Báo Công An Đà Nẵng

Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên 9-1 (1950-2025):

Tuổi trẻ Việt Nam tự hào, vững bước viết tiếp trang sử hào hùng

Thứ năm, 09/01/2025 09:20
Bốn học sinh của đội tuyển Việt Nam đoạt huy chương (3 HCV, 1 HCB) tại cuộc thi Olympic Sinh học Quốc tế (IBO) năm 2024.

Tự hào những trang sử vàng

Đầu thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, các tổ chức HS-SV yêu nước đã lần lượt ra đời như: Học sinh Đoàn, Sinh hội đỏ, Tổng hội Sinh viên… Qua đó, tập hợp, đoàn kết, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, tổ chức và lãnh đạo phong trào đấu tranh của HS-SV, góp phần làm nên Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, dưới sự tổ chức, động viên của Tổng hội Sinh viên, HS-SV hăng hái học tập, rèn luyện và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, xung kích thực hiện 3 nhiệm vụ lớn: Diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm do Bác và Chính phủ đề ra. Từ năm 1947 - 1949, ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội đã thành lập Hội Học sinh kháng chiến, Đoàn Sinh viên kháng chiến, sau đó phát triển ra nhiều trường ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Số lượng HS-SV được kết nạp vào Đoàn và Đảng khá đông. Hoạt động của HS-SV kháng chiến ngày càng phong phú và đa dạng hơn. Cuộc đấu tranh của HS đã lan ra cả khu vực Đông Dương.

Ngày 9-1-1950, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn đã vận động, tổ chức cho hơn 2.000 HS-SV cùng nhiều giáo viên, 7.000 nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn biểu tình đòi đảm bảo an ninh cho HS-SV học tập, trả tự do cho những người bị bắt, mở lại trường học. Đoàn biểu tình đã bị đàn áp dã man. Cuộc đàn áp đẫm máu ngày 9-1-1950 và tinh thần chiến đấu hy sinh oanh liệt của anh Trần Văn Ơn đã hun đúc trong HS-SV và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn lòng căm thù giặc, ý chí đấu tranh kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai.

Noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn, HS-SV những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2-1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9-1 hàng năm làm Ngày truyền thống HS-SV. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V tháng 11-1993, tại Thủ đô Hà Nội đã quyết định đồng thời lấy ngày 9-1 làm Ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam.

Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954), Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên tiếp tục động viên HS-SV xung phong Tây tiến, giảng dạy, xây dựng, sửa chữa giao thông, thủy lợi, phát triển kinh tế, tham gia phong trào “3 sẵn sàng”, “5 xung phong”, “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”, “hát cho dân tôi nghe”, “dậy mà đi”… Qua đó, góp phần quan trọng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

75 năm qua, lớp lớp thế hệ HS-SV Việt Nam luôn phát huy sức mạnh, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước, không ngừng nỗ lực phấn đấu, phát huy vai trò xung kích trong học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sinh viên Đà Nẵng chung tay nói không với rác thải nhựa.

Nhân tố tiên phong tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Từ thực tiễn phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương sống đẹp, đạt thành tích xuất sắc trong học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học. Nhiều người vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, góp phần hình thành một lớp HS-SV Việt Nam trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với lòng yêu nước nồng nàn, có bản lĩnh, tri thức, sức khỏe, khát vọng vươn lên, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, chủ động và tự tin trong hội nhập quốc tế… Những thành tích xuất sắc trong các kỳ thi học thuật quốc gia, quốc tế; công trình, giải thưởng nghiên cứu khoa học; huy chương trên các đấu trường thể thao… là những “quả ngọt” của sự bền bỉ, kiên trì, say mê trong học tập, rèn luyện của HS-SV Việt Nam.

Tại lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống HS-SV và Hội Sinh viên Việt Nam mới đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định, HS-SV luôn là lực lượng ưu tú của thanh niên Việt Nam với tinh thần xung kích cách mạng, sẵn sàng dấn thân, đảm nhiệm những công việc đòi hỏi hy sinh, gian khổ và tư duy sáng tạo, xứng đáng với kỳ vọng, niềm tin yêu của Đảng, Bác Hồ và nhân dân.

Các phong trào “Học sinh 3 rèn luyện”, “Học sinh 3 tốt”, “Sinh viên 5 tốt” đều là những sáng kiến thiết thực nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng lớp học sinh, sinh viên thời kỳ mới có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức, sức khỏe, tri thức, lối sống văn minh, có ước mơ, hoài bão lớn. Đồng thời, cổ vũ tinh thần tích cực học tập, xung kích, tình nguyện, sáng tạo và hội nhập, làm chủ khoa học - công nghệ tiên tiến, vươn lên ngang tầm thời đại.

Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, HS-SV là lực lượng kế thừa, nhân tố tiên phong, đóng vai trò then chốt thực hiện khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Họ mang trên mình những kỳ vọng to lớn về một tương lai rạng rỡ của đất nước. Yêu cầu, nhiệm vụ đối với thanh niên, nhất là thế hệ tri thức trẻ trong giai đoạn cách mạng mới rất vẻ vang, đòi hỏi họ khẳng định rõ vai trò, ý thức rõ về trách nhiệm, nhiệm vụ của mình trong mọi hoạt động. Họ phải là lực lượng đi đầu trong học tập, rèn luyện; không ngừng phấn đấu vươn lên làm chủ khoa học, công nghệ; bền lòng, quyết tâm, nói ít làm nhiều, năng động, quyết đoán, nắm bắt và tranh thủ mọi thời cơ, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.

Tại Đại hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024 – 2029 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định niềm tin rất lớn của Đảng, Nhà nước vào thế hệ trẻ, trong đó có HS-SV: “Đất nước có vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình hay không, đến năm 2045 có sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc hay không, phụ thuộc rất lớn vào đóng góp của lực lượng thanh niên - thế hệ tương lai của đất nước, những người kế bước cha anh gánh vác nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Minh Huệ (tổng hợp)