Báo Công An Đà Nẵng

Từ Tiểu Tràng An đến Lao Bảo

Thứ ba, 23/02/2021 16:35

Núi rừng Hướng Hóa - Khe Sanh.   LA THANH HIEN

Trước khi có những chuyến đi xuyên Đông Dương theo đường 9 sau chiến tranh, tôi đã nhiều lần đi từ Đông Hà đến biên giới Lao Bảo từ sau năm 1975, nơi mà trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 hay Chiến dịch Nam Lào, đây được gọi là “Con đường máu”. Mỗi lần đến đây là một lần tôi vừa kinh ngạc vừa hổ thẹn. Kinh ngạc vì đối diện với một vùng “địa đầu” ẩn chứa trong nó bao nhiêu sự kiện lịch sử dữ dội và hổ thẹn với một hiểu biết quá ít ỏi của chính mình.

Ở Quảng Trị, chỉ riêng con Đường 9 thôi, cũng là một kho chuyện mà ta chưa biết hết.

1. Con đường chúng tôi đi qua cho đến khi người Pháp xây dựng một nhà tù phía giáp giới với nước Lào hồi cuối thế kỷ XIX, đã dày đặc những sự kiện lịch sử. Nằm trên con đường số 9 là một làng Cam Lộ cổ xưa rộng lớn đến Tân Lâm ở phía Tây và Trúc Kinh, Gia Độ ở đằng Đông...

Nước giữa đàng vừa trong vừa mát,

Đất Cam Lộ nhỏ cát dễ đi...

Một nhà báo quê Quảng Trị cùng ngồi trong quán cà-phê ở Đông Hà nói với chúng tôi, Cam Lộ đã có từ thế kỷ thứ XI khi các tướng lĩnh phong kiến Việt Nam tiến quân vào phía Nam mở cõi lần đầu tiên. Anh ta rất hãnh diện về quê hương mình, anh từng cầm súng chiến đấu trong chiến tranh rồi đi học và về làm việc ở quê hương từ sau ngày tốt nghiệp đại học. Niềm hãnh diện ấy càng đáng trân trọng trong một buổi sáng  đẹp trời không tiếng súng.

 Cầu và sông Đakrông trên Đường 9.

Nhưng có một điều chắc chắn đã được cụ Dương Văn An ghi chép trong Ô châu cận lục vào năm 1555: Cam Lộ là một trong 27 làng của tổng An Lạc, châu Võ Xương đã có nhiều dân cư, vườn tược, chợ búa và cả bộ máy chính quyền với việc cai quản và đánh thuế đã đi vào nề nếp... Muộn hơn 200 năm sau, vào tháng 3 năm Bính Thân 1776, nhà bác học Lê Quý Đôn trong lúc giữ chức Tham Hiệp Trấn Quân Cơ trấn Thuận Hóa đi tuần du vùng tây Dinh Cát (Ái Tử) đã ghé Cam Lộ và từng ghi lại trong Phủ Biên Tạp Lục như sau: “ ...Thấy Cam Lộ là đường núi đi sang Ai Lao, sợ giặc trốn đi đường ấy, muốn sai hai cơ quan quân phô trương thanh thế, tiếp ứng với nhau ở xa mà đón ở phía tả, tôi liền đi từ chợ Sòng về phía tây qua các xã An Bình, An Xuân, Phú Ngạn, Cam Đường, Lâm Lang, Khang Mỹ sang sông đến Cam Lộ... đường cũng bằng phẳng, dân cư liền nhau... xã Cam Lộ, huyện Đăng Xương ở thượng lưu sông Hiếu Giang, phía đông thông với Cửa Việt, phía tây giáp với các làng bản người đất Ai Lao, đường sá của dân Man đều quy tụ vào đây, xa thì có nước Vạn Tượng, phủ Trấn Ninh, Châu Cung Hợp...”.

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Cầu Đakrông trên Đường 9.

2. Chợ phiên Cam Lộ là bằng chứng sinh động nhất trong lịch sử phát triển không chỉ của một địa phương, một thời điểm. Theo nhà nghiên cứu Lê Văn Trạch, trước khi Lê Quý Đôn đến đây, vào năm 1622 chúa Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Sãi) đã quyết định: “Vùng Sông Hiếu xã Cam Lộ thuộc huyện Đăng Xương giáp giới với đất Ai Lao, các bộ lạc Man, Lạc Hoàn, Vạn Tượng, Trấn Ninh, Quy Hợp đều có đường thông đến đấy, bèn sai đặt dinh, mộ dân chia làm 6 thuyền quân để coi giữ gọi là dinh Ai Lao”. Nửa thế kỷ sau, vào năm 1672, dinh Ai Lao đổi tên thành Trấn Sơn Phòng Cam Lộ để bảo vệ vùng biên giới phía tây. Đến thời nhà Nguyễn, năm 1828, vua Minh Mạng ra lệnh cho xây thành Vĩnh Ninh ở đầu làng Cam Lộ. Từ thời thuộc Pháp, đất này thuộc xứ An Nam cho đến nền đệ nhị cộng hòa ra đời ở miền Nam. Cả vua Bảo Đại và Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đều đã đến thị sát Cam Lộ, cho thấy đây là một vị trí chiến lược về cả kinh tế lẫn quân sự. Sau mùa hè 1972, Quảng Trị được giải phóng, thành Vĩnh Ninh (xây dựng năm 1828 dưới triều Minh Mạng) trên đất Cam Lộ trở thành thủ đô của Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, đã là nơi chính phủ cách mạng làm nơi đón tiếp nhiều nhà ngoại giao đến trình quốc thư và cả chủ tịch Fidel Castro của Cu Ba cũng đã đến thăm vào năm 1973...

