Báo Công An Đà Nẵng

Tương lai nào chờ đợi Samsung?

Thứ hai, 26/10/2020 17:14

Tập đoàn Samsung ở Hàn Quốc ngày 25-10 đã ra thông báo, Chủ tịch Lee Kun-hee của họ đã qua đời ở tuổi 78 sau 6 năm nhập viện vì đau tim.

Samsung cho biết ông Lee qua đời hôm 25-10 bên cạnh gia đình, nhưng không nêu nguyên nhân chính xác của cái chết. Theo AFP, một cơn đau tim vào năm 2014 đã khiến ông phải nằm liệt giường, trong sự chăm sóc thường xuyên. Trong một tuyên bố, Cty cho biết: “Chúng tôi vô cùng đau buồn báo tin Chủ tịch Lee Kun-hee đã qua đời trong vòng tay của gia đình, bao gồm Phó Chủ tịch Jay Y. Lee. Chủ tịch Lee là người có tầm nhìn xa trông rộng thực sự, phát triển Samsung từ doanh nghiệp địa phương trở thành tập đoàn hàng đầu thế giới. Di sản của ông sẽ trường tồn”.

Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee đã qua đời hôm 25-10. Ảnh: AFP

Tổng thống Hàn Quốc gửi thư chia buồn gia đình cố Chủ tịch Samsung

Nhà Xanh cho biết, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In gửi hoa và thư chia buồn về sự ra đi của Chủ tịch tập đoàn Samsung, ông Lee Kun-hee, vào ngày 25-10. “Chánh văn phòng Nhà Xanh Noh Young Min và thư ký cấp cao của tổng thống, Lee Ho Seung, trực tiếp đến chia buồn một khi điểm tổ chức lễ tưởng nhớ hoàn thiện”, người phát ngôn tổng thống Kang Min Seok cho biết. Thư chia buồn của Tổng thống Moon Jae In về cố Chủ tịch tịch Lee Kun-hee được gửi trực tiếp cho gia đình ông, theo Reuters.

Thời kỳ hoàng kim của Chủ tịch Lee Kun-hee

Ông Lee Kun-hee là con trai thứ ba của ông Lee Byung-chul, người đã thành lập Tập đoàn Samsung năm 1938. Ông gia nhập Cty gia đình vào năm 1968 và đảm nhận vị trí chủ tịch năm 1987 sau khi cha qua đời.

Vào thời điểm đó, Samsung được coi là nhà sản xuất các sản phẩm giá rẻ, chất lượng thấp. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Lee Kun-hee, những cải cách triệt để đã được đưa ra, từng bước giúp tập đoàn này vươn vòi ra xa hơn nữa, thành tập đoàn kinh tế khổng lồ, lớn mạnh đa dạng hóa sang các lĩnh vực như bảo hiểm và vận chuyển, đóng tàu và xây dựng. Ông Lee trở nên nổi tiếng khi nói với nhân viên vào năm 1993: “Hãy thay đổi mọi thứ, ngoại trừ vợ và con của chúng ta”. Sau tuyên bố của ông, hơn 150.000 chiếc điện thoại cầm tay kém chất lượng mà Samsung có trong kho khi ấy đã bị tiêu hủy hết, mở đường cho sự tái sinh của chiếc “Anycall” thành công mỹ mãn.

Dưới sự lãnh đạo của ông, Samsung Electronics cũng trở thành một trong những Cty công nghệ lớn nhất thế giới. Và có thể nói rằng, gần như cả cuộc đời của ông chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của Samsung Electronics. Từ một nhà sản xuất hạng hai với các sản phẩm giá rẻ, chất lượng thấp, Samsung Electronics trở thành Cty công nghệ lớn nhất thế giới về doanh thu; vượt qua các thương hiệu Nhật Bản như Sony, Sharp và Panasonic về chip, TV và màn hình; chấm dứt vị thế thống trị của điện thoại Nokia và đánh bại Apple trong lĩnh vực điện thoại thông minh.

“Di sản của cố chủ tịch sẽ trường tồn. Tất cả chúng tôi tại Samsung sẽ luôn trân trọng những di sản của ông và biết ơn về hành trình được đồng hành với ông. Xin được chia buồn sâu sắc với gia đình ngài cố chủ tịch Lee”, thông cáo của Samsung nêu rõ.

“Vua ẩn sĩ”

Ông Lee Kun-hee sinh năm 1942 tại thành phố Daegu và thừa kế cơ ngơi của cha vào năm 1987 khi đã 45 tuổi. Lúc đó, Samsung đã đứng ở vị trí trung tâm của nền kinh tế Hàn Quốc, với tổng tài sản vào thời điểm đó là 8.000 tỷ won. Con số này hiện đã tăng lên hơn 400.000 tỷ won, theo Yonhap. Đến nay, Samsung là tập đoàn lớn nhất trong số các tập đoàn do gia đình kiểm soát (còn gọi là chaebol), thống trị hoạt động kinh doanh ở Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới. Theo Forbes, ông Lee Kun-hee là người giàu nhất Hàn Quốc với giá trị tài sản ròng gần 21 tỷ USD.

Tuy nhiên, ông hiếm khi nói chuyện với giới truyền thông và nổi tiếng là người sống ẩn dật, và được đặt biệt danh “vua ẩn sĩ”. Và mỗi lần hiếm hoi trả lời phỏng vấn, ông luôn nhắc tới tầm quan trọng của những bộ óc sáng suốt trong kinh doanh. “Cho dù chuyện gì có xảy ra đi chăng nữa, chúng ta cũng không cần phải sợ nếu chúng ta có những nhân tài tốt nhất trong thiết kế, nghiên cứu và phát triển”, AFP dẫn lời ông Lee từng nói trong một cuộc họp với các Cty con. Ông cũng đã 2 lần bị kết tội hình sự, trong đó có hành vi hối lộ cựu Tổng thống Roh Tae-woo. Ông từ chức Chủ tịch Samsung năm 2008 sau khi bị buộc tội trốn thuế và tham ô. Ông bị tuyên 3 năm tù treo vì trốn thuế nhưng đã được tổng thống ân xá năm 2009, và tiếp tục dẫn dắt Hàn Quốc thành công trong việc đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2018. Ông trở lại làm chủ tịch Tập đoàn Samsung năm 2010, nhưng phải nằm liệt giường vì cơn đau tim năm 2014.

Con trai của ông, Lee Jae-yong, lên nắm quyền thay thế tạm thời với vị trí Phó Chủ tịch. Nhưng vị “thái tử” này cũng phải ngồi tù vì liên quan đến một vụ bê bối hối lộ khiến Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Park Geun-hye bị phế truất khỏi chức vụ năm 2017. Tháng trước, các công tố viên đã đưa ra cáo buộc mới đối với “thái tử” Lee Jae-yong về vai trò của ông một thương vụ sáp nhập năm 2015.

Câu hỏi về việc thừa kế?

Ông Lee Kun-hee là người mới nhất thuộc thế hệ thứ hai các tập đoàn gia đình Hàn Quốc qua đời. Sự ra đi của những người trong thế hệ thứ hai của các gia tộc lớn thường để lại nhiều khó khăn cho thế hệ thứ ba kế tục.

Theo giới phân tích, sự ra đi của chủ tịch Lee thời điểm này là một nỗi đau vô cùng lớn với Samsung, nhất là khi nó xảy đến vào một thời điểm khá nhạy cảm: Phó chủ tịch Lee Jae-yong đang có nguy cơ phải ngồi tù về vai trò của ông một thương vụ sáp nhập năm 2015. Ông Lee Jae-yong và Samsung từ chối mọi cáo buộc nói rằng họ không phạm luật và cam kết mọi hoạt động trong quá trình sáp nhập là theo chuẩn kế toán quốc tế. Chưa rõ kết cục sẽ như thế nào, nhưng việc ông Lee liên tục bị vướng vào vòng lao lý đã kéo đám mây đen bao quanh nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, nhất là trong bối cảnh họ phải cùng lúc đối mặt với khủng hoảng vì Covid-19 và những căng thẳng chính trị.

Hiện tại, Samsung đang được hưởng lợi không hề nhỏ khi đối thủ Huawei đang đối mặt quá nhiều khó khăn từ Mỹ. Nhưng dù đón nhận những kết quả kinh doanh tốt hơn kỳ vọng của giới phân tích rất nhiều nhưng tương lai Samsung vẫn còn nhiều bất định. Theo các nguồn tin, tội danh thao túng chứng khoán và vi phạm các quy tắc kế toán mà “thái tử” Samsung đang bị truy tố nếu là đúng, ông có thể đối diện với mức án cao nhất lên tới 10 năm tù giam. Đây tất nhiên là kết cục mà Samsung đang nỗ lực để không xảy ra nếu không họ sẽ mất đi sự lãnh đạo, điều hành trực tiếp từ vị lãnh đạo cấp cao nhất này trong bối cảnh hiện nay.

Ngoài ra, câu hỏi về việc thừa kế và ai là người thay thế vị trí chủ tịch của ông Lee Kun-hee tại Samsung cũng đang là câu hỏi lớn.

KHẢ ANH