Báo Công An Đà Nẵng

Từ vụ Mỹ do thám Nhật

Thứ năm, 06/08/2015 10:06

(Cadn.com.vn) - Việc WikiLeaks tiết lộ thông tin cho thấy Mỹ do thám Nhật Bản - đồng minh Châu Á thân cận nhất - có thể gây nguy hiểm cho những cải cách an ninh của Thủ tướng Shinzo Abe.

Ngày 5-8, Thủ tướng Shinzo Abe điện đàm với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden về một cuộc điều tra liên quan tới những tài liệu mà trang mạng WikiLeaks mới công bố, trong đó cho thấy Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA)  do thám chính phủ và các Cty Nhật. Trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Abe đề nghị phía Mỹ có lời giải thích đồng thời tuyên bố nếu cáo buộc do thám này là đúng, nó sẽ làm tổn hại quan hệ giữa 2 đồng minh. Phó Tổng thống Biden đưa ra lời xin lỗi.

Do thám từ năm 2006

Theo tiết lộ của WikiLeaks, NSA do thám chính phủ Nhật và các doanh nghiệp ít nhất là vào năm 2006. "Mục tiêu Tokyo" mà WikiLeaks công bố là danh sách 35 mục tiêu ở Nhật và 5 báo cáo của NSA liên quan đến quan hệ Mỹ-Nhật, các cuộc đàm phán thương mại, và chiến lược khí hậu nhạy cảm.

"Danh sách mục tiêu bị nghe lén điện thoại bao gồm tổng đài của Văn phòng Nội các Nhật Bản; Thư ký điều hành cho Tổng thư ký nội các Yoshihide Suga; đường dây được mô tả là "đường dây Chính phủ VIP"; nhiều quan chức trong Ngân hàng Trung ương Nhật, bao gồm Thống đốc Haruhiko Kuroda; số điện thoại nhà của ít nhất một cán bộ Ngân hàng Trung ương; nhiều người trong Bộ Tài chính; Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Yoichi Miyazawa; Bộ phận Khí đốt tự nhiên của Mitsubishi; và Bộ phận Dầu khí Mitsui.

Đại sứ quán Mỹ ở Tokyo, Mitsui hay Mitsubishi vẫn chưa lên tiếng về vụ việc này. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng từ chối bình luận. Tại Nhật, khi được hỏi liệu Chính phủ Nhật Bản có tính đến việc đáp trả mạnh mẽ hành động thu thập thông tin mật này không, Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga lưu ý: "Chúng tôi đang áp dụng mọi biện pháp dự phòng khi xử lý các tài liệu mật, và tôi không cho rằng đó là một sự cố rò rỉ thông tin".

Tiết lộ của WikiLeaks gây ra những hậu quả lớn đối với Nhật.

Rắc rối từ chính Nhật Bản

Những thông tin bị tiết lộ lần này là thử thách đặc biệt đối với chính quyền Thủ tướng Abe, vì nó làm xói mòn niềm tin của người dân đối với chính phủ, sự tin tưởng vào Mỹ, và sự lạc quan về các khía cạnh phi an ninh trong mối quan hệ song phương.

Thứ nhất, mặc dù Nhật cam kết sẽ tiếp tục sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ thông tin, Tokyo phải chịu nhiều tổn thất bởi những tiết lộ của WikiLeaks vốn cho thấy sự bất lực của Nhật trước sự giám sát của Mỹ.

Thứ hai, thời điểm tiết lộ vụ việc đúng vào lúc trong nước đang xảy ra những tranh luận về tầm quan trọng của chiếc ô an ninh của Mỹ đối với luật an ninh của Nhật. Một trong những vấn đề chính trong các dự luật an ninh gây tranh cãi đang được tranh luận tại Thượng viện là quyền tự vệ là cần thiết của Washington đối với an ninh của Tokyo.

Việc diễn giải lại Điều 9 là tiền đề của các dự luật an ninh, bắt nguồn không chỉ từ mối đe dọa đang nổi lên của Trung Quốc, mà còn từ tầm quan trọng của việc giảm phụ thuộc vào Mỹ. Những người bất bình với việc dự luật an ninh của chính phủ Abe được Hạ viện thông qua có thể dễ dàng chuyển sang giận dữ với việc Mỹ thiếu tôn trọng Nhật và không xem Tokyo là một đồng minh chính trong khu vực Đông Nam Á.

Thứ ba, các tài liệu bị rò rỉ cho thấy sự nhạy cảm của giới tinh hoa Nhật và những quan ngại về mối quan hệ với Mỹ. Nếu giới tinh hoa Tokyo, những người thường xuyên tương tác với Washington, không có niềm tin vào việc khôi phục mối quan hệ, làm sao họ có thể mong đợi người dân Nhật tin tưởng vào Mỹ?         

Mỹ vẫn chưa đảm bảo, NSA sẽ không còn do thám Nhật trong tương lai, nhưng nếu Washington làm điều này thì những tiết lộ vừa qua của WikiLeaks cũng không đủ để ngăn chặn nhũng thiệt hại. Điều Nhật Bản cần làm lúc này là giảm thiểu những hậu quả gây ra do chính sách đối ngoại của một quốc gia khác.

An Bình
(Theo Diplomat)