Từ một vết thương nhỏ, một bệnh nhân có nguy cơ phải cắt bỏ cả chân trái
Ngày 28-11, Bác sĩ CKI Huỳnh Đắc Anh, khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình cho biết: “BN Ngô Văn N. nhập viện trong tình trạng hai ngón chân trái đã chuyển đen, chảy dịch và đau nhức rất nhiều. Sau thăm khám, ê-kip bác sĩ khoa Ngoại nhận định hai ngón chân đã hoại tử. Kết quả các xét nghiệm cho thấy BN mắc đái tháo đường type II với lượng đường trong máu rất cao. Đây là trường hợp đặc biệt khi BN không chỉ mắc đái tháo đường nặng mà còn nhiễm một loại vi khuẩn rất hiếm gặp ngoài da (Proteus). Hai yếu tố này kết hợp khiến tình trạng nhiễm trùng diễn tiến rất nhanh, dẫn đến bàn chân trái bị hoại tử nặng. Chúng tôi quyết định phẫu thuật cắt bỏ bàn chân và đặt VAC thì tình trạng BN có cải thiện. Tuy nhiên, sau đó vi khuẩn lại tiếp tục tấn công lên phần cẳng chân và đùi”. Mặc dù nguy cơ phải cắt bỏ cả chân là rất cao, nhưng ê kip bác sĩ đã quyết định tiếp tục thực hiện phẫu thuật cắt lọc, loại bỏ tổ chức hoại tử với mong muốn giữ lại chân cho BN. Trải qua 6 cuộc phẫu thuật, hơn 2 tháng tích cực điều trị, chăm sóc vết thương và điều chỉnh đường huyết tối ưu, đến nay tình trạng của BN N. đã ổn định và đã giữ được bàn chân trái.
Qua trường hợp trên, các bác sỹ đưa ra khuyến cáo: Khi có các vết thương dù chỉ là rất nhỏ, người bệnh không nên tự ý điều trị tại nhà mà cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra, chăm sóc vết thương, tránh nguy cơ nhiễm trùng và tổn thương lan rộng. Ngoài ra, việc khám sức khỏe định kỳ là vô cùng cần thiết để tầm soát, sớm phát hiện các bệnh lý nguy hiểm, ngăn nguy cơ dẫn đến những biến chứng nặng nề.
Thế Vinh