Báo Công An Đà Nẵng

Văn hóa giao thông, văn minh đô thị:

Từ một bức thư

Thứ ba, 06/01/2015 10:03

(Cadn.com.vn) - Trong cuộc thi “Văn hóa giao thông vì sự an toàn của cộng đồng và trật tự văn minh đô thị của TP Đà Nẵng” do Công an thành phố phát động trong học sinh, sinh viên, nhiều thành viên Ban Giám khảo đã hết sức bất ngờ trước cái nhìn của một cô nữ sinh.

Bài thi của em Phạm Khánh Uyên – học sinh lớp 10/11 Trường THPT Phan Châu Trinh với hình thức một bức thư đã có cái nhìn tương đối chín chắn về nguyên nhân của các vụ TNGT đồng thời mang nhiều thông điệp ý nghĩa gửi đến bạn bè cùng trang lứa cũng như “chất vấn” trách nhiệm của những người lớn tuổi.

Bài thi được thu thập số liệu, hình ảnh và trình bày công phu thể hiện nhận thức sâu sắc của nữ sinh lớp 10 về hậu quả của TNGT. 

Bức thư mở đầu bằng việc gửi lời nhắn đến các bạn bè cùng trang lứa rằng “mình viết bức thư này không mục đích gì khác ngoài việc muốn bảo vệ cho chính tuổi trẻ của chúng ta, cái tuổi mà người lớn thường gọi là chủ nhân tương lai của đất nước, trước thảm họa giao thông đang  nhức nhối hiện nay”. Với những hình ảnh thương tâm và số liệu thuyết phục về thực trạng TNGT trên cả nước và địa bàn thành phố, Uyên bắt đầu bằng việc nêu thực tế về ý thức tham gia giao thông của một bộ phận học sinh ngay trong trường học của mình.

Uyên viết: “Ở trường ta hiện nay đang diễn ra một thực trạng là một bộ phận các bạn  học sinh tham gia giao thông còn chưa có  ý thức cao. Trên đường đi học, đặc biệt là khi tan học, số lượng học sinh tham gia giao thông cùng một lúc lớn nên nhiều bạn thường đi hàng hai, hàng ba, thậm chí là hàng năm trên đường gây rất cản trở giao thông. Nhiều bạn còn đi xe máy phân khối lớn, chở ba và lạng lách nữa, nhiều bạn chưa hiểu biết và chưa chấp hành đúng luật. Chúng ta đừng như vậy nữa các bạn nhé”.

Việc đi xe máy phân khối lớn đến trường vẫn còn tồn tại trong một bộ phận học sinh THPT (Ảnh minh họa). 

Tiếp đó, cô học sinh lớp 10 nói với thầy cô giáo về những gì đã từng chứng kiến: “Thưa thầy cô! Chúng em cũng đã thấy có thầy mặt đỏ gay do uống bia rượu và điều khiển xe máy trên đường đấy. Chúng em cũng biết có cô còn cho con mình đi xe máy phân khối lớn khi chưa đến tuổi. Chúng em đây dẫu sao cũng còn là trẻ con nên mức độ nhận thức chưa cao, các thầy cô hãy làm gương sáng để chúng em noi theo, thầy cô nhé. Đừng vì sợ mất thành tích mà chỉ hô hào suông, chỉ kêu gọi mà không dành thời gian để có những hành động thiết thực uốn nắn hành vi chưa đúng của chúng em”.

Sau khi “tự phê bình” và mang thông điệp gửi tới thầy cô, nữ sinh này “kiến nghị” với người lớn bằng những gì mà hàng ngày mình chứng kiến. Đó là chính em và bạn bè nhìn thấy cảnh người lớn điều khiển xe khi say xỉn, lạng lách trên đường phố, vừa lái xe vừa nghe điện thoại, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, thậm chí chẳng biết nhường đường, khi gây tai nạn cho người khác là bỏ chạy, để mặc nạn nhân trong cơn nguy kịch.

“Các chú, các bác hãy dành ra một chút thời gian ngắn suy nghĩ những điều chúng cháu nói. Hãy xem chúng cháu như con cái của mình để vừa lắng nghe, thấu hiểu”. Không dừng lại ở đó, với suy nghĩ của một cô học sinh mới vào cấp 3, Uyên còn đề xuất cơ quan chức năng hãy tập trung cho hạ tầng giao thông, nghiệm thu các công trình một cách nghiêm ngặt, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông đi đôi với việc thực hiện các chế tài. Ngoài ra cô gái cũng mong lực lượng công an giao thông làm việc đúng quy trình, không để xảy ra những sai sót khi thi hành công vụ.

Đi xe đạp dàn hàng ngang, gây cản trở giao thông vẫn là hình ảnh thường thấy trong giới học sinh.

Trong đoạn kết bức thư, cô gái mạn phép được nhắn nhủ với mọi người rằng: “Tất cả chúng ta đều chứng kiến và thấu hiểu được những hậu quả đau lòng từ các vụ TNGT. Chúng ta hãy quyết tâm và chung tay hành động để giảm thiểu những điều đau lòng đó”.

Tại hội thảo bàn về biện pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT – Trật tự đô thị trên địa bàn thành phố mới đây, bài thi của Phạm Khánh Uyên được đánh giá là đã nêu được một thực tế khá phổ biến ở trong các trường học. Đó là ý thức tham gia giao thông chưa tốt của một bộ phận học sinh. Trong đó chủ yếu là hiện tượng đi xe đạp dàn hàng ngang và sử dụng xe máy phân khối lớn khi chưa đủ tuổi.

Ông Nguyễn Minh Hùng – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT - cho rằng, muốn giáo dục ý thức cho học sinh một cách bền vững thì nhất thiết phải đưa vào nhà trường lúc còn nhỏ và lồng ghép vào các chương trình học ngoại khóa, chính khóa.

Với hiện tượng học sinh đi xe máy đến trường, ông Hùng cho biết: “Học sinh các trường đều phải ký cam kết không vi phạm nhưng trên thực tế, việc thực hiện còn chưa nghiêm túc. Dù các trường đã đẩy mạnh việc xử lý nhưng tình hình vẫn chưa giảm so với mong muốn”. Theo ông Hùng, để hạn chế được những vi phạm trong lĩnh vực TTATGT ở học sinh thì phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục. Để học sinh có ý thức tự giác trong vấn đề này thì nhất quyết là người lớn phải làm gương.

Bảo Nam