Báo Công An Đà Nẵng

Tương lai nào cho Catalan?

Thứ tư, 04/10/2017 12:31

Bước đi tiếp theo cho cuộc khủng hoảng Catalan có thể bao gồm bất cứ điều gì, từ đối thoại cho đến  một tuyên bố độc lập của khu tự trị này.

Tây Ban Nha đang đứng trước cuộc khủng hoảng chưa từng có, mà giới chuyên gia cho rằng, có thể sẽ đẩy cả hai bên - chính quyền Madrid và khu tự trị Catalan  - vào ngõ cụt.

Các sinh viên xuống đường ở Barcelona, ủng hộ trưng cầu dân ý về độc lập cho Catalan. Ảnh: AFP

Giới lãnh đạo khu vực Catalan giàu có đã cảnh báo họ sẽ sớm tuyên bố độc lập sau một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập đã bị trấn áp mạnh mẽ khiến hàng trăm người bị thương. Nhà lãnh đạo Catalan, Carles Puigdemont cho biết, khu vực này đã được quyền rời khỏi Tây Ban Nha sau khi 90% cử tri tham gia bỏ phiếu hôm 1-10 đã ủng hộ nền độc lập. Tuy nhiên, chính quyền trung ương ở Madrid đã thề sẽ ngăn chặn điều này xảy ra. Tương lai nào đang chờ đợi Catalan?

Tuyên bố độc lập

Ông Puigdemont, người lên nắm quyền ở Catalan vào tháng 1-2016 sau khi các đảng ủng hộ độc lập giành được đa số trong Quốc hội khu vực Catalan, đã lặp đi lặp lại rằng, chính quyền của ông sẽ tuyên bố độc lập nếu cử tri nói “có”.

Trong khi 90% bỏ phiếu cho độc lập, tỷ lệ cử tri đi bầu chỉ là 42,3% khi hầu hết những người phản đối độc lập đều ở nhà. Cảnh sát cũng đã đóng cửa hàng chục điểm bỏ phiếu và thu giữ các lá phiếu để ngăn chặn việc bỏ phiếu. Ông Puigdemont đã nói sẽ trình bày kết quả đến Quốc hội khu vực, vốn có quyền vận động độc lập. Oriol Bartomeus, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Autonomous của Barcelona nói rằng, các nhà hoạt động cho độc lập Catalan bị “kẹt lại” trong cuộc trưng cầu dân ý này và sẽ bị buộc phải giữ cam kết tuân thủ kết quả. Ông nói với AFP: “Nó giống như một quả cầu tuyết đang lăn xuống ngọn núi, nó nhanh hơn và không ai có thể ngăn chặn”.

Đình chỉ quyền tự trị của Catalan

Madrid có thể viện dẫn Điều 155 của Hiến pháp, vốn chưa bao giờ được sử dụng, cho phép chính quyền Tây Ban Nha kiểm soát một chính quyền tự trị đang hành động chống lại lợi ích quốc gia để ngăn chặn một tuyên bố độc lập.

Javier Perez Royo, giáo sư tại Đại học Seville nhận định, nếu Catalonia tuyên bố độc lập, chính phủ Tây Ban Nha sẽ buộc phải can thiệp bằng cách sử dụng Điều 155 này. Đây là phương án cuối cùng. Nhưng Bộ trưởng Tư pháp Tây Ban Nha, Rafael Catala đã từ chối nói về việc này, chỉ nói rằng, chính phủ sẽ “làm tất cả mọi thứ theo luật” để ngăn chặn tuyên bố độc lập.

Nếu Madrid sử dụng quyền lực này, các cuộc biểu tình khổng lồ có thể sẽ bùng nổ ở Catalan, giống như những cuộc biểu tình bắt đầu vào ngày 21-9 của 14 quan chức hàng đầu của Catalan về vai trò của họ trong việc chuẩn bị cuộc trưng cầu dân ý. Giới phân tích dự đoán, các quảng trường lớn sẽ bị chiếm giữ, như đã xảy ra vào tháng 5-2011 khi phong trào “Indignados” của Tây Ban Nha chống lại các biện pháp khắc khổ và sự bất bình đẳng về kinh tế, vốn đã chiếm “toàn bộ trái tim” của Madrid và các thành phố khác trong vài tuần.

Đối thoại

Sau 5 năm đối thoại bế tắc giữa Madrid và Catalan, hai bên có thể bắt đầu đàm phán để đạt được thỏa hiệp, trao cho Catalan một đặc quyền với nhiều quyền lực hơn về thuế và các vấn đề khác.

Nhà lãnh đạo khu vực này, ông Puigdemont kêu gọi các nhà “trung gian quốc tế” giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nhưng không nói rõ liệu ông mong đợi những gì. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, rất khó để nhìn thấy những cái đầu ôn hòa ở cả hai bên, để có thể làm dịu những ý tưởng của họ khi vấn đề này trở nên nóng hơn trên bàn đối thoại.

KHẢ ANH