Từ vườn rau sạch đến với người nghèo
(Cadn.com.vn) - Vận dụng những kiến thức chuyên môn vào thực tiễn, một nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm Đà Nẵng đã xây dựng “tiểu dự án” rau sạch để cung cấp cho cán bộ nhân viên nhà trường và bạn bè. Mỗi lứa thu hoạch, rau được bán hết ngay tại vườn. Số tiền thu được, các bạn dành một khoản nhỏ để tái đầu tư, còn lại dùng để tặng quà, hỗ trợ người nghèo.
Số tiền thu được từ bán rau sạch được Câu lạc bộ dùng để giúp đỡ người nghèo. |
Vừa thực hành, vừa kinh doanh phi lợi nhuận
Đưa chúng tôi tham quan vườn rau xanh mướt ngay trong khuôn viên nhà trường, em Trần Thị Thúy (sinh viên năm thứ 3, Khoa Công nghệ thực phẩm) vào vai một nông dân để giới thiệu tất cả các loại rau được trồng xen kẽ đều gần đến kỳ thu hoạch. Khu vườn có cải mầm, cải xanh, rau muống, mồng tơi, cần, ngò được trồng thành luống xanh mướt. Thúy cho biết, với mong muốn ứng dụng kiến thức được học từ sách vở vào thực tiễn, Câu lạc bộ Kỹ năng đã mạnh dạn xin lãnh đạo nhà trường mượn khu đất trống để trồng vườn rau thực nghiệm. Trong khi triển khai, các thành viên nảy ra ý tưởng tạo nguồn cung cấp rau sạch cho cán bộ, nhân viên và sinh viên nhà trường với 2 cam kết cơ bản là không dùng thuốc bảo vệ thực vật và sử dụng tiền thu về để thực hiện các hoạt động từ thiện xã hội. Ý tưởng này được Đoàn trường và Ban Giám hiệu ủng hộ. “Mỗi khi thu hoạch, thầy cô mua ngay tại vườn. Các bạn sinh viên trong ký túc xá cũng có thể đặt mua bất cứ lúc nào. Vừa rẻ, vừa an toàn, ai cũng vui vì vừa mua được rau sạch vừa góp phần giúp đỡ người nghèo”, Thúy chia sẻ.
Để cho ra một lứa rau, 14 sinh viên trong Câu lạc bộ lên lịch thay phiên nhau đảm nhận từng công đoạn, từ vỡ đất, lên luống, về quê thu gom phân bò cho đến chăm sóc, thu hoạch. Cô Nguyễn Thị Mai, một trong những giáo viên được phân công giúp đỡ các câu lạc bộ, đội nhóm sinh viên của trường cho biết: “Ngoài việc hỗ trợ về mặt bằng, trường còn giúp các em một hệ thống tưới tiêu tự động. Từ khi gieo hạt đến kỳ thu hoạch, tất cả các loại rau đều không dùng đến thuốc bảo vệ thực vật. Các em đã sử dụng nước tỏi ớt phun dự phòng các loại sâu bệnh”. Theo Phó Chủ nhiệm dự án Nguyễn Thị Thúy, không chỉ làm nhiệm vụ tiếp thị, tìm khách hàng mà các thành viên còn phải đi tìm người hưởng thụ từ lợi nhuận của dự án. Đó là người nghèo, những số phận kém may mắn trong cuộc sống. “Sau lứa thu hoạch vừa rồi, cả nhóm đã dành tiền để thăm hỏi, tặng quà hỗ trợ cho một cụ già bán kẹo kéo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cả nhóm rất phấn khởi vì vừa được thực nghiệm những kiến thức chuyên môn, rèn luyện các kỹ năng mềm, vừa có thể đóng góp hỗ trợ cho người nghèo”, Thúy chia sẻ.
Sinh viên Trường Cao đẳng Lương thực – Thực phẩm thu hoạch vườn rau hữu cơ. |
Kết nối và sẻ chia
Theo anh Nguyễn Sỹ Nho – Bí thư Đoàn trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm, từ khi hình thức học niên chế được thay thế bằng hình thức học tín chỉ thì hoạt động đoàn tại các trường Đại học, Cao đẳng gặp rất nhiều khó khăn. Xu hướng mới của sinh viên là chuyển qua sinh hoạt câu lạc bộ, đội nhóm dành cho những người có cùng sở thích, kỹ năng. Để gắn kết sinh viên, trường thành lập 4 câu lạc bộ với việc đẩy mạnh rèn luyện kỹ năng mềm, ứng dụng lý thuyết vào các dự án mang tính thực hành. “Trước khi dự án vườn rau hữu cơ ra đời, sinh viên của trường cũng đã trao tặng công trình thanh niên là một vườn rau quy mô cho Hội Nạn nhân chất độc da cam. Ngoài việc phục vụ bữa ăn hàng ngày, rau còn được bán để góp phần vào việc chăm sóc, giúp đỡ các cháu”, anh Nho cho biết.
Cô Đặng Thị Mộng Quyên – Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm kể, khi mới nghe ý tưởng, Ban Giám hiệu nhà trường thấy đây là việc làm rất có ý nghĩa nên động viên, giúp đỡ các em triển khai ngay. Với lợi thế về chuyên môn, sinh viên còn được tham gia cùng giảng viên nhà trường vào việc khảo sát, đánh giá dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau thông qua chương trình phối hợp giữa nhà trường và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản. “Bản thân tôi và các thầy cô thường xuyên mua rau của các em để sử dụng. Mình vừa tiếp sức, kích thích lòng say mê vừa góp phần cùng các em tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm trong cộng đồng. Quan trọng hơn nữa là với những kỹ năng được rèn luyện từ khi còn đi học, các em sẽ vững vàng hơn với công việc và trách nhiệm với cộng đồng khi ra đời”, cô Quyên tâm sự.
Bảo Nam