Báo Công An Đà Nẵng

Tương lai nào cho Brexit “kế hoạch B”?

Thứ bảy, 19/01/2019 10:31

Sau khi hứng chịu thất bại nặng nề trong cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, tại Quốc hội, Thủ tướng Anh Theresa May buộc phải chạy đua với thời gian để tìm kiếm một thỏa thuận “ly hôn” mới - hay còn gọi là Brexit “kế hoạch B”.

Nước Anh đang quay cuồng trong “cuộc chiến” Brexit.    Ảnh: AFP

Với việc sống sót qua khe cửa hẹp trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm sau cuộc bỏ phiếu Brexit “thảm khốc”, câu hỏi bây giờ là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo cho nước Anh khi thời hạn chót rời EU ngày 29-3 đang đến gần.

Chính trường Anh liên tục gặp sóng gió quanh “cuộc chiến” Brexit. Sau thất bại lịch sử của thỏa thuận Brexit tại Quốc hội với số phiếu chênh lệch đến 230, mức “thua đậm nhất” trong lịch sử nước Anh, Thủ tướng May lại phải vượt ải bỏ phiếu tín nhiệm với số phiếu ủng hộ 325 so với 306, một con số lại cho thấy sự chia rẽ trong Quốc hội Anh. Và giờ đây, bà May buộc phải chạy đua với thời gian để tìm kiếm một thỏa thuận “ly hôn” mới - hay còn gọi là Brexit “kế hoạch B”.

Tìm kiếm “kế hoạch B”

Theo BBC, Thủ tướng May sẽ công bố “Kế hoạch B” vào ngày 21-1 tới và Quốc hội sẽ tranh luận và bỏ phiếu vào ngày 29-1. Đây sẽ lại là thách thức mới của bà May. Dù nhà lãnh đạo này đã chứng minh, bà khó bị lật đổ nhưng cho đến nay, những đề xuất đưa nước Anh rời EU của bà cũng không thể thuyết phục được số đông nghị sĩ Quốc hội. Vì vậy, bà May đang ra sức phá vỡ bế tắc chính trị xung quanh kế hoạch Brexit. Trong bài phát biểu sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, bà May đã gọi kết quả là một cơ hội để tập trung vào việc thúc đẩy Brexit tiến lên.

Hiện chưa rõ Brexit sẽ diễn ra như thế nào và đi đến đâu vì chưa có “kế hoạch B” chính thức. Tuy nhiên, thách thức với bà May là rất lớn khi ông Jeremy Corbyn, lãnh đạo Công đảng, cho biết sẽ không tham gia các cuộc đàm phán về kế hoạch mới nếu nó vẫn nói đến khả năng London rời đi mà không có thỏa thuận nào. Điều đó có thể có nghĩa là Quốc hội buộc phải chấp nhận “kế hoạch B” hoặc tìm kiếm một cuộc trưng cầu dân ý khác. Sau 2 năm ra sức tìm phương án khả thi nhất để Anh rời EU, đảng của bà May vấp phải thất bại lớn chưa từng có trong lịch sử Anh hiện đại sau khi thỏa thuận Brexit bị Quốc hội bác bỏ. Nếu chính phủ của bà không thể tìm được tiếng nói chung trong Quốc hội về kế hoạch mới, nước Anh có thể rút khỏi EU kể từ ngày 29-3 mà không có thỏa thuận hoặc hoãn Brexit để tiến hành tổng tuyển cử hoặc một cuộc trưng cầu dân ý khác.

Sau thất bại trong cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit trong tuần qua, YouGov công bố kết quả thăm dò cho thấy, nếu có một cuộc trưng cầu dân ý khác thì người dân Anh sẽ bỏ phiếu ở lại EU với cách biệt 12 điểm % so với những người bỏ phiếu rời khỏi. Đây là mức cách biệt cao nhất kể từ cuộc trưng cầu ý dân 2016 gây bất ngờ. Tuy nhiên, bản thân Thủ tướng May nhiều lần bác bỏ phương án trưng cầu dân ý lần 2.

Rào cản EU

Theo giới phân tích, Thủ tướng May muốn nhanh chóng đệ trình “kế hoạch B” là vì nhà lãnh đạo này không muốn lùi thời hạn rút khỏi EU trong bối cảnh có nhiều cảnh báo việc trì hoãn là không thể tránh khỏi. “Gần như bất kể bạn làm điều gì thì điều đó cũng không thể tránh khỏi. Nếu tôi ở trong chính phủ hiện giờ, tôi sẽ có các cuộc thảo luận với Châu Âu về những điều khoản gia hạn”, cựu Thủ tướng Tony Blair nói.

Những diễn biến trên cho thấy, khó khăn trong nước đối với bà May là rất lớn. Nhưng thách thức ở bên ngoài còn lớn hơn. Ngoài các chính trị gia và người dân Anh, EU sẽ phải đồng ý với một kế hoạch mới. Thủ tướng May đã khẳng định, Anh sẽ rời khỏi Brexit vào ngày 29-3 tới và EU sẽ chỉ cân nhắc kéo dài thời hạn đàm phán về “Điều 50” nếu như có một kế hoạch khác khả thi hơn. Tuy nhiên, theo giới quan sát, liên minh này đã cho thấy việc không sẵn lòng thay đổi đáng kể thỏa thuận đã rất khó khăn mới đạt được trước đó. Theo tờ Times, hiện giới chức EU đang nghiên cứu những lộ trình pháp lý để trì hoãn Brexit cho đến năm 2020. Nguồn tin dẫn lời các quan chức EU cho biết, việc này đang được xem xét sau khi Đức và Pháp cho thấy họ đã sẵn sàng để kéo dài các cuộc đàm phán Brexit, trong bối cảnh chính trường Anh đang rối loạn. Báo trên dẫn lời các nguồn tin cho hay kế hoạch trước đó được cân nhắc là hoãn Brexit trong vòng 3 tháng từ thời điểm 29-3 sang thời điểm cuối tháng 6 tới.

EU cũng cảnh báo, Anh cần nhanh chóng tìm tiếng nói chung về kế hoạch rút đi hay ở lại EU bởi nếu trì hoãn cũng chỉ có thể kéo dài đến năm 2020.

KHẢ ANH