Tương lai nào cho ADIZ và Trung Quốc?
(Cadn.com.vn) - Vùng Xác định Phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông do Trung Quốc lập ra vẫn còn mơ hồ dù nó ra đời được 1 năm.
Đã 1 năm trôi qua kể từ khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố ADIZ trên vùng rộng lớn ở biển Hoa Đông, gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ bởi quyết định của Bắc Kinh được đưa ra tại thời điểm Nhật - Trung gia tăng căng thẳng do tranh chấp quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Một năm! Tranh chấp gay gắt vẫn kéo dài và có chiều hướng gia tăng hơn, với khả năng bùng nổ cao ở cả hai bên.
Lúc đó, giới phân tích không thể hiểu vì sao Bắc Kinh lại chọn đúng thời điểm đó để hành động dù biết rằng, quyết định của mình sẽ khuấy động cả Châu Á-Thái Bình Dương, phủ bóng quan hệ Trung-Nhật và nhiều hơn nữa. Một năm sau, hầu hết các câu hỏi đặt ra vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Chẳng hạn như, liệu Bắc Kinh có sớm thiết lập ADIZ trên biển Đông? Liệu việc nước này thực thi các hành động pháp lý tại vùng ADIZ có phù hợp luật quốc tế? Và cuối cùng, liệu những lời bào chữa của Bắc Kinh về ADIZ có đúng hay không? Ở đây, tôi muốn tập trung vào câu hỏi thứ nhất.
Ai cũng nhìn thấy rõ các tín hiệu khá mâu thuẫn về khả năng Trung Quốc sẽ thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông. Ví dụ, trong khi một quan chức cấp cao của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) kêu gọi chính quyền lập ADIZ trên biển Đông, lưu ý rằng, điều này là "cần thiết cho lợi ích lâu dài quốc gia", nhiều lời kêu gọi mâu thuẫn với báo cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chính thức khẳng định, chưa có kế hoạch để làm như vậy. Vậy thực hư ra sao?
Trên thực tế, vị trí địa lý rộng lớn ở biển Đông cùng với khẳng định lãnh thổ vô lý và gây tranh cãi của Trung Quốc chắc chắn khiến việc đưa ra quyết định về ADIZ sẽ khó khăn và phức tạp hơn. Hiện nay, tuyên bố của Bắc Kinh phác họa mong muốn kiểm soát tối đa của Trung Quốc trong khu vực. Nhưng nếu tuyên bố ADIZ, Bắc Kinh sẽ phải lo lắng về vấn đề thi hành.
Hôm 27-11, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh thông báo tình hình thực hiện nhiệm vụ ở ADIZ trên biển Hoa Đông trong đó xác định, quân đội tăng cường trinh sát, cảnh báo trên biển Hoa Đông, nắm chắc mọi động thái trên không, kịp thời điều tra, xác minh, xử lý mọi tình huống máy bay quân sự nước ngoài tiếp cận để do thám...
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, Trung Quốc tốn không ít tiền của, công sức vào "nhiệm vụ bất đắc dĩ" này. Trong khi Hải quân Trung Quốc (PLAN) vẫn là lực lượng khá tốt, "người anh em" Lực lượng không quân (PLAAF) không có khả năng đảm nhận thêm phần công việc thực thi một ADIZ trên biển Đông.
Còn nhớ khi Trung Quốc tuyên bố ADIZ ở biển Hoa Đông, các nước như Nhật, Mỹ vẫn bất chấp, đi xa hơn, bỏ qua tuyên bố của Bắc Kinh. Các chuyến bay dân sự Nhật Bản tiếp tục đi qua khu vực này, và Mỹ cũng điều máy bay B-52 qua khu vực. Nếu những hành động phản đối tương tự xuất hiện ở biển Đông, ADIZ sẽ chỉ phơi bày năng lực quản lý yếu kém của Trung Quốc.
Và lợi thế pháp lý mà Bắc Kinh tìm cách có được ở biển Đông để lập ADIZ còn là thử thách lớn hơn nhiều. Và tại thời điểm này, khi ASEAN và Trung Quốc vẫn chưa thể đạt thỏa thuận về Bộ Quy tắc ứng xử cho biển Đông (COC), tuyên bố ADIZ sẽ là chiến lược quá mạo hiểm của Bắc Kinh.
Thanh Văn