Từ rất sớm với chính sách trọng thương, các chúa Nguyễn đã có một tầm nhìn chiến  lược về kinh tế, thương nghiệp và đã cho mở một loạt chợ như chợ Kênh, chợ Cạn, chợ Ngô Xá, chợ Sải, chợ Sòng, chợ Cầu, chợ Huyện, chợ Phiên... và cảng Cửa Việt được mở để đón tàu buôn Trung Hoa, Bồ Đào Nha và Nhật vào buôn bán ở phía bắc kinh đô Huế. Riêng chợ Phiên Cam Lộ, nằm ở vị trí đặc biệt ở phía Tây, như Lê Quý Đôn trong Phủ Biên Tạp Lục đã ghi lại rất chi tiết về địa thế và sự giao lưu buôn bán với hầu hết các bộ lạc: “... người buôn các xã thường mang mắm muối, cá khô, đồ sắt, nồi đồng, thoi bạc, hoa xuyến... đến đất người Man đổi lấy nếp gạo, gà trâu, gai, sáp, mây, dó, hồ tiêu... thuê voi chở về chợ Phiên Cam Lộ để bán”, nên có thể xem đây là một thị trường sầm uất về lâm đặc sản, nông sản và súc vật.

Tuyến buôn bán Cam Lộ - Cửa Việt đã có một thời tấp nập. Chợ Phiên Cam Lộ là một thị trường rất đa dạng, và được xem như ngày hội của dân trong vùng, ngoài các nơi xa đến bằng đò xe, cư dân trong vòng bán kính 7 - 10 cây số thường gánh gồng đi bộ. Dân địa phương hầu như nhà nào cũng đi, đôi lúc chỉ vài xấp lá, nải chuối, mụt măng. Luồng buôn bán mạnh mẽ hai miền xuôi ngược qua chợ Phiên đã tạo nên sự giao lưu văn hóa, tiếp nhận sớm những văn minh tiến bộ từ các phố thị, tạo nên sự đồng cảm giữa người Việt, các dân tộc thiểu số và cả các bộ lạc Lào. Sự phồn thịnh của chợ Phiên đã kéo theo những phát triển hài hòa các mặt khác, tạo cho Cam Lộ có một khuôn dáng rất đặc biệt so với các vùng quê Quảng Trị khác, bởi thế dân gian từ xưa vẫn coi Cam Lộ là tiểu Trường An là vì vậy.

Cửa khẩu Lao Bảo. 

3. Khi Paul Doumer dến nhậm chức Toàn quyền Đông Dương từ năm 1897, ông đã đi khắp 3 kỳ Việt Nam, Cao Miên và Lào. Ông ghi trong hồi ký Đông Dương của mình, đó là giai đoạn của “Đông Dương trỗi dậy” với những đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng. Riêng vùng đất Cam Lộ, Quảng Trị, ông từng viết: “Tỉnh Quảng Trị có một hệ thống kênh mương đủ kích cỡ được chăm sóc tốt nhờ lượng dân cư lớn... Có một thung lũng trải từ Cam Lộ đến Ai Lao và có thể tới được sông Mê Kông vốn nằm sâu trong nội địa...”, và một đề án đường sắt khắp Đông Dương, trong đó có tuyến nối từ Đà Nẵng đến Quảng Trị, qua Cam Lộ để đến Savannakhet bên bờ Mê Kông “nhờ vào hệ thống đường ngang” (ý nói đến Quốc lộ 9) làm tiền đề...

Như vậy, ta có thể thấy “tiểu Trường An” chợ phiên Cam Lộ, đến hệ thống quốc lộ xuyên Đông Dương và dự án đường sắt của Paul Doumer đề xuất hồi đầu thế kỷ XX, tất cả như những cột mốc cho một dự án lớn hơn là Hành Lang Kinh tế Đông-Tây được hình thành từ đầu thế kỷ XXI với việc đưa chiếc cầu Hữu Nghị nối Lào và Thái Lan vào hoạt động hồi năm 2006!

Xe qua Đường 9.

Trong chuỗi dài kết nối không gian và thời gian ấy, địa danh Cam Lộ đóng một vai trò kết nối hết sức quan trọng! Ngày nay, Cam Lộ gắn liền với đô thị Đông Hà, một trong hai thành phố của tỉnh Quảng Trị. Vai trò chợ phiên Cam Lộ không còn và thay vào đó là khu thương mại tự do Lao Bảo nhộn nhịp các cửa hàng, chợ, siêu thị gần biên giới ViệtLào. Du khách đi bằng đường bộ đến từ Thái Lan, Lào, Việt Nam bằng xe đò và các tour Caravan xuyên Á. Nhiều lần qua lại tuyến đường này và vào mua sắm tại Lao Bảo, chúng tôi nghĩ rằng nếu các nước trên Hành lang Kinh tế Đông Tây sớm cùng nhau tháo dỡ các rào cản về thủ tục hành chính, hải quan, giao thông vận tải và cả hạ tầng dịch vụ theo hướng chuẩn hóa để rút ngắn thời gian đi lại và sự phiền hà, chắc chắn không chỉ sẽ đánh thức lại một Tiểu Trường An xưa, mà còn hơn thế nữa... 

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG