Báo Công An Đà Nẵng

Tượng đài trong lòng dân

Thứ ba, 24/03/2015 10:25

(Cadn.com.vn) - Tối nay (24-3), UBND tỉnh Quảng Nam sẽ long trọng tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng tỉnh (24-3-1975 - 24-3-2015), 85 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam (28-3-1930 - 28-3-2015) và khánh thành Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng tại Núi Cấm (xã Tam Phú, TP Tam Kỳ). Đây là sự kiện chính trị, văn hóa nổi bật của chính quyền và nhân dân Quảng Nam.

Một tiết mục văn nghệ trong buổi tổng duyệt lễ kỷ niệm.

Công trình thiêng liêng

Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, dân tộc ta có hàng triệu người đã ngã xuống. Trong sự hy sinh lớn lao ấy, có công ơn lớn lao của gần 50.000 Bà mẹ VNAH. Trong đó tiêu biểu là mẹ Nguyễn Thị Thứ (Điện Bàn, Quảng Nam) với 9 người con ruột, một cháu ngoại, một con rể đã cầm súng chiến đấu hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc. Những bà Mẹ VNAH chính là hình ảnh tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam mang phẩm chất cao đẹp xứng đáng với 8 chữ vàng mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi tặng trong dịp Đại hội liên hiệp phụ nữ lần thứ nhất tháng 4-1950: "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang".

Từ ý nghĩa sâu xa và lớn lao đó, được sự nhất trí cao của T.Ư, của các ngành, các cấp, tỉnh Quảng Nam quyết định xây dựng tượng đài Mẹ VNAH lấy nguyên mẫu Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ làm biểu tượng. Tượng Mẹ VNAH cao 18,37m, rộng 84,7m, đường cong 117m, bề dày khối tượng nơi lớn nhất là 24,3m, nơi mỏng nhất ở 2 đầu vách đá là 8m, với chất liệu bằng đá sa thạch. Bên trong khối tượng là nhà tưởng niệm Mẹ VNAH ghi danh gần 50.000 bà Mẹ VNAH, giới thiệu hình ảnh, cuộc đời và sự cống hiến của các Bà mẹ VNAH đối với đất nước. Vị trí cửa ra vào chính ở 2 đầu vách đá, mặt sau lưng tượng có 2 cửa ra vào phụ.

Hằng ngày rất đông người dân đến tham quan công trình Tượng đài Mẹ VNAH.

"Khối tượng đài chính gắn kết với một hồ nước lớn rộng 981m2, hình bán nguyệt. Toàn khối tượng đài có hình dáng của một ngọn núi nhô cao ở giữa và thoải dần hai bên. Ở chính giữa toàn khối tượng đài là chân dung bán thân Mẹ VNAH lấy nguyên mẫu Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ, thể hiện một chiều sâu nội tâm: Mẹ nén lại những đau thương, mất mát lớn lao của người mẹ, khi những người con đã hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc, bằng một nghị lực phi thường. Chân dung mẹ thể hiện vẻ đẹp của sự nhân hậu, bao dung độ lượng. Với nét bình thản, ung dung tự tại, Mẹ vẫn như đang động viên và tiếp thêm nguồn sống mạnh mẽ cho các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam vững chắc, giàu mạnh.

Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa tượng đài chính với hồ nước lớn, tạo nên một hình ảnh hòa quyện của sơn-thủy. Những làn nước trong vắt chảy lặng lẽ từ các vách đá xung quanh thân Mẹ xuống các tầng hồ thể hiện sự hiến dâng âm thầm của mẹ hiền đối với các con, đối với Tổ quốc. Tình cảm đó như bát nước đầy không bao giờ vơi cạn"- họa sỹ Đinh Gia Thắng, tác giả tượng đài nhấn mạnh. Ngoài ra, hệ thống không gian công viên tượng đài được tổ chức theo hình thức không gian nghi lễ truyền thống: quảng trường - cổng - đường dẫn chính - sân hành lễ - đài và hậu đài. Hai bên là các vườn, đường dẫn chính có các bậc cấp cao dần từ cổng đến đài...

Người dân khắp nơi đổ về chiêm ngưỡng Tượng đài Mẹ VNAH.

Điểm đến mới

Buổi lễ kỷ niệm sẽ diễn ra tại Tượng đài Mẹ VNAH-công trình vừa mới hoàn thành sau hơn 6 năm thi công. Tuy hôm nay buổi lễ mới chính thức bắt đầu, nhưng từ nhiều ngày qua, đặc biệt là tối 22-3, hàng nghìn người dân trong và ngoài tỉnh tập trung về xem buổi tổng duyệt, chiêm ngưỡng vẻ đẹp uy nghi, hùng tráng của công trình Tượng đài. Chị Trương Thị Hà, người dân sống gần khu vực Tượng đài cho biết: "Không chỉ tối hôm nay mà những ngày qua, người dân khắp nơi đổ về xem tượng Mẹ. Ai cũng trầm trồ, khen ngợi công trình". Có mặt trong buổi xem lễ tổng duyệt, cụ Huỳnh Thị Đây (70 tuổi, xã Tam Ngọc, TP Tam Kỳ) tâm sự: "Hôm nay tôi tranh thủ đi chứ đến hôm khánh thành sợ người đông quá không chen được. Đây không chỉ là điểm đến của người dân cả nước mà nó còn gắn liền với mảnh đất, con người nơi đây, là niềm tự hào của người dân Quảng Nam. Công trình sẽ trường tồn mãi mãi đến nhiều đời sau"...

Tượng đài Mẹ VNAH là một công trình mang tầm vóc quốc gia, mang tính lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và ý nghĩa chính trị rất quan trọng. Tỉnh Quảng Nam xứng đáng là nơi đặt tượng đài Mẹ VNAH, đây là tỉnh có nhiều bà Mẹ VNAH nhất cả nước (gần 7.000 người). Là nơi có Mẹ Nguyễn Thị Thứ, Quảng Nam cũng là tỉnh có vị trí địa lý trung độ của cả nước, rất phù hợp là nơi dừng chân, tưởng nhớ của người dân cả nước khi đến với mảnh đất miền Trung này...

Trần Tân