Báo Công An Đà Nẵng

Tự quản về ANTT ở một vùng giáp ranh

Thứ hai, 29/10/2018 08:39

Để chủ động phòng ngừa, kiềm chế và giảm dần các loại tội phạm vùng giáp ranh, năm 2015, Ban CAX Hòa Phước (H. Hòa Vang, Đà Nẵng) đã chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương triển khai xây dựng mô hình tự quản "Tiếng mõ an ninh" liên kết với "Gác chắn phòng chống tội phạm". Và mô hình này đã được nông dân các thôn Tân Hạnh, Trà Kiểm (xã Hòa Phước) đồng tình và tích cực chủ động thực hiện. Mô hình liên kết này là một hình thức tự quản về an ninh trật tự (ANTT) do nhân dân ở các khu dân cư tự đóng góp kinh phí xây dựng và hoạt động theo sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của lực lượng Công an. Mô hình được vận hành theo quy trình: Khi người dân phát hiện đối tượng vi phạm pháp luật trong địa bàn sẽ gióng mõ tre báo động, các lực lượng nòng cốt theo phân công nhanh chóng có mặt tại gác chắn kiểm tra, chốt chặn, phối hợp với CAX kịp thời truy bắt, khống chế đối tượng. Mọi hoạt động của mô hình đảm bảo không trái với các quy định của pháp luật. Để thiết lập các gác chắn, địa phương đã tổ chức họp dân lấy ý kiến, nghiên cứu địa hình để tiến hành thiết lập gác chắn vừa đảm bảo cho công tác phòng, chống tội phạm hiệu quả, vừa đảm bảo trật tự an toàn giao thông…

3 năm qua, chiếc mõ tre của mô hình tự quản luôn hiện hữu trong mỗi hộ dân thôn Tân Hạnh.

Là địa bàn giáp ranh với thôn Hà Tây (xã Điện Hòa, TX Điện Bàn, Quảng Nam), thôn Tân Hạnh có nhiều đường tiểu ngạch liên xã, thuận lợi cho việc đi lại của bà con. Từ lâu, người dân 2 bên đã cùng sản xuất, sinh sống trên một vùng đất cơ bản giống nhau về phương thức làm ăn, sinh hoạt và phong tục tập quán. Cho nên khi xảy ra các vụ trộm gà, chó, thanh niên tụ tập, gây rối, người dân rất bức xúc. Anh Lê Qua- Công an viên thôn Tân Hạnh cho biết, trước đây tình hình ANTT tại khu vực nghĩa địa của xã Hòa Phước giáp ranh với thôn Hà Tây nhiều tiềm ẩn là do địa bàn có dân cư thưa thớt, không ít người lợi dụng việc chăn thả trâu bò để trộm cắp, đánh bạc. Mỗi khi bị phát hiện truy đuổi, người vi phạm dễ dàng bỏ trốn. Tuy nhiên, sau khi triển khai mô hình tự quản, huy động toàn dân vào cuộc thì tình hình ANTT trong thôn đã có nhiều chuyển biến… Ông Nguyễn Thanh Quý- Trưởng thôn Trà Kiểm xác nhận: "Sau khi mô hình đi vào hoạt động, tình hình vi phạm ANTT tại địa phương giảm rõ rệt, thôn xóm bình yên, người dân yên tâm lao động sản xuất. Đặc biệt là những vùng có dân cư thưa thớt, tiếng mõ, gác chắn đã làm "chùn chân" các đối tượng trộm cắp, thanh niên từ các địa phương khác đến gây rối. Bây giờ, vùng giáp ranh Trà Kiểm với Bồ Mưng (xã Điện Thắng Bắc, TX Điện Bàn) giống như một ngôi nhà lớn, các ngõ ra vào của thôn đều có lực lượng gìn giữ ANTT cơ sở bảo vệ, cùng với ý thức người dân nên chẳng tên tội phạm nào dám bén mảng tới".

Theo Trưởng CAX Hòa Phước Dương Ngọc Đức, từ thực tế địa bàn, trên cơ sở những đề xuất của nhân dân, CAX đã triển khai xây dựng mô hình liên kết về ANTT này nhằm huy động sức dân trong công tác phòng chống tội phạm. Do được tuyên truyền và nhận thức được lợi ích của mô hình nên người dân 2 thôn Tân Hạnh và Trà Kiểm, nhất là bà con ven các tuyến đường xung yếu đã nhiệt tình ủng hộ và tự nguyện đóng góp điện thắp sáng trên các tuyến giao thông nông thôn. Các gia đình thay nhau cắt cử trực gác luân phiên nhằm hỗ trợ ứng phó kịp thời với chính quyền địa phương khi có vụ việc xảy ra. Bên cạnh đó, lực lượng CA cũng tập trung tuyên truyền, trang bị cho người dân những kiến thức cơ bản trong công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm; góp phần đảm bảo chương trình "TP 4 an" gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Thời gian đến, địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình "Tiếng mõ an ninh" liên kết với "Gác chắn phòng chống tội phạm" đang phát huy hiệu quả này cho các thôn còn lại.

VY HẬU