Tục hỏi chồng của người Ê Đê
(Cadn.com.vn) - Chúng tôi có dịp đến buôn Hồ (xã Ea Drơng, H. Cư Mgar, tỉnh Đắc Lắc) tìm hiểu về tục hỏi chồng của đồng bào Ê Đê. Đây là nét văn hóa độc đáo của xứ sở đại ngàn Tây Nguyên. Bước vào tuổi cập kê, cô gái Ê Đê không chỉ chủ động đi tìm, lựa chọn “một nửa” cho mình mà còn phải đối diện với lời thách cưới của nhà trai.
Để lấy được người chồng mà mình “ưng cái bụng”, thiếu nữ Ê Đê phải trải qua 4 bước: lễ hỏi chồng (Nao hul), lễ thỏa thuận (Knăm), lễ rước rể (Tuhan) và lễ lại mặt (Siê Knăm). Giải thích về vấn đề này, Già làng Aê Thép bảo: “Khi đã thầm thương một người con trai nào đó mà muốn lấy làm chồng thì cô gái Ê Đê sẽ phải nhờ đến sự giúp đỡ của ông mai. Người được chọn làm ông mai là em trai của mẹ hoặc người lớn tuổi trong dòng họ nhà gái có uy tín, khỏe mạnh, am hiểu luật tục, ăn nói lưu loát”.
Sau khi chọn được ông mai, gia đình nhà gái sẽ chuẩn bị một ché rượu và một chiếc vòng đồng để ông mai mang đến nhà trai làm lễ hỏi chồng. Đặc biệt, trong lễ này, người con gái không được phép đi cùng ông mai và đại diện nhà gái. Sau khi người đại diện của hai bên gia đình nói chuyện, chàng trai sẽ cầm chiếc vòng đồng nếu nhận lời ngỏ của gia đình nhà gái. Đây cũng chính là lời hôn ước để cô gái Ê Đê tiếp tục cuộc hành trình chinh phục người chồng tương lai của mình.
Khi lễ hỏi chồng thành công, đại diện nhà gái sẽ dẫn cháu gái của mình đến nhà trai thỏa thuận về tục “gửi dâu”. Tùy thuộc vào hoàn cảnh gia đình của nhà gái, phía nhà trai sẽ thách cưới buộc nhà gái phải đáp ứng đủ những lễ vật theo yêu cầu. Ông Aê Thép tiếp lời: “Tùy thuộc vào hoàn cảnh gia đình nhà gái, mà nhà trai sẽ đưa ra yêu cầu hợp lý. Nếu gia đình nhà gái giàu có, nhà trai sẽ thách cưới rất cao từ 1 đến 3 con bò, bát đồng, chăn đắp hoặc 2-3 chỉ vàng ta… để tỏ lòng biết ơn đối với công sức nuôi dưỡng, chăm sóc của ba mẹ chàng trai đối với người chồng tương lai của cô gái”.
Lễ rước rể của cô gái Ê Đê. |
Sau khi hai bên gia đình thỏa thuận, cô gái sẽ trao chiếc vòng đồng cho chàng trai và coi đó là lời cam kết thủy chung, hạnh phúc bền lâu. Thế nhưng, nếu gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có đủ điều kiện để đáp ứng những lễ vật thách cưới thì cô gái Ê Đê phải ở lại nhà trai giã gạo, múc nước, bẻ củi 3 năm mới được rước chồng về nhà. “Cho đến khi lễ rước rể diễn ra thì chàng trai không được phép bước chân đến nhà gái để giữ gìn giây phút thiêng liêng. Đối với những cô gái chưa đủ 18 tuổi thì không được đi hỏi chồng, dù có hỏi cũng không được phép làm lễ cưới”-ông Aê Thép nói.
Sau thời gian gửi dâu, nếu người con trai đổi ý, không muốn lấy người đã “cầu hôn” mình thì phía nhà trai sẽ mời nhà gái đến nói lời từ chối. Ngược lại, nếu nhà trai chấp thuận cô gái thì sẽ đồng ý cho nhà gái tiến hành lễ rước rể. Trong ngày rước rể, nhà trai sẽ chuẩn bị một ché rượu và một con heo để tiễn con trai của mình. Để rước chàng rể mà con gái mình yêu thương, trong ngày lễ rước rể, nhà gái phải mang sang tất cả lễ vật mà gia đình nhà trai đã yêu cầu trong lễ “gửi dâu”. Bên cạnh đó, nhà gái còn phải mang một ché rượu cần, gói xôi, con gà trống đến nhà trai. Xong xuôi, đoàn rước rể sẽ về nhà gái. Trong ngày cưới, hai bên phải cử ra những người có uy tín, nói chuyện lưu loát để cam kết với nhau. Đồng thời, cô dâu, chú rể phải mặc đồng phục truyền thống, trai mặc khố, gái mặc yên. Trên đường rước rể về, mọi người vừa đi vừa hát, thanh niên trai gái té nước vào người chú rể để chúc phúc cho đôi uyên ương. Đặc biệt, có nhiều trường hợp nhà trai yêu cầu phải rước rể đi qua một con đường hoặc qua một con suối để thử thách sự nhẫn nại, vượt khó, khổ của cô dâu.
Khi đoàn rước rể đến cửa nhà gái, người của nhà trai sẽ tỏ vẻ nuối tiếc, cản đoàn rước rể lại, gửi gắm chàng rể cho cô dâu. Lúc này, nhà gái phải qua cho quà là chiếc vòng đồng hoặc gùi, ché để thuyết phục nhà trai tiếp tục cho rước rể. Sau khi hoàn tất nghi thức, hai bên gia đình sẽ tổ chức ăn uống, múa hát. Nếu trước đây, gia đình nhà trai được uống rượu cần trước mới đến nhà gái thì bây giờ người lớn tuổi, có uy tín trong buôn, trong hai bên gia đình sẽ được mời uống rượu trước. Sau khi cưới, người chồng sẽ phải ở tại nhà vợ, đi làm rẫy, lo kinh tế cho vợ và gia đình.
Ông Aê Duyn, Già làng buôn Hồ chia sẻ: “Tục hỏi chồng ngày càng đổi khác. Nếu trước đây, nhà trai thách cưới lễ vật là bò, trâu thì bây giờ người ta thay thế bằng tiền, tương đương với giá bò hiện nay. Đồng thời, nhiều trường hợp cô gái Ê Đê không có điều kiện kinh tế thì cũng không phải bẻ củi, gánh nước, giã gạo cho nhà trai 3 năm nữa. Sau khi rước chồng về, vợ chồng cùng làm lụng, chừng nào có tiền thì sẽ đưa những lễ vật thách cưới cho nhà trai”.
Nguyên Trịnh