Báo Công An Đà Nẵng

Từ thiện kiểu Trần Phước Ninh

Thứ tư, 04/06/2014 09:05

(Cadn.com.vn) - 13 năm mang thân tật nguyền đi bán vé số, hơn 20 năm làm thơ, khổ đã ám thân, lo mình không xong lại lo người khác. Thế nhưng, Ninh vẫn chắt chiu từng đồng, cặm cụi làm những việc giúp người, giúp đời.

XIN ĐƯỢC TẠ LỖI CÙNG QUÊ

Đọc thơ Ninh, không ai biết, từ nhỏ Ninh chỉ sống với mẹ. Cũng chẳng có gì phảng phất trong thơ cái chuyện: năm 17 tuổi, đang là học sinh giỏi Trường THPT Sào Nam (H. Duy Xuyên, Quảng Nam), thì một trưa, chân tay Ninh bỗng co quắp, miệng ú ớ để chừ, tay vẫn co quắp, chân cà thọt cà nhắc, đỡ hơn là miệng chỉ ngọng, nhưng nói ra là bọt miếng phì phèo. Năm 24 tuổi, thấy mình vô dụng, xin phép mẹ, Ninh mang theo một túi xách, đón xe vào Sài Gòn bán vé số.

10 năm Sài thành bao đắng bao chua. Bốn năm đầu thuê trọ, da diết những bận không tiền về xe: “Giờ giao thừa chỉ còn trong khoảnh khắc/chuyến tàu về con hẹn chuyến tàu sau”; khốn khổ những phen bị giựt vé số, chân cà thọt không đuổi được, miệng ú ớ không ai nghe, đành bớt ăn để dành tiền đền đại lý.

Chân dung Trần Phước Ninh.

Với Ninh, thơ là cái để bám víu. Sáu năm tiếp, được sư Thích Nhuận Tâm – trụ trì chùa Lá (Q. Gò Vấp) rồi một người tên Oanh đem về cưu mang, nghiệp vé số, nghiệp thơ vẫn rong ruổi cùng Ninh khi trở ra Đà Nẵng. 13 năm “ngày ngày lê bước rã rời/ bán đôi vé số gọi mời mưu sinh” chỉ làm cho thơ mặc khải thành một lời chiêm bái. Những ân nhân đều được Ninh viết thơ chiêm bái. Và cái mà Ninh chiêm bái đến cao hơn thánh thần, là quê hương với người mẹ, cây đa, bến nước...  Chiêm bái để tạ lỗi: “Ta về tạ lỗi cùng quê/Hôn vạt cỏ dại bờ đê cuối làng”, để tạ ơn: “Tạ ơn sông núi mây ngàn /Cho ta uống giọt thi đàn trăm năm”. Thắc mắc, tôi hỏi: “Sao anh lại tạ lỗi cùng quê?”; câu nói ú ớ của anh được “dịch” ra: “Anh tật nguyền là anh có lỗi với quê, anh phải tạ lỗi”.

Đố ai tìm được cái hận đời, than vãn trong thơ Ninh; quá lắm, cũng chỉ đôi bận giận hờn với tình yêu phụ rẫy: “Có thể em đã quên – chỉ mình anh còn nhớ...”

Khi thấy giữa đường cái ví có 30 triệu đồng đã “cà thọt cà nhắc” cả đêm tới trước cửa nhà khổ chủ...

TỪ THIỆN KIỂU TRẦN PHƯỚC NINH

Ninh cười phèo bọt miếng mỗi khi nghe ai nhắc đến chữ từ thiện.

Thôi bán vé số Đà thành, năm 2007, Ninh về quê mở quán “Gió lùa”. Thiệt đúng “gió lùa”: tất cả chỉ một mái tranh, phía trước gắn thêm bảng “Gió lùa” và bán cà-phê. Thế thôi. Khách toàn nông dân, văn nghệ sĩ. Có người đang ngồi, thấy mẹ Ninh - cụ bà còng lưng cao chưa tới 1 mét– bẻ từng cọng phên rách vách đun củi, mới vận động xây cho một căn nhà. Có người đang ngồi tự nhiên nói: "nóng quá", rồi mua máy quạt... Thành ra, “Gió lùa” đổi tên thành “Thi hữu quán”.

