Báo Công An Đà Nẵng

Từ "Hiệp sĩ giao thông" đến nhân viên cứu hộ chuyên nghiệp

Thứ bảy, 19/09/2015 11:22

(Cadn.com.vn) - Từng cứu sống 14 mạng người khỏi tai nạn lật thuyền trên biển, cậu bé Trần Văn Truyền 14 tuổi nhỏ thó ngày nào nay đã trưởng thành và thực hiện được mong ước trở thành nhân viên cứu hộ bãi biển. Được phong tặng danh hiệu "Hiệp sĩ giao thông", Truyền luôn lấy đó làm động lực để bám trụ với công việc lặng thầm này...

Tuổi nhỏ làm việc lớn

Tìm Trần Văn Truyền, người dân nơi đây ai cũng thốt lên "A, thằng Truyền cứu người phải không?". Sinh ra trong một gia đình lao động nghèo ở Kim Liên, P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), từ nhỏ, ngoài giờ học, Truyền thường cùng ba mẹ lên rẫy trồng cây, nhổ cỏ. Năm 2014, ba Truyền qua đời sau một vụ tai nạn giao thông, nỗi đau ập xuống bất ngờ khiến mọi thứ như sụp đổ trước mắt, thế nhưng, khi nhắc đến người cha đã khuất, trong Truyền lại ánh lên niềm tự hào khôn tả, bởi chính ông là người đã sát cánh cùng Truyền trong vụ cứu người đầy ám ảnh năm nào.

Trần Văn Truyền trong bộ đồng phục nhân viên cứu hộ đặc trưng của mình.

Nhắc lại vụ việc lật thuyền tại bãi Hẳm, thuộc khu vực làng Vân 8 năm về trước, Truyền vẫn nhớ như in khi chính cậu là người trực tiếp cứu từng người trong cơn sóng dữ. Ngày đó, Truyền đang học lớp 7, nhỏ thó và đen nhẻm. Ngày 29-4-2007, trong lúc lên rẫy với ba, Truyền tranh thủ xách cần câu ra câu cá. Hôm đó sóng dữ, đột nhiên có chiếc thuyền chở 24 người đến cách bờ khoảng 80m thì chòng chành rồi bất thình lình lật úp. Hàng chục cánh tay chới với,  vùng vẫy kêu cứu giữa biển, chỉ biết bám víu vào những mảnh vỡ của thùng xốp trên thuyền. Không chút do dự, Truyền chạy vội báo cho ba rồi tri hô mọi người đến cứu. Rất nhanh trí, cậu nói ba cắt ống nước tưới cây trên rẫy để mình quấn quanh người bơi ra đưa cho người bị nạn bám vào. Lượt đầu tiên, Truyền dìu được 6 người, ba Truyền đứng trên bờ dùng hết sức kéo dây. Truyền lại quay lại cứu tiếp những người còn đang chới với. "Có lượt mình dìu một chú trên tay có ẵm đứa bé 4 tuổi. Chú biết bơi nhưng kiệt sức, khi mình dìu vào tới nơi thì đứa bé  không qua khỏi vì uống nước quá nhiều. Nhìn những thi thể khác lần lượt được đưa vào bờ, hai cha con xót xa, bất lực mà không thể làm gì hơn…" - Truyền ngậm ngùi chia sẻ.

Sau lần cứu người trong vụ tai nạn định mệnh ấy, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi thư khen ngợi lòng dũng cảm của Truyền. Cậu được nhận Huy chương "Tuổi trẻ dũng cảm", được khen tặng danh hiệu "Hiệp sĩ giao thông" và được mời ra Hà Nội nhận kỷ niệm chương "Vinh quang Việt Nam" dành cho "hiệp sĩ nhí". Bất ngờ hơn, Truyền được ông Nguyễn Bá Thanh - nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đến tận nhà thăm hỏi, động viên và tặng quà. Thấy đường vào nhà Truyền lầy lội, hư hỏng nhiều chỗ, ông đã cho xây gấp một con đường bê-tông dài 200m từ ngoài ngõ ngang qua nhà Truyền. Chỉ sau 10 ngày, con đường được hoàn thành trong sự hứng khởi của bà con. Người dân nơi đây gọi con đường ấy là đường Trần Văn Truyền…

Kỷ niệm chương "Vinh quang Việt Nam"
do Tổng LĐLĐ Việt Nam khen thưởng Truyền năm 2011.

Nhân viên cứu hộ biển trẻ nhất Đà Nẵng

Hơn một tháng sau ngày cứu 14 người bị nạn, Truyền được đưa vào tập huấn tại Trung tâm vận động viên CLB Bơi lặn Đà Nẵng. Năm 2008, Truyền giành Huy chương Bạc tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ VII. Đến năm 2010, Truyền lại tiếp tục tham gia thi đấu tại Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ VI và đạt Huy chương Đồng. Tuy nhiên, dường như đây chưa phải là mục đích của chàng trai trẻ tuổi. Sau 6 năm học tập tại Trung tâm, nhận thấy thành tích của mình không được như sự kỳ vọng của các huấn luyện viên, Truyền xin nghỉ và bày tỏ mong muốn được làm một nhân viên cứu hộ biển. Được sự giới thiệu và giúp đỡ của huấn luyện viên, Truyền vào làm tại Resort Vinpearl Premium Đà Nẵng, hằng ngày chăm lo cho sự an toàn của khách. Truyền thật thà: "Mình cảm thấy khả năng bơi lặn của mình khá tốt nhưng học thì lại kém, thôi thì theo nghiệp cứu hộ để cứu giúp người ta khi gặp nạn sông nước. Ở đây, mình được sống với đam mê của mình, được các đồng nghiệp đi trước chia sẻ kinh nghiệm trong công việc, cảm nhận được đây mới chính là cuộc sống của mình".

Từ đó, Trần Văn Truyền trở thành nhân viên cứu hộ trẻ tuổi nhất Đà Nẵng. Nhìn chàng trai 22 tuổi với thân hình vạm vỡ, ít ai ngờ được cậu chính là thằng bé nhỏ con ngày nào đã dũng cảm cứu nhiều người khỏi cơn đại nạn. Đều đặn mỗi ngày từ 4 giờ sáng đến 1 giờ chiều, vừa trực cứu hộ, Truyền còn hướng dẫn các em nhỏ tập bơi. Những ngày mưa bão, áp lực công việc lại tăng lên gấp bội, bởi ngoài việc nhắc nhở đảm bảo an toàn cho du khách, Truyền còn cùng với đồng nghiệp dọn dẹp cơ sở vật chất tại nơi công tác. Truyền cười: "Có mấy lần nhắc nhở du khách khi bơi phải chú ý này kia, mình bị họ cáu gắt. Tuy vậy mình không tỏ ra khó chịu, bởi đây là trách nhiệm của mình. Mình không làm, nếu có chuyện không hay xảy ra thì lại day dứt cả đời".

Với tinh thần làm việc cao độ, Truyền được lãnh đạo ở đây đánh giá cao và được nhiều đồng nghiệp quý mến. Hàng ngày, với bộ đồ cứu hộ đặc trưng, chiếc còi đeo trên cổ và đôi mắt luôn ngóng về phía biển, Truyền vẫn không ngại nắng mưa mà làm công việc lặng thầm của mình, chỉ mong sự yên bình cho du khách tắm biển. Niềm hạnh phúc của chàng cứu hộ trẻ tuổi này giản dị như thế.

Thảo Vy