng bê tông, cốt thép. Hiện tại, Khu căn cứ lõm K20 đã có nhiều thay đổi, các lũy tre bao bọc xung quanh làng trước đây không còn nữa.
Tại khu căn cứ này, ngoài một số hầm bí mật còn có một địa đạo từ nhà ông Nguyễn Biêu đến nhà bà Hồ Thị Hó, có chiều dài khoảng 70m (gọi là địa đạo Xóm Đồng) chạy dọc dưới các bờ tre, có sức chứa khoảng 200 cán bộ, chiến sĩ. Địa đạo này còn là nơi làm kho cất giấu vũ khí, lương thực, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác. Năm 1967 để chuẩn bị cho công cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Quận ủy Quận 3 giao cho Chi bộ K20 kiện toàn, xây dựng lại các hầm bí mật và địa đạo này. Qua thời gian bị lũ lụt xâm thực và không có người bảo quản nên địa đạo đã bị vùi lấp, san bằng mất hẳn dấu tích; một số hầm bí mật tại các nhà dân đã bị biến dạng, không còn giữ lại nguyên trạng như xưa, phần lớn đã bị mưa lũ hàng năm làm sụt lở, làm mất dấu vết hoàn toàn, hiện chỉ còn lại 3 căn hầm nhưng cũng không nguyên vẹn. Các phương tiện vận chuyển đưa bộ đội sang bên kia sông Trung Lương chỉ còn lại mái chèo, chiếc thuyền nan hiện được trưng bày tại Nhà Truyền thống K20, nhiều hầm hào chôn cất vũ khí nay cũng không còn.
(còn nữa)
Đinh Văn Dũng