Trần Phước Ninh trao quà cho các em học sinh.

Nhưng vẫn không đủ sinh nhai. Nhiều tấm lòng dành cho Ninh: những anh Tuấn, cô giáo Thúy, bác sĩ Thảo...; những sinh viên Ninh quen khi bán vé số như Viễn, Hiệp, Hiếu... Ít người biết, cho anh đồng nào, anh cho lại người khác. Mỗi ngày, Ninh bỏ đồng binh 3 nghìn đồng, để cuối tháng có 90 nghìn, quá giang xuống Duy Thành (Duy Xuyên) trao cho một trường hợp khuyết tật như mình. Khắp Quảng Nam, nghe chuyện thương tâm, là Ninh “cà thọt cà nhắc” tới.

Cầm trên tay 1,5 triệu đồng, đầu năm, Ninh làm một chuyến lên xã Quế Ninh (Nông Sơn, Quảng Nam) trao cho hai anh em trai, đứa 3 tuổi, đứa 5 tuổi – hai đứa bị ung thư, mồ côi mẹ, sống với ông bà nội, cha vào Sài Gòn phụ hồ... Chuyến đó, mưa dữ dội, có người cho đi nhờ xe tới Đông Phú (Quế Xuân, Quế Sơn), Ninh bắt xe ôm đi tiếp, rồi lội bộ. Bước cà thọt đi đường bằng đã khó, không thể lội bùn, chân tay tê cứng, Ninh ngất xỉu. May thay, có người chạy ra bồng vô. Không tởn, lại lên tận làng Tĩnh Yên, xã Duy Thu (H. Duy Xuyên) để trao tiền cho phụ nữ góa chồng nuôi con: Lê Thị Vân (35 tuổi) bị tâm thần; Nguyễn Thị Năng (41 tuổi) bị ung thư gan, Huỳnh Thị Tám (44 tuổi) bị ung thư vú. Lần nào cũng cho chừng... 200 nghìn. Hồi trước, Ninh bắt xe ôm, xe buýt, quá giang. Chừ có người tình nguyện chở đi, nhưng đâu phải ai cũng rảnh, mà Ninh thì chỉ cần trong túi có chừng 200 nghìn là đòi đi...

Nhà thơ Trần Phước Ninh sinh ngày 1 tháng 5 năm 1972; là hội viên Hội thơ trẻ thành phố Hồ Chí Minh.
Đã xuất bản: Tạ lỗi cùng quê (tập thơ – nxb Văn Học – 2011), Tình thơ (nxb Văn Học – 2014)..

Một chiều, tôi ngồi “Thi hữu quán”, Ninh chạy ra khoe: “ày i án ược 100 ìn uôn” (ngày ni bán được 100 nghìn luôn), rủ tôi đi Duy Thu. Trước đó, trong đêm thơ Thu Xưa tổ chức tại quán, được nhạc sĩ Cao Tâm tặng 200 nghìn, cộng thêm tiền cà-phê trong ngày là 300 nghìn, Ninh tính trao cho bà Năng và bà Tám. Giữa đường Ninh chắp miệng nói ít quá, mới ghé vô nhà người quen, mượn thêm một trăm nghìn nữa để mỗi suất đủ 200 nghìn.

Vừa rồi, Ninh hỗ trợ 150 suất quà cho Trường mẫu giáo Duy Thu, Ninh tặng quà cho học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (Duy Nghĩa), hỗ trợ cho 3 hoàn cảnh khó khăn ở Phú Đa (Duy Thu)… Ninh tự gói quà, bắt xe ôm, tùm tơn bao tời lội vô từng trường, từng nhà. Đều đặn mỗi tháng Ninh làm một chuyến. Mới đây, Ninh còn dẫn cậu bé nghèo Nguyễn Văn Đàn (17 tuổi, ở xã Duy Thu) về nuôi, cho đi học nghề điện.

Có người nói quái, lo mình chưa xong lo người khác, từ thiện mà đi xe ôm, mỗi lần cho có 200 nghìn...Nhưng chưa một lần Ninh nói mình làm từ thiện. Và Ninh chỉ có bấy nhiêu, Ninh muốn cho, Ninh khát khao được “tạ lỗi cùng quê”.

Mai Thành Dũng