Từ trang sách đến cuộc đời
(Cadn.com.vn) - Trang sách, cuộc đời, nhà văn (NXB Hội Nhà văn, 2014) của nhà văn Nguyễn Khắc Phê (NKP) vừa ra mắt bạn đọc. Nhà văn bảo đây cũng có thể gọi là những bài báo, hay tiểu luận nhỏ viết về các tác phẩm văn học xuất bản trong nước, đã in trên rất nhiều tờ báo suốt 10 năm (2003 - 2013). Trong lời đề tặng sách cho tôi, anh viết rất vui: "Kỷ niệm tròn 75 tuổi (4-1939 - 4-1914) đồng thời kỷ niệm…5 tháng ăn gạo lứt muối mè mà không chán, đành mời bạn "thưởng" đại tiệc gồm món- 75 bài viết trong cuốn sách này…".
Nhà văn NKP bây giờ hàng ngày ăn gạo lứt, muối mè, thế mà anh vẫn khỏe, vẫn viết đều đặn. Tôi cảm phục nhà văn viết báo giỏi nhất xứ Huế này. Tuổi U80 mà cứ cặm cụi đọc xong một tác phẩm văn học hay chính luận sáu bảy trăm trang, rồi ngồi viết bài báo hai ngàn chữ. Mà anh bao giờ cũng là người đọc đầu tiên, người cất tiếng nói bàn luận đầu tiên về cuốn sách đó. Mà không phải anh đọc chơi, đọc cho thỏa sự ham đọc sách, mà đọc rất chăm chú để viết bài, để tìm ra cái hay, cái đẹp, cái cần suy ngẫm, giới thiệu cho bạn đọc.
Cuối năm 2013 anh cũng tập hợp và được ấn hành cuốn Nhà văn và Thời cuộc (NXB Hội Nhà văn, 2013) gồm 75 bài văn chính luận đã in trên các báo. Viết báo mà thành sách là cách viết của người có chính kiến mạnh. Với Trang sách, cuộc đời, nhà văn, NKP đã đưa đến cho người đọc những chiêm nghiệm, cảm nhận và suy nghĩ sâu sắc về đổi mới và những vấn đề về hậu chiến hay chống tham nhũng.
Đọc "Ba phút sự thật" của Phùng Quán (NXB Văn Nghệ, 2006), NKP truyền đến người đọc nhận thức: "Riêng nhà văn Phùng Quán, theo thiển ý của tôi, suốt cả đời ông từ tác phẩm đầu tiên đến dòng chữ cuối cùng viết trên giường bệnh đều được xây dựng từ những nguyên mẫu có thực ngoài đời, đều đầy ắp những sự thật anh hùng, bi tráng và cả đau đớn của thời đại, của kiếp nhân sinh". Đó chính là sự hấp dẫn của văn thơ Phùng Quán, của Ba phút sự thật. Đọc "Chuyện lan man đầu thế kỷ" của Vũ Phương Nghi (NXB Lao động, 2006) nhà văn lên tiếng "Báo động về một thế giới vô nhân".
Đọc Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh (NXB Phụ nữ-2011), tác giả nhận ra đây không chỉ là chuyện "yếm thắm bỏ bùa", mà đây là "cuốn sách có sức nặng, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng", tác giả miêu tả những biến động của xã hội Việt Nam từ thời chống Pháp cho đến sau ngày đất nước thống nhất, đụng chạm đến rất nhiều vấn đề văn hóa xã hội, triết lý nhân sinh. Đọc tiểu thuyết Vùng sâu của Tô Nhuận Vỹ (NXB Hội nhà văn, 2012), NKP nhận ra trong xã hội Việt Nam thời hậu chiến Có một Vùng sâu không dễ dò đến. Đó là lòng người, đó là vấn đề "xấu", "tốt" trong chiến tranh. Bàn về việc viết về đề tài chiến tranh cách mạng, nhà văn cho rằng: "Đã đến lúc cần có một cách nhìn toàn diện, tôn trọng sự thật".
Khi đọc "Nhật ký Đặng Thùy Trâm", nhà văn cho rằng cuốn nhật ký sở dĩ hấp dẫn đông đảo người đọc-kể cả những người xưa kia là kẻ thù của chúng ta, cả những trí thức Việt kiều từng tỏ ra bất đồng chính kiến với chúng ta bởi vì đã miêu tả chân thực tâm trạng, thân phận con người trong chiến tranh, chứ không phải vì thành tích chiến đấu của anh hùng Đặng Thùy Trâm. Từ những phân tích đó, nhà văn cho rằng văn chương muốn hay, muốn có tác phẩm mang tầm thời đại thì phải viết 100 % thật, không xưng tụng một chiều. Như tiểu thuyết "Đất trắng" của nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, có lẽ là tác phẩm đầu tiên "dám" miêu tả một chính uỷ hèn nhát đào ngũ; hay như "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh đã thể hiện những mặt bi thảm của chiến tranh...
Trang sách, cuộc đời, nhà văn là một cuốn sách có chính kiến rõ ràng, lời văn nhã nhặn, có rào đón đôi chút, nhưng đã lẩy ra được vấn đề cần đọc, cần ngẫm ngợi trong mỗi cuốn sách, nên đây là cuốn sách bổ ích cho nhận thức của mỗi người trong thời đổi mới, hội nhập.
Ngô Minh