Báo Công An Đà Nẵng

Từ làng ven đô đến Tây Bắc

Thứ tư, 09/07/2014 09:08

(Cadn.com.vn) - Lần đầu tiên được đọc truyện ngắn "O Chuột" cho đến lúc đọc "Dế mèn phiêu lưu ký", nhà văn Hoàng Quốc Hải chỉ mơ ước làm sao trong cuộc đời được nhìn thấy từ xa người viết cuốn truyện đó. Bởi "Dế mèn phiêu lưu ký" đưa tuổi thơ ông và rất nhiều thế hệ thiếu nhi đi khắp nơi trên thế giới này. Đến năm 1969, nhà văn Hoàng Quốc Hải may mắn được làm việc cùng cơ quan với nhà văn Tô Hoài. Cảm phục những trang văn gần gũi như con người của nhà văn, nhà văn Hoàng Quốc Hải còn được nghe nhiều chuyện kể về những chuyến đi thực tế vùng Tây Bắc.

Ông kể: "Trong những chuyến đi thực tế vùng Tây Bắc, nhà văn Tô Hoài luôn có tác phong vừa nghe người ta nói, vừa xem họ làm, vừa sinh hoạt với họ, đồng thời còn ghi chép lại. Có những đoạn ông ghi lại tiếng chim gáy trong rừng sâu như thế nào, tiếng chim gáy ở đồng bằng như thế nào. Hay như tiếng chim nuôi trong lồng, nhốt trong thành phố thế nào. Những đoạn ghi chép ấy ông đều đọc cho chúng tôi nghe. Mỗi cái đều có sự tinh tế khác nhau. Từ đó mới thấy nhà văn Tô Hoài làm việc rất tỉ mỉ và những điều ông đưa ra làm cho chúng ta tin được".

Nhà văn Tô Hoài cùng những bạn đọc thân thiết tại lễ kỷ niệm 70 năm Dế mèn phiêu lưu ký.

Thế mạnh của nhà văn Tô Hoài khi viết về đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc chính là quá trình "trải nghiệm nỗi đau của quần chúng, hướng tới lẽ sống của nhân dân". Nhà văn Tô Hoài từng nói: "Đất nước và người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều, không  bao giờ quên... Hình ảnh Tây Bắc đau thương và dũng cảm lúc nào cũng thành nét, thành người, thành việc trong tâm trí tôi". Nhà văn Tô Hoài kể kỷ niệm không thể quên ngày vợ chồng A Phủ tiễn ông ra khỏi dốc núi Tà Sua, vẫy theo: "Chéo lù, chéo lù" (trở lại). Cũng như thế với cuộc chia tay vợ chồng Lý Nủ Chu dưới chân núi Cao Phạ.

Ông đã khóc lúc xem bộ phim "Vợ chồng A Phủ", bởi những người làm phim đã tái hiện được chân thực cuộc sống và thân phận con người vùng Tây Bắc. Giáo sư Phong Lê, người từng nhiều năm nghiên cứu tác phẩm của nhà văn Tô Hoài khẳng định: Có được tình cảm đó quả là điều tự nhiên khi nhà văn đã thật sự sống rất nhiều "cùng", chứ không phải chỉ "ba cùng" với nhân vật của mình: cùng vác củi, thổi sáo, bắt chuột, đào rúi, bắt cá suối, đi "cướp vợ", cùng ăn rêu đá, thịt ngựa, bọ hung xào...

Theo giáo sư Phong Lê, nói về Vợ chồng A Phủ là nói về giá trị khởi đầu của nó trong văn học kháng chiến, nằm trong bộ ba truyện để thành "Truyện Tây Bắc". Tô Hoài trong những năm đầu thâm nhập vào kháng chiến, viết được tác phẩm đầu tiên của văn học kháng chiến và xây dựng được mẫu hình của một tầng lớp người trong kháng chiến. Đồng thời với truyện Tây Bắc, Nguyên Ngọc ở khu 5 thâm nhập vào Tây Nguyên để viết "Đất nước đứng lên". Chặng đường kết thúc giai đoạn văn học kháng chiến 1945-1954 được đánh dấu bởi hai cuốn sách này.

Nếu chỉ dừng lại ở tác phẩm "Dế mèn phiêu lưu ký", nhà văn Tô Hoài cũng đã rất nổi tiếng vì ông làm được cái việc mà như nhà văn Nam Cao nói là "để đời" đối với sự nghiệp của bất cứ người cầm bút nào.
Thế nhưng, nhà văn Tô Hoài không dừng lại ở chú "dế mèn" mà còn đi xa hơn. Nếu tính từ năm 1951-khi nhà văn Nam Cao ra đi thì nhà văn Tô Hoài có may mắn hơn người bạn thân thiết của mình ít nhất hơn 50 năm viết.
Bảo rằng Tô Hoài đi được xa hơn cũng chính bởi khi nghĩ đến ông, người ta  nhớ ngay "Vợ chồng A Phủ" - truyện ngắn đã được dựng thành phim và cũng là một tác phẩm tiêu biểu cho văn học hiện thực dân tộc miền núi mà Tô Hoài đã cống hiến.

Từ "Truyện Tây Bắc", nhà văn Tô Hoài tiếp tục đi sát hiện thực cuộc sống với tác phẩm "Miền Tây" ra đời sau đó 10 năm. Vẫn là Tây Bắc nhưng chân dung và số phận của con người hiện rõ hơn trên nền lịch sử, trước sự đổi thay của cuộc sống. Đó là những số phận riêng, diện mạo riêng như bà Giàng Súa, là anh cán bộ miền xuôi, là ông chủ tịch xã Sóa Tỏa... mà ông dành nhiều tâm sức để xây dựng. Và sau này, với những tác phẩm "Họ Giàng ở Phìn Sa", "Nhớ Mai Châu"... Tô Hoài vẫn mải miết với đất và người Tây Bắc, mong muốn giải đáp những bí ẩn nào đó nơi mảnh đất biên cương.

Nhìn lại toàn bộ cuộc đời văn học của nhà văn Tô Hoài, Giáo sư Phong Lê khẳng định: "Tô Hoài là một trong những tác gia lớn nhất của thế kỷ XX. Ông thuộc thế hệ vàng mà tôi quan niệm thế hệ sinh năm 20, từ năm 1920 ngược về trước. Đó là thế hệ vàng của văn chương hiện đại, làm nên mùa gặt ngoạn mục nhất của văn học thế kỷ XX - làm nên mùa màng 1930-1945, cùng với Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Xuân Diệu, Huy Cận. Ông cũng là người hiếm hoi nhất còn lại của thế hệ ấy, cùng với nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh".

Từ "Dế mèn phiêu lưu ký" khi còn là chàng thanh niên chưa đầy 20 tuổi cho đến những cuốn hồi ký văn học xuất bản lúc tuổi đã 80, hơi thở cuộc sống luôn đầy ắp và hiện rõ trên từng trang viết của nhà văn Tô Hoài, đưa ông cùng nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuổi khác làm nên "mùa gặt ngoạn mục nhất của văn học Việt Nam thế kỷ XX". Ông đã ra đi, nhưng trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ, "chú dế mèn" sẽ luôn trẻ mãi với thời gian.

Phương Thúy