Báo Công An Đà Nẵng

Tục đốt vàng mã và nghịch lý trong quan niệm của người dân

Thứ hai, 05/03/2018 19:00

Xưa bày nay bắt chước?

Nhiều người khi được hỏi về các nghi lễ cúng trong gia đình đều rất mơ hồ, đa phần đều cho rằng việc lễ cúng xuất phát từ lòng thành của con cháu với ông bà, tổ tiên. Riêng việc cúng, đốt vàng mã, đồ mã với tâm niệm "trần sao, âm vậy" và cứ theo lệ xưa mà theo. Tuy nhiên, nhiều người gần như không biết phải cúng, đốt vàng mã như thế nào cho phù hợp mà chỉ nghe theo sự hướng dẫn của... người bán hàng mã.

Một góc khu bày bán hàng mã, đồ thờ cúng tại chợ Hàn (Đà Nẵng).

Chị Văn Thị Tr., một phật tử cho biết, trong nhà chị mỗi khi có giỗ, kỵ dù cúng chay hay cúng mặn đều có đốt vàng mã. Theo chị Tr. cúng vàng mã, gạo muối, đồ mã không chỉ cho người thân đã khuất của mình mà còn cúng cho những vong linh khác... Còn anh Hà Đức T., chủ một tiệm tạp hóa cho hay, hằng tháng gia đình anh cúng ít nhất 2 lần vào các tối 14 và 30 AL, lễ cúng bao giờ cũng có gạo muối, vàng mã. Do đặc thù của dân buôn bán nên anh T. rất tin vào chuyện cúng, đốt vàng mã để cầu mua may, bán đắt nên việc cúng giỗ cho người thân đã khuất trong gia đình cũng được anh cúng rất nhiều vàng mã, đồ mã. Anh T. bộc bạch: "Việc cúng, đốt vàng mã, đồ mã cho ông bà nơi "chín suối" đã là một phần không thể bỏ trong nghi lễ cúng giỗ. Dẫu biết, đốt nhiều vàng mã, đồ mã cũng tốn kém nhưng nếu không cúng hoặc cúng ít, mình thấy không an...". Tuy vậy, anh T. cũng nhìn nhận những năm gần đây, vàng mã, đồ mã thường được bán theo kiểu trọn gói với số lượng nhiều hơn, to hơn và dĩ nhiên giá tiền cũng đắt hơn.

Người cúng thì tin việc cúng, đốt vàng mã, đồ mã phải đủ lễ để thể hiện lòng thành với ông bà, tổ tiên vì đó "truyền thống... xưa bày, nay bắt chước". Vậy còn người bán liệu có hiểu hết về tục cúng, đốt vàng mã? Theo cô Năm, người bán đồ cúng tại chợ Phước Mỹ (Q. Sơn Trà, Đà Nẵng), tuy không am hiểu về ý nghĩa của tục cúng, đốt vàng mã nhưng do buôn bán thành quen nên từng lễ cúng sẽ có các bộ vàng mã khác nhau. "Bán áo giấy cúng bây giờ đều có sẵn theo từng gói, từng lễ cúng, người mua chỉ việc nói cúng lễ gì là cô sắp sẵn bán thôi, không ai thắc mắc gì...".

Thế nhưng, theo Đại đức Thích Thông Đạo- Trú trì chùa Bà Đa (Đà Nẵng), xét về mặt logic thì quan niệm của đại bộ phận người dân về việc cúng, đốt vàng mã, đồ mã đã có sự mâu thuẫn. Giải thích về nhận định trên, thầy Thích Thông Đạo phân tích: "Con cháu chúng ta luôn cầu nguyện cho vong linh ông bà được siêu thoát về nơi cực lạc, thế nhưng việc cúng, đốt vàng mã, đồ mã cho người đã khuất chẳng khác nào con cháu cứ giữ ông bà ở cõi âm. Bởi, việc cúng, đốt vàng mã, đồ mã đều được hiểu là đốt xuống âm phủ cho người cõi âm...".

Đà Nẵng sẽ loại được tục đốt vàng mã

Không phải bây giờ dư luận mới "nóng" lên về tình trạng lạm phát trong việc cúng, đốt đồ mã, hàng mã tại những nơi thờ tự và trong gia đình mà đã từng được phản ánh nhiều. Trong quy định của pháp luật cũng có những chế tài rất rõ ràng đối với hành vi đốt vàng mã, tuyên truyền mê tín dị đoan để tiêu thụ hàng mã. Theo Nghị định 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ, các hành vi đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hoá, nơi công cộng khác hoặc tuyên truyền mê tín dị đoan để tiêu thụ hàng mã sẽ bị xử phạt từ 500.000 nghìn đồng đến 1 triệu đồng.

Riêng đối với TP Đà Nẵng, từ năm 2016, khi thực hiện Năm văn hóa, văn minh đô thị, các cấp chính quyền và đoàn thể đã đẩy mạnh việc tuyên truyền vận động người dân không rải vàng mã, đồ thờ cúng ra đường, khi đưa tang. Nhờ vậy, các hoạt động tín ngưỡng của người dân trên địa bàn TP đã phần nào được thực hiện văn minh hơn, tuy nhiên tình trạng đốt vàng mã vẫn còn diễn ra tràn lan. Để tiếp tục xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố văn minh, hiện đại, năm 2018, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã ban hành Sổ tay văn hóa "Người Đà Nẵng thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị", trong đó tiếp tục xây dựng nếp sống văn hóa giao tiếp, ứng xử nơi công cộng và trong gia đình, cộng đồng dân cư.

Nói về việc thực hiện chủ trương xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị trong cộng đồng phật tử trên địa bàn TP Đà Nẵng, Đại đức Thích Thông Đạo cho hay, khi TP có chủ trương trên, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP Đà Nẵng đã phổ biến cho toàn thể chư tăng, ni hướng dẫn phật tử thực hiện theo. "Đặc biệt, từ đầu năm 2018, khi Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Công văn số 31 về việc loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục... Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP Đà Nẵng sẽ mạnh dạn hơn khi triển khai thực hiện tinh thần Công văn 31 gắn với thực hiện chủ trương xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị của TP Nẵng", Đại đức Thích Thông Đạo nói.

Đại đức Thích Thông Đạo tin tưởng, khi giáo hội Phật giáo đã có định hướng loại trừ tục đốt vàng mã, cộng với sự tuyên truyền, hưởng ứng tích cực của các gia đình phật tử và sự phối kết hợp giữa chính quyền, mặt trận và các đoàn thể của địa phương thì TP Đà Nẵng sẽ loại bỏ được tục đốt vàng mã gây tốn kém và lãng phí.            

QUANG PHÚC