Báo Công An Đà Nẵng

Tuồng Huế trước nguy cơ mai một

Thứ ba, 03/07/2018 11:37

Từng được xem là "quốc kịch" nhưng cùng với xu thế phát triển của nhiều loại hình nghệ thuật đương đại, tuồng Huế đã và đang dần mai một khi nhiều khán giả không mặn mà, người trẻ "quay lưng" với tuồng…

Khách du lịch xem diễn tuồng Huế tại nhà hát Duyệt Thị Đường (Hoàng Cung Huế).

Người học "quay lưng" với tuồng

Theo các nghệ sĩ lớn tuổi, tuồng Huế dưới thời các vua nhà Nguyễn được xem là giai đoạn hưng thịnh nhất. Thời vua Tự Đức, ông đã cho tổ chức sáng tác tuồng và tập hợp được nhiều tác giả nổi tiếng trong nước, điển hình là cụ Đào Tấn. Hàng trăm vở tuồng đã được sáng tác và rất nhiều đào, kép giỏi đã được điều về kinh đô để tham gia diễn xướng... Đến thời vua Đồng Khánh, ông mê tuồng đến nỗi đã dùng tên các nhân vật trong những vở tuồng để đặt tên cho các cung nữ. Vua Thành Thái thì mê tuồng và lên sân khấu diễn luôn. Thời vua Khải Định, ông đã dựng một không gian diễn tuồng tại Cung An Định (bên sông An Cựu). Không chỉ bó hẹp trong không gian cung đình, nghệ thuật diễn tuồng đã được lan rộng và phát triển mạnh ở ngoài dân gian. Nhiều người đã tự đứng ra lập gánh hát, được sự đam mê và hỗ trợ của công chúng nên không ngừng phát triển. Trước năm 1945, hơn 50 rạp hát khắp Đông Dương bấy giờ vang dội tiếng hát, tiếng trống của sân khấu tuồng Huế.

Thế nhưng hơn chục năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của nhiều loại hình nghệ thuật đương đại, tuồng Huế đang vắng dần khán giả. Trong khi các nghệ sĩ "gạo cội" trình diễn tuồng ngày một lớn tuổi, thì việc tìm người trẻ kế cận là vấn đề nan giải. Mỗi năm, cán bộ Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật (VHNT) tỉnh TT-Huế phải đi về tận các vùng quê của Huế, Quảng Bình, Quảng Trị để thông báo, tuyên truyền và tổ chức sơ tuyển các học sinh có năng khiếu với các ngành nghệ thuật truyền thống. Em Nguyễn Quỳnh Chi ở TP Đồng Hới, Quảng Bình chia sẻ: "Bà nội em trước đây đi hát tuồng nên từ nhỏ cũng rất đam mê loại hình nghệ thuật này. Em dự định sang năm học hết lớp 9 sẽ theo học ngành tuồng tại Trường Trung cấp VHNT TT-Huế. Nhưng qua tìm hiểu, em biết được, những năm gần đây không có ai theo học ngành này, khán giả cũng không mấy mặn mà với tuồng nên cũng đang chần chừ chưa biết thế nào".

Tốt nghiệp lớp diễn viên sân khấu tuồng 8 năm ở Trường Trung cấp VHNT TT-Huế, chị Bùi Thị Dịu được giữ lại trường giảng dạy tuồng. Nhưng, từ ấy đến nay, chị chưa được dạy một tiết học nào về tuồng vì không có học trò. Sau khóa học của Dịu, nhà trường đã không mở được lớp tuồng nào nữa. Chị Dịu trăn trở: "Học ròng rã 7 năm trời mà không được dạy tuồng, thời gian đầu tôi rất buồn. Nhiều năm đi tuyển sinh, tôi ước gì có vài em đăng ký để dạy nhưng rồi cứ năm này qua năm khác, chỉ là sự chờ đợi mỏi mòn. Nhiều khi nhớ nghề quá lại chạy sang Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế xem các bạn diễn cho đỡ nhớ". Một số giáo viên dạy tuồng tại Trường Trung cấp VHNT TT-Huế luôn trăn trở vì không được truyền nghề cho người trẻ vì không tuyển được học sinh. Chính vì không có đội ngũ trẻ kế cận nên việc lo lắng về bảo tồn và phát huy giá trị của tuồng Huế về lâu dài là điều trăn trở của ngành văn hóa hiện nay.

Số hóa để bảo tồn

Mới đây, khi hay tin Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ Huế) bắt tay vào thực hiện đề tài cấp tỉnh số hóa tuồng Huế, rất nhiều văn nghệ sĩ Huế vui mừng vì đây là cơ hội để bảo tồn lâu dài và bài bản loại hình nghệ thuật nổi tiếng của vùng đất cố đô. Ông Nguyễn Thế, thành viên của Hội Văn nghệ dân gian tỉnh TT-Huế bày tỏ: "Những gì liên quan đến tuồng Huế mà nơi khác còn giữ được thì chúng ta phải nghiên cứu và tiếp thu lại. Hiện nay, chúng ta chưa có điều kiện phục hồi những vở tuồng cổ nổi tiếng một thời trên đất Huế thì cần phải lưu tâm đến việc sưu tập, phiên âm những bản tuồng Nôm cổ đang lưu lạc khắp trong và ngoài nước. Qua đó, tiếp tục nghiên cứu, chọn lọc và phát huy để bộ môn nghệ thuật truyền thống nổi tiếng của Kinh đô Huế đến với khán giả".

Những năm gần đây đã có nhiều công trình nghiên cứu về tuồng Huế nhưng tất cả đang lưu trữ một cách rời rạc. Trong điều kiện số lượng nghệ nhân tuồng Huế ngày càng giảm theo thời gian, yêu cầu về một cơ sở dữ liệu cho loại hình nghệ thuật này là vô cùng cần thiết. Theo đó, công trình xây dựng cơ sở dữ liệu tuồng Huế có nhiệm vụ lưu trữ và hệ thống lại toàn bộ những nguồn tài liệu hiện có, đồng thời, tiếp tục nghiên cứu bổ sung những "khoảng trống" còn thiếu. Bà Lê Mai Phương, Trưởng phòng Nghiên cứu nghệ thuật- Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế cho rằng, hiện kịch bản cổ của tuồng Huế đang được lưu trữ rải rác khắp cả nước, ở các bảo tàng cũng như các gia đình. Biết vậy nhưng chúng tôi cũng chưa có điều kiện đi hết các vùng miền để sưu tập. Đề tài được thực hiện trong vòng 2 năm nên áp lực không nhỏ, bởi chỉ riêng việc thu thập tài liệu, dịch thuật cũng đã chiếm thời gian nhiều rồi. Chúng tôi mong sẽ nhận được sự hợp tác của những đơn vị, nghệ nhân đang nắm giữ, bảo quản những nguồn tư liệu quý giá của tuồng Huế.

H.LAN